Nhà hát nghìn tỷ có giúp Thủ Thiêm phát triển?

“Đã xây dựng thì phải xứng tầm với TP.HCM. Nếu chưa có tiền thì quy hoạch để đó từ từ xây, không nên vội vàng”, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói về dự án nhà hát nghìn tỷ tại Thủ Thiêm.
Nhà hát nghìn tỷ có giúp Thủ Thiêm phát triển?
Nhà hát nghìn tỷ có giúp Thủ Thiêm phát triển?


Cần sử dụng ngân sách 1.500 tỷ hiệu quả

Này 8/10, tại kỳ họp thứ 10 HĐND TP.HCM khoá IX (kỳ họp bất thường), đại biểu đã thông qua dự án xây dựng nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch có tổng giá trị đầu tư hơn 1.508 tỷ đồng. Nhà hát sẽ có quy mô 1.700 chỗ, gồm 2 khán phòng lớn và nhỏ. Thời gian thực hiện sẽ rong giai đoạn 2018-2022. Sau khi thông tin được đưa ra, có nhiều ý kiến xoay quanh có nên xây dựng nhà hát nghìn tỷ trong thời gian này hay không.

Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, TP.HCM chưa có nhà hát Giao hưởng, Nhạc và Vũ kịch đúng tiêu chuẩn, việc xây dựng nhà hát lớn với đô thị như TP.HCM là cần thiết. Thủ Thiêm cũng là vị trí phù hợp để xây dựng nhà hát. Tuy nhiên, ông Sơn băn khoăn liệu quyết định này có vội vàng. KTS cho rằng 1.500 tỷ là số tiền lớn, làm được rất nhiều việc. Trong bối cảnh TP.HCM đang gặp nhiều vấn đề về ngân sách thì việc sử dụng số tiền lớn này cần phải được cân nhắc thật kỹ lưỡng.

"Thành phố đang thiếu hụt ngân sách thì việc dùng 1.500 tỷ đầu tư vào mục đích gì rất quan trọng. Có nên dùng để xây dựng nhà hát liền hay không? Trong danh sách các công trình ưu tiên xây dựng của thành phố hiện nay thì nhà hát này có thật sự xứng đáng ở vị trí đầu không?", vị KTS băn khoăn.


Nhà hát Lincoln Center (Mỹ).

Xây dựng dự án nhà hát nghìn tỷ có vội vàng?

Bên cạnh đó, ông Sơn cũng nhận định việc đề xuất xây dựng này quá vội vàng, chưa có kế hoạch tốt. Quy mô nhà hát 1.700 chỗ ở một khu đất hẹp là không đúng tầm với TP.HCM. KTS cho rằng với tầm cỡ đô thị như TP.HCM thì nếu làm, phải dành khu vực văn hóa diện tích từ 2-3 ha trở lên, tạo thành khu biểu diễn nghệ thuật cao cấp, có cả trong nhà, ngoài trời, có đủ các bộ môn nghệ thuật biểu diễn.

KTS Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng không chỉ có giao hưởng, nhạc kịch mà các bộ môn khác như cải lương, chèo, hát bội,... ở TP.HCM vẫn chưa có không gian để sinh hoạt. Do đó, cần cân nhắc lại quy hoạch để có quần thể nhà hát đa năng."Đã xây dựng thì phải xứng tầm với TP.HCM. Nếu chưa có tiền thì quy hoạch để đó từ từ xây, chứ không nên vội vàng. Trong giai đoạn hiện nay thì nhà hát mới chưa phải là ưu tiên hàng đầu", KTS nhấn mạnh.

Tại kỳ họp, H ĐND TP.HCM đã nhấn mạnh dự nhà hát nghìn tỷ mang nhiều ý nghĩa quan trọng. TS Nam Sơn cũng đồng ý với quan điểm này. Muốn TP.HCM phát triển thì chắc chắn Thủ Thiêm - nơi chọn để xây dựng nhà hát, cũng phải phát triển theo. Tuy nhiên, ông cho rằng việc xây dựng nhà hát không là yếu tố quan trọng giúp kích thích phát triển Thủ Thiêm, bằng việc dùng ngân sách đó đầu tư vào hạ tầng.

Nhà hát có giúp Thủ Thiêm phát triển?

"Điều mà Thủ Thiêm cần ngay bây giờ, có lẽ không phải là nhà hát mà là xây cầu và hạ tầng. 1.500 tỷ có thể xây được 2-3 cầu. Xây cầu giúp kích thích Thủ Thiêm hơn nhà hát nhiều. Thủ Thiêm phát triển thì TP lợi gì? Đó là TP thoát nợ. Bởi mỗi ngày Thủ Thiêm vẫn đang phải trả 3-5 tỷ đồng tiền lãi. Giá trị vùng đất Thủ Thiêm tăng lên nhờ có hạ tầng và quy hoạch kết nối tốt, thì tự nó sẽ thu hút nhà đầu tư đến xây dựng dự án, là những người sẽ giúp trả nợ cho Thủ Thiêm. Thậm chí sau này khi Thủ Thiêm phát triển tốt, có thể thu hút đầu tư xây nhà hát bằng nguồn vốn xã hội hóa, mà TP không cần phải chi ngân sách", KTS chia sẻ quan điểm.

Ông Sơn chỉ ra ở các nước, việc xây dựng nhà hát thường được tiến hành sau cùng, khi mọi thứ ở nước họ đã ổn định. Xét bối cảnh TP.HCM, vị KTS cho rằng cơ sở hạ tầng của chúng ta vẫn chưa đầy đủ, vì vậy nên xem xét lại việc xây dựng.


Thủ Thiêm cần được quy hoạch ở bờ Đông và bờ Tây.

Ông cũng nói thêm cần ưu tiên trích một phần ngân sách này cho việc gấp rút điều chỉnh quy hoạch hai bờ Đông - Tây, khu trung tâm theo một dự án duy nhất. Đó là những vấn đề mà HĐND cần thảo luận trước khi xem xét lại quyết định cho việc sử dụng ngân sách 1.500 tỷ này.

MuaBanNhaDat theo TBKD