Điện toán đám mây sẽ bùng nổ tại Việt Nam

Viettel IDC dự báo, thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam sẽ bùng nổ trong vài năm tới, trong bối cảnh mức chi tiêu bình quân đầu người tại Việt Nam cho công nghệ này vẫn còn thấp, chỉ khoảng 1,7 đô la Mỹ năm 2016.

Điện toán đám mây sẽ bùng nổ tại Việt Nam

Điện toán đám mây là công nghệ nền tảng trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0 và một trong hai ưu tiên hàng đầu của riêng ngành tài chính ngân hàng Việt Nam - Ảnh: Shutterstock

Điện toán đám mây (cloud computing) là công nghệ sử dụng mạng máy chủ từ xa để lưu trữ và quản lý dữ liệu trên internet thay cho máy chủ cục bộ hoặc máy tính cá nhân.

Theo báo cáo của Microsoft và đại học quốc gia Singapore công bố hồi tháng 10.2017, Việt Nam là thị trường phát triển điện toán đám mây nhanh nhất tại Đông Nam Á.

Thị trường dịch vụ điện toán đám mây Việt Nam có quy mô trên 160 triệu đô la Mỹ vào năm 2016, tăng trưởng gần 65% trong giai đoạn 2010-2016, theo số liệu của hãng nghiên cứu BMI. Con số này cao hơn so với mức trung bình khoảng 50% của cả khối ASEAN.

Tuy nhiên, mức chi tiêu cho điện toán đám mây bình quân đầu người của Việt Nam vẫn còn thấp, chỉ khoảng 1,7 đô la Mỹ vào năm 2016, thấp hơn 100 lần so với Singapore, thấp hơn 6,5 lần so với Malaysia và so với Thái Lan thấp hơn 2,4 lần.

Thị trường điện toán đám mây ở Việt Nam được dự đoán sẽ bùng nổ trong vài năm tới, theo Viettel IDC - một trong những doanh nghiệp cung cấp dịch vụ trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu tại Việt Nam.

"Một nền tảng điện toán đám mây mạnh sẽ là hạ tầng cơ bản cho sự phát triển của cách mạng 4.0 ở Việt Nam trong vài năm tới," ông Nguyễn Tiến Dũng, giám đốc Viettel IDC, cho biết qua một thông cáo báo chí.

Vietel IDC tuyên bố là đơn vị dẫn đầu cung cấp dịch vụ điện toán đám mây tại Việt Nam với 23% thị phần. Viettel IDC cho biết có hơn 3.000 khách hàng đang sử dụng dịch vụ của công ty này với tốc độ tăng trưởng hàng năm đạt 100%.

Theo dự báo của Viettel IDC, việc ứng dụng mô hình này tại Việt Nam được dự đoán sẽ còn tăng mạnh và đa dạng hơn trong thời gian tới.

Năm 2018, Việt Nam đạt 41/100 điểm về độ phủ dịch vụ đám mây, đứng thứ 14 châu Á trong bảng xếp hạng về chỉ số độ phủ đám mây của Hiệp hội điện toán đám mây châu Á.

Điện toán đám mây có thể giúp giải quyết nhiều vấn đề lớn về tài chính, nơi có khoảng 438 triệu người không sử dụng dịch vụ ngân hàng. Công nghệ này cũng giúp giảm chi phí chuyển tiền khi các ngân hàng ứng dụng giải pháp dựa trên đám mây cho hệ thống thanh toán điện tử, báo cáo của Microsoft và đại học quốc gia Singapore nhận định.

Hai ưu tiên cần thiết của ngành ngân hàng hiện tại là điện toán đám mây và dữ liệu lớn, ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước, cho biết tại diễn đàn cấp cao và triển lãm quốc tế về công nghiệp 4.0 hôm 13.7.

Theo khảo sát và đánh giá của Viettel IDC, khi sử dụng dịch vụ Private Cloud, doanh nghiệp có thể tiết kiệm tới 40% chi phí đầu tư ban đầu, giảm từ 4 - 6 tuần triển khai và loại bỏ hoàn toàn chi phí nhân sự vận hành bảo trì hệ thống so với việc tự đầu tư tại doanh nghiệp.