Grab và Moca công bố hợp tác chiến lược

Sau những lời đồn đoán, ngày 11.09.2018, Grab công bố kế hoạch hợp tác chiến lược với startup Moca, một trong 27 ví điện tử được cấp phép kinh doanh dịch vụ trung gian thanh toán đầu năm 2016.

Ngày 11.9.2018, Grab công bố chính thức hợp tác chiến lược với ví điện tử Moca để triển khai việc thanh toán không tiền mặt trên nền tảng của Grab tại Việt Nam.

Grab và Moca công bố hợp tác chiến lược

Tan Hooi Ling, đồng sáng lập của Grab tại buổi công bố hợp tác với Moca - Ảnh: Grab cung cấp

Các dịch vụ thanh toán của Grab và Moca sẽ đi vào hoạt động từ đầu tháng 10.2018, theo thông cáo báo chí.

Từ tháng 6.2016, Grab đã bắt đầu cho ra mắt công cụ GrabPay được tích hợp ngay trên ứng dụng gọi xe Grab, nhưng ban đầu chỉ chấp nhận các thẻ thanh toán quốc tế. Đến tháng 3.2017, GrabPay chính thức hỗ trợ thẻ thanh toán nội địa (ATM - internet banking).

Hoạt động tương tự như một loại ví điện tử, nhưng đến nay các ví GrabPay của mỗi người dùng vẫn chưa thể chuyển tiền cho nhau hay mua hàng hoá, dịch vụ ngoài. Nói cách khác, GrabPay chỉ hỗ trợ thanh toán trong ứng dụng gọi xe của Grab.

Trong khi đó, Moca có kết nối với 11 ngân hàng nội địa và được chấp nhận thanh toán tại các hệ thống cửa hàng như FPT Shop, The Coffee House, 7Eleven, Truyền hình cáp Việt nam, VNPT,…

Theo lãnh đạo một doanh nghiệp đang triển khai dịch vụ ví điện tử, thủ tục cấp phép ví điện tử vô cùng khắt khe, để xin phép có thể mất thời gian tính bằng năm. Chính vì vậy, một doanh nghiệp nước ngoài khi muốn vận hành ví điện tử tại Việt Nam thường chọn giải pháp kết hợp một ví điện tử nội địa đã có giấy phép. Mở rộng chức năng thanh toán là một xu hướng của các ứng dụng trên điện thoại di động.

Tính đến giữa tháng 3.2018, Ngân hàng Nhà nước đã cấp phép cho 27 tổ chức không phải là ngân hàng, cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán tại Việt Nam.

Mặc dù, Grab và Moca chính thức công bố hợp tác chiến lược nhưng theo nguồn tin của Forbes Việt Nam, Grab đã mua cổ phần của ví điện tử Moca. Tỷ lệ sở hữu chính xác chưa được tiết lộ. Phía Grab từ chối bình luận về thông tin này.

Thông tin từ Cục đăng ký kinh doanh - Bộ kế hoạch và đầu tư cũng cho biết từ tháng Năm vừa qua, Moca đã bổ sung hai nhân sự đến từ Grab Việt Nam vào hội đồng quản trị công ty, ông Lim Yen Hock và ông Nguyễn Tuấn Anh.

Grab được thành lập từ năm 2012 tại Malaysia với khởi đầu từ dịch vụ gọi xe trực tuyến. Sau nhiều vòng gọi vốn thành công, Grab hiện lấn sân sang các dịch vụ ăn uống, giao nhận và thanh toán với tham vọng trở thành siêu ứng dụng, khiến cho khách hàng sử dụng dịch vụ của họ vào mọi lúc mọi nơi trong ngày. Tổng số đối tác tài xế của Grab hiện là hơn 135.000 người trên cả nước, bao gồm cả GrabBike lẫn GrabCar tính đến tháng 8.2018, theo đại diện truyền thông của Grab Việt Nam.

Bình luận bài viết
Bài viết liên quan