TP.HCM: Xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm vì dân mong đợi

Trải qua 3 giờ thảo luận tại kỳ họp bất thường, Hội đồng Nhân Dân TP.HCM đã quyết định thông qua dự án đầu tư xây dựng nhà hát mới cho Khu đô thị Thủ Thiêm với kinh phí 1.500 tỷ.
TP.HCM: Xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm vì dân mong đợi
TP.HCM: Xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm vì dân mong đợi


Ngày 8/10 vừa qua, Hội đồng Nhân dân TP.HCM khóa IX đã khai mạc kỳ họp thứ 10 (bất thường) để họp bàn về nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có chủ trương đầu tư dự án công nhóm A là công trình Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch.

Theo Chủ tịch HĐND TP.HCM, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm cho biết, các đề án trong kỳ họp này, đặc biệt là dự án xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm, đóng vai trò vô cùng quan trọng cho sự phát triển và nâng cao đời sống người dân thành phố. Bà Tâm khẳng định, đây là dự án mang tầm vóc thế kỷ, được người dân thành phố mong chờ từ rất lâu nên đề nghị các đại biểu cân nhắc kỹ lưỡng.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM, ông Lê Thanh Liêm phát biểu, dự án triển khai tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (Quận 2) có mức đầu tư dự kiến là 1.508 tỷ đồng, kinh phí sẽ lấy từ nguồn thu bán đấu giá khu đất 23 Lê Duẩn (Quận 1). Được biết, chủ đầu tư xây nhà hát 1.500 tỷ này là Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Văn hóa - Thể thao, thời gian thực hiện trong giai đoạn từ năm 2018 đến năm 2022. Quy mô nhà hát được dự kiến chó 1.700 chỗ ngồi, bao gồm 2 khán phòng lớn và nhỏ.


Phó chủ tịch thành phố còn nhấn mạnh thêm về tầm quan trọng của dự án này, với lý do TP.HCm là đô thị văn minh - hiện đại, là đầu mối quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật… với các nước khác trên thế giới. Việc xây dựng một công trình văn hóa xứng tầm như nhà hát tại Thủ Thiêm là rất cần thiết.

Vào thời Pháp thuộc, TP.HCM có tổng cộng 3 nhà hát lớn, gồm nhà hát Opera (nay là Nhà hát Thành phố), nhà hát Philharmonie (nay là Kho bạc Thành phố) và Nhạc viên thành phố. Hiện nay, chỉ có Nhà hát Thành phố là còn hoạt động đúng với giá trị của một nhà hát. Còn các cơ sở khác xây dựng sau giải phóng như Hòa Bình, Bến Thành đã bị xuống cấp trầm trọng, không còn đủ tiêu chuẩn để tổ chức các buổi diễn quốc tế nữa.

Bên cạnh đó, theo ông Liêm, dự án xây nhà hát 1.500 tỷ tại Thủ Thiêm còn góp phần nâng cao trình độ hưởng thụ văn hóa của người dân thành phố trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cũng như bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc trưng của dân tộc.


Báo cáo thẩm tra tờ trình, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP.HCM, ông Nguyễn Văn Dũng lưu ý trong kỳ họp, nhà hát tại Thủ Thiêm phải có kiến trúc thật độc đáo, bố trí đầy đủ khu cây xanh liền kề, thiết kế cần thiết đạt tiêu chuẩn quốc tế nhằm thu hút khách du lịch. “UBND thành phố cần chọn nhà đầu có năng lực và tránh lãng phí khi xây dựng”, ông Dũng nói.

Tham gia thảo luận tại kỳ họp, Nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Giám đốc nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ kịch nhìn nhận, thành phố đang trong tình trạng thiếu vắng nhà hát, không chỉ ở trung tâm mà còn là các quận huyện. Các nhà hát hiện hữu đã cũ, xuống cấp hoặc quy mô quá nhỏ, không thực sự đủ để phục vụ các chương trình nghệ thuật tầm cỡ. Theo ông Thạch, nhà hát là yếu tố quyết định môi trường văn hóa cũng như thiết chế văn hóa thành phố. Nếu dự án xây nhà hát 1.500 tỷ này được thiết kế đúng tiêu chuẩn, Việt Nam có thể thu hút được đông đảo đoàn nghệ thuật giao hưởng lớn trên thế giới về đây giao lưu và học hỏi.


Ủng hộ chủ trương dự án nhà hát Giao hưởng, nhạc và vũ kịch, song bà Thi Thị Tuyết Nhung, Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP.HCM bày tỏ e ngại về tính kết nối không gian của nhà hát với Khu đô thị Thủ Thiêm và trung tâm thành phố. Mặt khác, bà Võ Thị Ngọc Thúy băn khoăn về mối tương quan giữa quy mô 2 khán phòng 1.200 và 500 chỗ, cũng như công năng của nhà hát. Nếu đặt mục tiêu phục vụ văn hóa - xã hội, thì kiến trúc và mỹ thuật của dự án là điều quan trọng nhất. Bà Thúy cũng cho rằng, cần thiết đặt ra câu hỏi để xem xét lại vấn đề ảnh hưởng phát triển du lịch cũng như giá trị kinh tế của dự án, “Nhà hát Hòa Bình 1.300 chỗ và Nhà hát Thành phố 400 chỗ đã sử dụng hết công suất hay chưa, nhà hát mới có điểm gì khác?”.

Xét mục tiêu tổ chức liên hoan quốc tế, đại biểu Thúy phát biểu, số ghế ngồi như kế hoạch dự án là chưa đủ, khuôn viên cây xanh cũng nên được tính toán kết hợp làm nơi triển lãm các giá trị nghệ thuật. Về giá trị sử dụng, bà đặt tiếp vấn đề: "Thành phố đã khảo sát thị trường để biết được nhu cầu nhạc giao hưởng, vũ kịch của khán giả ra sao? Nhà hát sử dụng đa năng hay chỉ dành cho giao hưởng, vũ kịch? Nếu đa năng thì chỗ ngồi trên liệu có đủ đáp ứng?".


Trả lời vấn đề của đại biểu Thúy, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao TP.HCM cho hay, nhà hát sẽ được thiết kế theo hướng nghệ thuật hàn lâm, tuy không theo hướng đa năng nhưng có thể dùng để biểu diễn các môn nghệ thuật khác nhau. Điều còn băn khoăn là làm sao để tạo điều kiện cho người dân tiếp cận được các bộ môn nghệ thuật này, và làm sao đào tạo đủ lực lượng nghệ sĩ phục vụ người dân ngay khi nhà hát hoàn thành.

Tuy việc triển khai các nghị quyết được thông qua đem đến nhiều kết quả tích cực, song ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND thành phố nhìn nhận hiệu quả kinh tế - xã hội còn khá khiêm tốn, chậm so với dự kiến. "Như nghị quyết chi thu nhập thêm cho cán bộ, công chức, hiện mới hoàn chỉnh xong tiêu chí đánh giá. Đề án ủy quyền mới lấy xong ý kiến của 11 bộ ngành Trung ương", ông Phong thông báo.

Trong thời gian sắp tới, Chủ tịch TP.HCM nhấn mạnh sẽ tập trung triển khai đúng tiến độ các nghị quyết đã được HĐND thông qua, đồng thời hoàn chỉnh các đề án còn lại. "Thành phố sẽ mời các chuyên gia đầu ngành trên các lĩnh vực theo các chính sách thu hút đã được HĐND thông qua để nghiên cứu, đề xuất tranh thủ tối đa cơ chế, chính sách mới, vượt trội hơn theo quy định pháp luật hiện nay và phù hợp với đặc thù của một đô thị đặc biệt mà Nghị quyết 54 cho phép để có sự bứt phá", ông Phong bổ sung.

MuaBanNhaDat theo TBKD