Ảnh bài: Lưu ý quan trọng khi đi Du lịch tự túc Ấn Độ
DU LỊCH ẤN ĐỘ TỰ TÚC CÓ AN TOÀN KHÔNG?
Đó là câu hỏi mà rất nhiều người băn khoăn khi có ý định du lịch đến đất nước Nam Á này. Từ lâu, du lịch Ấn Độ đã bị gắn những danh tiếng không mấy hay ho như ô nhiễm, xô bồ, chặt chém… Thực ra, chỉ cần trang bị cho mình sức khỏe, kiến thức, kỹ năng cùng sự cẩn trọng là bạn hoàn toàn có thể khám phá đất nước rộng lớn và kỳ vĩ này. Toidi.net xin gửi tới các bạn hướng dẫn để có một chuyến du lịch Ấn Độ an toàn, vui vẻ.
Khí hậu ở Ấn Độ
Ấn Độ là quốc gia rộng lớn, gồm nhiều địa hình khác nhau, từ núi tuyết, đồng bằng, sa mạc, rừng rậm đến ven biển. Chính vì vậy, Ấn Độ cũng có nhiều kiểu thời tiết khác nhau, thậm chí có –lúc cực đoan kèm theo các dịch bệnh:
Ảnh 1: Tài khoản Twitter của Cơ quan Quản lý thiên tai quốc gia Ấn Độ – bài Du lịch Ấn Độ tự túc
Ấn Độ rất nóng và bụi. Trong khoảng thời gian từ tháng 4 tới tháng 7, nhiệt độ ban ngày có thể lên đến hơn 400 Do đó, khẩu trang, mũ nón, kính râm, kem chống nắng, quần áo dài tay là những đồ không thể thiếu.Nên mang đồ tối màu, hạn chế quần áo sáng màu, nhất là màu trắng vì dễ lấm bẩn và đổi sang màu khác.Lưu ý Lưu trú khi đi Du lịch Ấn độ tự túc
Tại một số thành phố, bạn có thể tìm được phòng khách sạn trong khu vực Tây ba lô, có nước nóng lạnh với mức giá ổn từ 500 – 700 rupee/phòng/đêm (200.000 – 280.000 đồng). Còn những phòng cao cấp hơn, đầy đủ tiện nghi tương đương với khách sạn 3 sao có giá khoảng 2.000 rupee/đêm (800.000 đồng)
Công dân Việt Nam được chính phủ Ấn Độ cho phép xin visa du lịch trực tuyến trước khi nhập cảnh. Một số khách sạn có thể yêu cầu bạn xuất trình giấy ETA (visa du lịch trực tuyến) nên tốt nhất giữ lại giấy này trong suốt hành trình. Hướng dẫn xin visa du lịch Ấn Độ trực tuyến tại đây: http://toidi.net/diem-den-nuoc-ngoai/huong-dan-xin-visa-an-do-online-e-visa.htmlNạn “cò mồi” khách sạn rất phổ biến ở Ấn Độ. Tài xế taxi sẽ hỏi bạn đã đặt phòng khách sạn chưa. Sau đó, anh ta sẽ giả vờ gọi điện thoại và nói rằng khách sạn bạn đặt đã hết chỗ hoặc đóng cửa. Anh ta còn đề nghị “giúp” bạn tìm một khách sạn khác ở gần đó (nơi anh ta được nhận hoa hồng cho việc dẫn khách). Đừng tin, hãy yêu cầu tài xế đưa bạn đến đúng khách sạn đã đặt để xác nhận.Ngay cả khi bạn chưa đặt sẵn khách sạn, hãy hành xử như thể bạn có. Hãy yêu cầu tài xế taxi cho bạn xuống một địa điểm cụ thể và đặt phòng từ đó.Nên mang theo ổ khóa nhỏ để khóa cửa phòng khách sạn. Ổ khóa của khách sạn có thể không tin tưởng được.Điện ở Ấn Độ không ổn định. Ở những vùng nông thôn, đôi khi chỉ có điện 30 phút trong một ngày nên hãy sử dụng tiết kiệm các thiết bị điện tử, ngay cả khi ở khách sạn. Mang theo pin sạc dự phòng cũng là một ý hay.Vấn đề Ăn uống, và vệ sinh
Nhìn chung, ẩm thực Ấn Độ không hợp với khẩu vị người Việt, khá mặn, sử dụng nhiều dầu mỡ, gia vị cay nồng. Thịt bò và thịt heo không được sử dụng trong các món ăn do bò là con vật linh thiêng của đạo Hindu còn heo được coi là con vật dơ bẩn theo tín ngưỡng đạo Hồi. Thức ăn chủ yếu là các loại ngũ cốc và một ít thịt gà. Nếu cảm thấy khó ăn, các bạn nên chuẩn bị sẵn đồ ăn dự trữ để lót dạ như ruốc, mì gói, bánh mì…
Trên mọi vỉa hè tại Ấn Độ đều bày bán đồ ăn vặt, hoa quả và rau cỏ cùng với bụi bặm và ruồi muỗi, trông mất vệ sinh và dễ gây đau bụng. Nếu muốn thưởng thức ẩm thực đường phố, tốt nhất bạn nên chọn những loại hoa quả có vỏ và rửa sạch chúng trước khi ăn.Ảnh 2: Những quầy hoa quả trông rất ngon mắt. Tuy nhiên, bạn chỉ nên mua các loại hoa quả có vỏ và rửa sạch chúng trước khi ăn – Ảnh bài : bài Du lịch Ấn Độ tự túc
Nên sử dụng nước đóng chai khi tới các địa điểm du lịch. Nếu mua nước đóng chai, bạn cần kiểm tra kỹ xem vỏ chai còn nguyên vẹn không. Bạn cũng có thể uống nước từ các máy bơm giống như dân địa phương nhưng cần có thời gian để tập quen dần. Không uống nước từ giếng trời, ao hồ hay từ các vòi nước không có hệ thống lọc.Rượu, bia ở Ấn Độ không dễ mua như ở Việt Nam, chỉ những cửa hàng có giấy phép đặc biệt mới được kinh doanh. Đối với những nhà trọ không có giấy phép bán rượu bia, du khách cũng không được mang rượu bia từ ngoài vào vì nhà trọ có thể bị phạt.Đa phần người Ấn dùng tay bốc khi ăn cơm. Nếu lo ngại về vấn đề vệ sinh, bạn có thể mang theo một đôi đũa từ nhà.Không có nhà vệ sinh công cộng dành cho nữ ngoài đường, chỉ có những khu vệ sinh cho nam giới, nơi người ta đơn giản là đứng úp mặt vào tường.Người dân Ấn Độ sau khi đi vệ sinh xong sẽ rửa nước thay vì dùng giấy nên giấy vệ sinh không được bày bán phổ biến. Mang theo nước rửa tay, khăn ướt, giấy vệ sinh do đó là điều rất cần thiết.Không nhận đồ ăn thức uống từ người lạ mặt mới quen biết. Đã có một số vụ việc đánh thuốc mê du khách để cướp đồ hay cưỡng bức.Giao thông đi lại khi đi Du lịch Ấn Độ tự túc
Nếu bạn thường than phiền về tình hình giao thông nhiều bất cập ở Việt Nam, có lẽ bạn sẽ thấy lạc quan hơn khi sang Ấn Độ. Trên những con đường đông nghịt giờ cao điểm, người, xe, bò và chó đan vào nhau từ mọi hướng, không theo trật tự hay luật lệ nào. Nhưng cũng chỉ cần khoảng cách nửa mét là các bác tài rickshaw có thể vượt, rẽ trái hay quay đầu rất tài tình.
Quang cảnh đường phố đông đúc ở Delhi – Ảnh bài: Lưu ý quan trọng khi đi Du lịch tự túc Ấn Độ
Các phương tiện ở Ấn Độ lưu thông về phía tay trái.Để di chuyển trong thành phố, phương tiện phổ biến nhất là những chiếc auto rickshaw hoặc tàu điện ngầm (ở các thành phố lớn). Còn nếu di chuyển giữa các tỉnh thành, đa phần du khách chọn các chuyến tàu hỏa hoặc máy bay.Sân bay quốc tế Indira Gandhi ở thủ đô Delhi thực hành tiêu chuẩn sân bay im lặng. Bạn sẽ không thấy sự hiện diện của các loa phát ở khu vực ga đi, ga đến, sảnh chờ hay quầy check-in. Do vậy, trước khi ngả lưng chờ đến giờ quầy check-in làm việc, bạn nên đặt hẹn báo thức và kiểm tra thông tin trên các bảng điện tử để tránh bị lỡ chuyến.Nên sử dụng dịch vụ taxi trả trước tại sân bay. Các quầy taxi này do chính phủ Ấn Độ quản lý, số tiền được thỏa thuận trước, mọi chi tiết về xe cũng sẽ được ghi lại, do đó, bạn hoàn toàn yên tâm.Ở các thành phố lớn như Delhi, Mumbai, Kolkata, tàu điện ngầm (metro) cũng là phương tiện di chuyển tiện lợi. Ở mỗi đoàn tàu đều có toa dành riêng cho nữ giới. Các bạn nữ nên sử dụng toa xe này vào giờ cao điểm hoặc lúc tối muộn. Kinh nghiệm đi lại ở Delhi xem tại đây: http://toidi.net/diem-den-nuoc-ngoai/kinh-nghiem-di-lai-o-new-delhi-an-do.htmlga tàu ở New Delhi – Ảnh bài: Lưu ý quan trọng khi đi Du lịch tự túc Ấn Độ
Tàu xe bị trễ lịch là chuyện thường ngày ở Ấn Độ, có thể từ nửa tiếng đến tận bảy tiếng đồng hồ. Nguyên nhân do tình trạng giao thông hỗn loạn hoặc cũng có thể do biểu tình (khi có biểu tình, tất cả các phương tiện giao thông công cộng đều không được phép vận hành từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối). Bạn nên thường xuyên kiểm tra lịch trình tàu xe trên các bảng điện tử hay trên ứng dụng điện thoại.Nếu di chuyển bằng tàu hỏa, bạn nên đặt vé hạng nhất (1st class) hoặc hạng hai (2nd class) trên những chuyến tàu A.C. Đây là hạng tàu cao cấp, chủ yếu dành cho khách du lịch và người bản địa có kinh tế khá giả. Trên tàu khá sạch sẽ, có bật điều hòa và phát chăn, gối cho hành khách.Nên đến ga sớm trước 1 tiếng để chờ tàu vì bạn khó có thể tìm được nhân viên nhà ga giữa đám người đông đúc và cũng để tìm bến đỗ của chuyến tàu vì sân ga rất rộng. Ngoài ra, bạn cũng cần căn giờ để dậy khi đến ga vì trên tàu không có thông báo.Khi chỉ đường, người Ấn Độ có thể nói đi nói lại 4 – 6 lần mà vẫn không chắc chắn. Nếu kèm theo tiếng “ha”, bạn không nên quá tin tưởng vào lời chỉ dẫn đó.Ở Ấn Độ thường xuyên cúp điện và đèn đường cũng không đủ sáng. Nếu đã từng lần mò trong bóng tối trên những con đường vương đầy “mìn” của gia súc và chi chít ổ gà ổ voi, bạn sẽ thấy được sự hữu ích của chiếc đèn pin.Vấn đề Chi tiêu mua sắm
Đơn vị tiền tệ ở Ấn Độ là Rupee (INR). 1 INR = 400 VNĐ.Tiền Rupee ở Việt Nam khá khó đổi và tỷ giá cao. Do vậy chỉ nên mang theo một ít Rupee dự phòng và mang theo USD sang Ấn Độ đổi tỷ giá sẽ tốt hơn. Ngoài ra, bạn cũng cần lưu ý là các quầy đổi tiền ở trong sân bay sẽ tính phí và hoa hồng cao hơn các quầy đổi tiền ở bên ngoài (thông thường từ 2 – 5%).Người Ấn Độ ít khi mua hàng nguyên ký, thông thường họ chỉ mua nửa ký hoặc 250 gram thôi. Do đó, đôi khi giá tiền mà người bán hàng đưa ra là giá cho nửa ký. Bạn cần hỏi rõ để tránh nhầm lẫn.Trong mọi trường hợp, ở mọi nơi, đối với tất cả hàng hóa, dịch vụ, bạn luôn cần ghi nhớ: Nhất định phải mặc cả. Người làm dịch vụ tại Ấn Độ thường hét giá rất cao so với mức có thể chấp nhận được, đôi khi đội giá lên từ… năm đến tám lần. Nếu đã ngã giá xong xuôi mà vẫn cảm thấy bị hớ, bạn có thể đổi ý, cứ trả giá thấp hơn đến khi nào thấy hợp lý.Chiêu trò tách giá cũng dễ làm du khách mắc bẫy. Người lái xe ban đầu chấp nhận mức giá thỏa thuận, nhưng khi đi được nửa đường, họ dừng lại, tỏ thái độ đòi hỏi và yêu cầu bạn trả thêm. Lúc này, bạn cần tỏ thái độ kiên quyết, thậm chí bỏ đi để từ chối yêu sách vô lý của họ.Những người bán hàng rất hay “bỗng dưng” đếm nhầm, vì vậy, hãy kiểm tra thật kỹ khi bạn nhận lại tiền thừa. Hoặc nếu có thể, hãy chuẩn bị thật nhiều tiền lẻ. Có lần bọn mình mua 08 vé metro ở Delhi, giá 20 rupee/vé, tổng tiền là 160 rupee. Nhưng khi đưa tờ 500 rupee (do không có tiền lẻ) thì họ chỉ trả lại có 300 rupee.Ảnh 5: Một cửa tiệm đồng hồ ở Chandni Chowk, Delhi – Ảnh bài: Lưu ý quan trọng khi đi Du lịch tự túc Ấn Độ
Đưa tiền boa (tip) là hành động nên có nhưng không bắt buộc tại Ấn Độ:+ Thông thường, dịch vụ vận tải, tour du lịch và nhà hàng là những thứ liên quan nhiều nhất đến tiền boa.
+ Đối với các tài xế hướng dẫn du lịch, bạn nên gửi họ từ 200 – 400 rupee (80.000 – 160.000 đồng) sau một ngày tham quan, tùy vào lòng hảo tâm của bạn. Trong khi đó, những hướng dẫn viên du lịch dưới dạng tour cá nhân thường sẽ tính mức phí này vào tổng hóa đơn, nên bạn không cần phải đưa tiền boa.
+ Tại nhà hàng, mức boa trung bình vào khoảng 5%, còn mức hậu hĩnh khoảng 10%. Nếu đến một khách sạn hay nhà hàng sang trọng, bạn nên chuẩn bị tinh thần phải trả thêm 18% tiền thuế hàng hóa và dịch vụ, 10% phí dịch vụ và một khoản phí dành cho các loại hàng “sang trọng”.
+ Khi đến đền thờ, nếu bạn được vẽ một chấm đỏ vào trán và ban phước lành, hãy để lại khoảng 10 rupee (4.000 đồng) tiền boa.
+ Trong các trường hợp khác, nếu được yêu cầu đưa tiền boa, bạn đưa 20 rupee (8.000 đồng) là ổn.
Kiên quyết không đưa tiền hay bánh kẹo cho những người ăn xin. Nếu không, bạn sẽ phải đối mặt với một bầu đoàn những người khác chạy theo để xin xỏ.Nếu các bạn muốn dùng thẻ thanh toán quốc tế để rút tiền mặt, hãy thông báo cho ngân hàng của bạn trước khi lên đường. Trình độ của hacker Ấn Độ nổi tiếng thế giới, do đó, khi thấy có giao dịch rút tiền mặt ở Ấn Độ, ngân hàng có thể nghi ngờ tài khoản của bạn bị hack và sẽ khóa thẻ ngay lập tức.Bảo quản tư trang đồ đạc khi đi Du lịch Ấn Độ tự túc
Như đã nói ở trên, bạn nên mang theo ổ khóa nhỏ khi đi du lịch Ấn Độ. Ổ khóa này có thể dùng để khóa các ngăn ba lô hay hành lý. Một số ga tàu hay sân bay cũng không nhận ký gửi hành lý của bạn nếu không có khóa.Bảo quản các đồ đạc tối quan trọng như tiền, thẻ ngân hàng, hộ chiếu, bản photo 2 trang đầu hộ chiếu, CMND, bản photo CMND… trong một chiếc túi mỏng đeo ngang bụng, ẩn bên dưới lớp quần áo đang mặc. Bạn nào cẩn thận còn có thể bọc các vật trên trong lớp nilon mỏng rồi mới cho vào túi đeo, tránh bị nước mưa, mồ hôi hay hơi ẩm làm hư hại.Chỉ nên để một ít tiền lẻ trong ví để tiêu, những tờ tiền chẵn cất ở nơi an toàn. Khi hết tiền trong ví, bạn rút dần tiền chẵn ra dùng nhưng nên làm việc này ở những nơi kín đáo, chỉ có một mình bạn. Nhớ nhé, không bao giờ để cho người khác biết nơi bạn cất tiền.Sao lưu các giấy tờ tùy thân như hộ chiếu, CMND, visa Ấn Độ thành nhiều bản, cất giữ ở những chỗ khác nhau trong hành lý.Đeo ba lô, túi xách ở phía trước người, tránh bị móc hay rạch túi.Hạn chế khoe tiền hay những thiết bị điện tử đắt tiền như laptop, máy ảnh, ipad… Bạn không muốn thu hút sự chú ý của bọn trộm cướp, phải không nào?Phong tục tập quán
Trong văn hóa Hindu, mọi người chào nhau bằng cách chắp hai bàn tay sát vào nhau và cúi đầu nhẹ. Nghi thức này gọi là “Namaskar”, nhằm thể hiện sự tôn trọng với người đối diện.Khi tham quan các công trình tôn giáo, bạn không nên đeo đồ trang sức làm bằng da, đặc biệt là da bò. Nếu bạn mặc quần short/váy ngắn, hãy nhớ dùng khăn che phủ phần chân và vai. Ngoài ra, luôn để giày dép ở bên ngoài khi bước vào nơi thờ cúng.Ảnh 6: Varanasi, thành phố thánh thần, thánh địa của tín đồ đạo Hindu – Ảnh bài: Lưu ý quan trọng khi đi Du lịch tự túc Ấn Độ
Hãy suy nghĩ kĩ trước khi thể hiện tình cảm nơi công cộng bởi các hành động này thường không được chào đón ở Ấn Độ.Do bàn chân bị coi là dơ bẩn nên bạn nhất định phải cởi bỏ giày dép khi bước vào nhà của người Ấn Độ và tuyệt đối không giẫm lên bất kỳ đồ vật nào trong nhà. Ngoài ra, cúi đầu và chạm vào chân người già là biểu hiện của sự kính trọng. Tuyệt đối không sử dụng tay trái trong ăn uống và không đưa các đồ vật cho người khác bằng tay trái.Bò là loài vật thiêng liêng, được tôn thờ tại Ấn Độ. Đến đây bạn nên nhường đường cho bò và chớ đề cập đến những món ăn liên quan đến thịt bò. Chạm vào đuôi bò cũng bị coi là gặp xui xẻo.Du khách đến Ấn Độ có thể sẽ không quen với những ánh nhìn chòng chọc đầy sỗ sàng của người dân nơi đây. Đó là vì họ luôn hiếu kỳ về khách du lịch nước ngoài và họ không ngần ngại quan sát bạn một cách chăm chú. Mỉm cười thân thiện với họ, bạn sẽ nhận lại nụ cười đáp lễ. Tuy nhiên, đừng hy sinh sự an toàn của bản thân chỉ vì phép lịch sự, đặc biệt đối với các bạn nữ.Ảnh 7: Mỉm cười thân thiện với người bản địa, bạn sẽ nhận lại nụ cười đáp lễ – Ảnh bài: Lưu ý quan trọng khi đi Du lịch tự túc Ấn Độ
Một trong những cách tạo thiện cảm với người Ấn Độ là cho họ xem hình chụp gia đình của bạn. Gia đình là một trong những chủ đề được quan tâm chính của họ.Nếu bạn là nam giới, đừng hốt hoảng khi một người đàn ông bản địa bỗng dưng… chạy tới nắm tay bạn. Nếu như ở các quốc gia khác, đây là biểu hiện của một mối quan hệ đồng giới thì ở Ấn Độ, điều này chỉ đơn giản là bạn được yêu quý. Bạn dễ dàng bắt gặp cảnh đàn ông nắm tay nhau đi “dung dăng dung dẻ” trên đường phố.– Các bạn nữ không nên nhìn trực diện vào mắt của đàn ông Ấn Độ. Những ánh mắt như vậy có thể gửi đi thông điệp rằng bạn có cảm tình với họ và sẵn sàng tiến xa hơn. Do đó, hãy hành động như các cô gái Ấn Độ – lảng tránh ánh nhìn của đàn ông hoặc sử dụng một chiếc kính râm.
– Nữ giới không được phép hút thuốc tại những nơi công cộng.
Các bài viết hay khác về Du lịch Ấn Độ tự túc
Kinh nghiệm xin Visa Ấn Độ
Kinh nghiệm đi lại ở New Delhi Ấn Độ
Ảnh & bài: Minh Phạm
Mọi ý kiến góp ý và hỏi đáp về Ấn độ xin bạn Email về: minh.cong.pham.aob@gmail.com