Trường ĐH Quốc tế TPHCM: Nơi thắp lửa đầu tiên ngành Kỹ thuật Y sinh


Trường ĐH Quốc tế TPHCM: Nơi thắp lửa đầu tiên ngành Kỹ thuật Y sinh
Ông Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG TPHCM (phải) trao bằng khen cho đại diện tập thể Bộ môn Kỹ thuật Y sinh - TS Nguyễn Thị HiệpGD&TĐ - Ngày 25/3, Trường ĐH Quốc tế (HCMIU) - ĐH Quốc gia TPHCM tổ chức lễ kỉ niệm 10 năm thành lập Bộ môn Kỹ thuật Y sinh (2009-2019). Đây cũng là cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên tại Việt Nam đào tạo trình độ ĐH ngành Kỹ thuật Y sinh.

Dịp này, Bộ môn Kỹ thuật Y sinh cũng đã khởi động nhiều chương trình hấp dẫn, thú vị thu hút được nhiều sinh viên, cán bộ giảng viên cùng tham gia như Hội thảo khoa học A.I for Health, Ngày hội khám mắt miễn phí, Hội thi duyên dáng áo dài tháng Ba...

Phát biểu tại buổi lễ, ông Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG TPHCM; ông Trần Tiến Khoa - Hiệu trưởng HCMIU, đánh giá cao những đóng góp của tập thể Bộ môn Kỹ thuật Y sinh đối với sự phát triển của ĐHQG TPHCM nói chung và HCMIU nói riêng. Hai vị lãnh đạo đều hy vọng rằng, trong thời gian sắp tới khi có quyết định thành lập khoa Kỹ thuật Y sinh trực thuộc HCMIU thì tập thể sư phạm bộ môn tiếp tục có những góp nổi bật hơn nữa cho sự phát triển chung của nhà trường.

Ông Huỳnh Thành Đạt – Giám đốc ĐHQG TPHCM (phải) trao bằng khen của ĐHQG TPHCM cho GS Võ Văn Tới

Đặc biệt, Giám đốc ĐHQG TPHCM đã có những phát biểu tuyên dương, ghi nhận những đóng góp của GS Võ Văn Tới – một trí thức Việt Nam ở nước ngoài, trở về nước giúp HCMIU xây dựng, phát triển Bộ môn Kỹ thuật Y sinh. GS Võ Văn Tới – nguyên trưởng Bộ môn - đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của lãnh đạo các cấp: Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT, Giám đốc ĐHQG TPHCM và Hiệu trưởng HCMIU.

Biểu đồ các bài báo được bình duyệt của Bộ môn Kỹ thuật Y sinh đã đăng trên các tạp chí quốc tế

Sau 10 năm thành lập, hiện Bộ môn có 11 giảng viên trình độ Tiến sĩ, bác sĩ và dược sĩ… tốt nghiệp tại các trường đại học danh tiếng của quốc tế. Bộ môn đã xây dựng được 11 phòng thí nghiệm giáo dục và nghiên cứu chuyên ngành gồm nhiều thiết bị hiện đại. Trong đó, bộ môn đã xây dựng được 2 phòng thí nghiệm lâm sàng đặt tại các bệnh viện trong thành phố. Chương trình đào tạo của Bộ môn đã đạt chuẩn kiểm định AUN-QA (2015) và đã tham gia kiểm định ABET của Hoa Kỳ (2018), nhận được sự đánh giá cao từ hội đồng.

Một điểm nhấn khác, đội ngũ giảng viên của Bộ môn đã đạt nhiều thành tích quan trọng trong sự nghiệp giảng dạy và nghiên cứu. TS Trần Hà Liên Phương (cựu GV của bộ môn) đã nhận được giải thưởng Nhà nghiên cứu khoa học tài năng năm 2015 của Quỹ L’Oreal- UNESCO. TS Nguyễn Thị Hiệp – Trưởng Bộ môn, đạt giải thưởng Nhà nghiên cứu khoa học tài năng năm 2016 của L’Oreal UNESCO, giải Nhất cuộc thi Giải thưởng khoa học ASEAN – Mỹ vì có những nghiên cứu xuất sắc trong lĩnh vực y sinh, và năm 2018, cô tiếp tục được Quỹ L’Oreal và UNESCO trao Giải thưởng Nhà khoa học trẻ tài năng của thế giới. TS. Trần Hà Liên Phương và TS. Nguyễn Thị Hiệp là hai nhà khoa học nữ duy nhất đến thời điểm hiện nay được vinh danh tại giải thưởng Khoa học của Quỹ L’Oreal – UNESCO…

H.Chương