Grab thúc đẩy thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam để phát triển siêu ứng dụng

Trong một buổi gặp gỡ vào ngày 2.10 tại Trụ sở Chính phủ, ông Anthony, sáng lập và CEO của Grab đã đề xuất với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ các vấn đề liên quan đến cấp phép để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt, theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ.

Việc gặp gỡ của Grab với đại diện Chính phủ Việt Nam nhằm đẩy nhanh quá trình mở rộng dịch vụ công nghệ tài chính, một phần trong tham vọng trở thành siêu ứng dụng tại khu vực Đông Nam Á.

Theo Chinhphu.vn, ông Anthony Tan đưa ra các giải pháp thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam như đã nêu tại Diễn đàn Kinh tế Thế Giới (WEF – ASEAN) tại Hà Nội vừa qua. Grab muốn chính phủ cho phép mở tài khoản ví điện tử mà không cần phải kết nối với tài khoản thanh toán tại ngân hàng, cho phép các đơn vị thanh toán như các cửa hàng tiện lợi được hỗ trợ lập tài khoản ví điện tử. Theo nguồn tin trên, Anthony cũng đề cập tới việc cho phép nạp tiền và áp dụng tính năng nhận diện khách hàng trực tuyến mà khách hàng không cần phải đến trình diện tại ngân hàng (e-KYC).

Theo một đơn vị làm ví điện tử cho biết, việc nạp tiền vào ví điện tử tại những điểm như cửa hàng tiện lợi chỉ mới thực hiện thí điểm trên ví Momo. Định danh khách hàng thông qua các thiết bị số hóa (e-KYC) cũng là vấn đề gây trở ngại về mặt giấy phép hoạt động đối với các dịch vụ tài chính công nghệ như ngân hàng số.

Một số giao dịch của Grab với tài xế vẫn đang phụ thuộc vào ví điện tử Momo. Hiện tài xế Grab vẫn phải sử dụng tài khoản Momo để thực hiện các khoản phí với Grab, thông qua việc nạp tiền vào ví Momo tại các điểm giao dịch như cửa hàng tiện lợi, Viettel Post hay Fpt Shop. Trong khi đó, đối thủ mới vào thị trường Việt Nam Go-Việt lại chọn cách làm việc với ngân hàng VietinBank để giao dịch với tài xế.

Trong buổi gặp gỡ với nhà sáng lập của Grab, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông nghiên cứu, và đưa ra đề xuất. Grab cũng được sự đề nghị gửi hồ sơ để tiến hành các dịch vụ không dùng tiền mặt, và các phương thức trong lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Đáp lại, Grab muốn hỗ trợ Việt Nam xây dựng và triển khai thanh toán trực tuyến cho các dịch vụ công trong khuôn khổ Đề án Chính phủ điện tử.

Trước đó, vào giữa tháng 9.2018, Grab công bố hợp tác chiến lược với Moca để phát triển dịch vụ ví điện tử của Grab tại Việt Nam. Các chuyên gia nhận xét, thông qua việc hợp tác với một ví điện tử đã được cấp phép, doanh nghiệp nước ngoài như Grab có thể rút ngắn thời gian để tích hợp dịch vụ vào ứng dụng chính của Grab.

Trước đó hơn một tuần, Grab cũng ra thông báo, đến ngày 1.10.2018, việc tích hợp Moca vào GrabPay nhưng trên ứng dụng của Grab vẫn chưa hiển thị thông tin về Moca.

Thời gian gần đây, các hãng gọi xe công nghệ như Grab và Go-Việt, đứng phía sau là Go-Jek cũng tích cực làm việc với Chính phủ Việt Nam để thúc đẩy các dịch vụ mới tại Việt Nam.

Bình luận bài viết
Bài viết liên quan