Địa phương hoá, bài toán chung của Grab và Go-Jek

Hai công ty khởi nghiệp sừng sỏ ở Đông Nam Á đều đang tập trung vào những đặc tính riêng của từng thị trường quốc gia mục tiêu, sử dụng chiến lược địa phương hóa để đi tắt trong thị trường “đất chật người đông”.
Địa phương hoá, bài toán chung của Grab và Go-Jek

Grab, ứng dụng thống lĩnh thị trường gọi xe trực tuyến tại Đông Nam Á - Ảnh: Roslan Rahman/AFP/Getty Images

Mùa hè này, Grab có trụ sở tại Singapore và Go-Jek đến từ Indonesia, đã công bố ý định bành trướng về cả phạm vi thị trường lẫn quy mô dịch vụ. Hai công ty cho hay họ thực hiện điều này thông qua chiến lược địa phương hóa.

Grab đang cố gắng vượt ra khỏi ranh giới cung cấp dịch vụ xe ôm trực tuyến bằng việc tuyên bố ra mắt Grab Platform vào tháng trước. Đây là một loạt giao diện lập trình ứng dụng (API) cho phép các đối tác địa phương tận dụng công nghệ nhằm thúc đẩy dịch vụ logistics và thanh toán. Đây là một phần trong chiến lược trở thành "siêu ứng dụng cho cuộc sống hàng ngày" của Grab. Công ty kỳ vọng có thể tìm được các đối tác địa phương đang tìm cách mở rộng dịch vụ, chẳng hạn như HappyFresh, một công ty cung cấp tạp hóa trực tuyến, hợp tác cùng Grab để giao hàng cho các đơn hàng của mình.

"Thay vì đầu tư nhiều thời gian và nguồn lực để phát triển dịch vụ từ đầu, việc hợp tác với một công ty đã có kinh nghiệm, cơ sở hạ tầng và chuyên môn để cung cấp dịch vụ hiệu quả cho khách hàng là một lựa chọn sáng suốt hơn," Melanie Lee, người phát ngôn của Grab cho hay.

Mặt khác, Go-Jek cũng đang mở rộng dịch vụ xe ôm trực tuyến sang một số thị trường nước ngoài. Trong dài hạn, công ty cũng sẽ kinh doanh các dịch vụ khác khi nhu cầu tăng cao. Vào tháng 6, công ty công bố mình sẽ thâm nhập vào một số thị trường Đông Nam Á mới, bao gồm Singapore, Thái Lan, Việt Nam và Philippines trong vài tháng tới, bắt đầu với phiên bản thử nghiệm tại Việt Nam vào tháng 7 vừa qua. Công ty khởi nghiệp đến từ Indonesia bắt đầu với việc thành lập ứng dụng cung cấp dịch vụ xe ôm trực tuyến vào năm 2010. Hiện Go-Jek đã mở rộng thành một nhà điều phối dịch vụ giao thức ăn hoặc mát xa tại nhà theo yêu cầu. Công ty cũng đẩy mạnh mảng thanh toán di động khi thực hiện thương vụ mua lại ba công ty fintech của Indonesia vào cuối năm 2017.

Chiến lược khai thác thị trường địa phương của Go-Jek bao gồm tạo dựng thương hiệu riêng tại Thái Lan và Việt Nam bằng những cái tên ứng dụng tương ứng là Get và GoViet, cũng như tuyển dụng các nhóm nhân sự riêng biệt ngay tại chính các quốc gia này. Mặc dù công ty không cung cấp thêm thông tin chi tiết, nhưng trong một tuyên bố trước đây, giám đốc điều hành và người sáng lập Go-Jek, Nadiem Marakim cho biết, Go-Jek có kế hoạch làm việc với các đối tác địa phương phù hợp nhất với từng thị trường.

Một tài xế Go-Jek trên xe máy tại Jakarta, Indonesia vào ngày 24.05.2018. (AP Photo / Achmad Ibrahim)

Chậm lại vì các quy định pháp luật địa phương

Các công ty cung cấp dịch vụ xe ôm địa phương hiện đang theo đuổi chiến lược nội địa hóa khi đối mặt với áp lực gia tăng từ các tài xế và nhà quản lý. Trong vài tháng qua, hàng ngàn tài xế, nhân viên và cả người ngoài từ Thái Lan đến Indonesia, đã phản đối việc các dịch vụ xe ôm hạ giá quá mức và ngăn chặn cạnh tranh.

Việt Nam nhất định sẽ khiến Go-Jek gặp không ít khó khăn, dựa trên trải nghiệm trong quá khứ của Grab. Ngay cả sau khi Uber đã chuyển giao hoạt động tại khu vực Đông Nam Á của mình cho Grab vào đầu năm nay, Cục Thuế TP.HCM vẫn yêu cầu công ty này trả 2,91 triệu đô la Mỹ tiền truy thu thuế mà Uber phải nộp.

Tài xế Uber Eats đi xe dọc con đường tại Bangkok, Thái Lan vào ngày 09.03.2018 - Ảnh: Brent Lewin/Bloomberg

Hồi tháng 6, đại diện của Grab đã cho tờ VnExpress hay công ty đã từ chối chi trả tiền phạt cho Uber, dù ông Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch trung tâm trọng tài thương mại luật gia Việt Nam cho biết, theo Luật doanh nghiệp Việt Nam, Grab phải chấp nhận khoản phạt này như một phần của việc sáp nhập.

Công ty cũng đang phải đối mặt với sự giám sát mới ngay trong hoạt động kinh doanh tại sân nhà, khi Ủy ban cạnh tranh và tiêu dùng Singapore (CCCS) đặt ra câu hỏi liệu công ty này có làm giảm sự cạnh tranh một cách bất công thông qua việc mua lại hoạt động của Uber hay không. Để đáp trả, Grab cho rằng các công ty khác đều được cho phép thực hiện các hoạt động mua lại tương tự.