Thị trường cho vay tiêu dùng: Còn nhiều tiềm năng tăng trưởng

Tổng dư nợ cho vay tín dụng tiêu dùng trong bốn năm qua tăng gấp 10 lần. Miếng bánh đang ngày càng to hơn khi một nửa dân số Việt Nam chưa bao giờ tiếp cận tín dụng qua kênh ngân hàng.

Sau 10 phút gọi đến tổng đài công ty tài chính tiêu dùng FE Credit, đợi để họ kiểm tra lịch sử tín dụng cá nhân qua thông tin chứng minh nhân dân, nơi làm việc, anh Đặng Quang Vinh, 35 tuổi, nhân viên kinh doanh, được duyệt khoản vay thanh toán tiền nhà tối đa 60 triệu đồng dựa trên mức lương 20 triệu đồng. Tiền sẽ được chuyển đến anh từ 3 – 5 phút sau khi anh cung cấp các hồ sơ giấy tờ liên quan. Cho vay tiêu dùng cá nhân trở nên đơn giản, dễ dàng hơn khi xuất hiện các công ty tài chính tiêu dùng. Trong khi điều kiện vay ngân hàng khó khăn, quy trình xử lý hồ sơ kéo dài, công ty tiêu dùng có quy trình thẩm định đơn giản, tốc độ phê duyệt cho vay có thể mất chỉ vài phút.

Cả ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng đang khai thác thị trường có tổng dư nợ cho vay tiêu dùng đạt 4,03 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái, theo số liệu từ công ty tài chính Prudential Việt Nam. Thị trường đã tăng gấp 10 lần so với năm 2013 và sẽ còn tiếp tục tăng đều xấp xỉ 20% trong năm tới, cũng theo Prudential Việt Nam. Do đó, lĩnh vực tài chính tiêu dùng cá nhân đang ngày càng trở nên sôi động hơn với sự gia nhập của nhiều công ty mới. Sản phẩm cho vay tiêu dùng khá đa dạng, từ giá trị nhỏ vài triệu đồng như điện thoại, điện máy, xe đạp điện đến các sản phẩm có giá trị lớn hơn từ vài chục và vài trăm triệu đồng như xe máy, đồ gia dụng, mua nhà, mua ô tô… Người dùng cũng có thay đổi trong hành vi mua sắm, theo báo cáo của ngân hàng Bưu điện Liên Việt về thị trường tài chính tiêu dùng. Theo đó, thay vì tích lũy, tiết kiệm đủ số tiền để mua một sản phẩm mong muốn, khách hàng có khuynh hướng mua trả góp dần. Báo cáo này dẫn thống kê của Home Credit, có khoảng 20% khách hàng khu vực miền Nam mua hàng dựa vào tín dụng, tại miền Bắc con số này là 10% và đang có xu hướng tăng lên.

Thị trường chứng kiến sự tham gia từ các ngân hàng trong nước, ngân hàng nước ngoài và gần 20 công ty tài chính. Nếu như các khoản vay có giá trị cao do ngân hàng cung ứng, các khoản vay có giá trị thấp hơn do các công ty tài chính khai thác. Ba công ty FE Credit, Home Credit Việt Nam và HD Saison được cho là nắm giữ khoảng 80% các khoản vay giá trị thấp. “Khách hàng chính của các công ty tài chính tiêu dùng là đối tượng thu nhập thấp đến trung bình không đủ năng lực tài chính để tiếp cận các khoản vay từ các ngân hàng thương mại. Các công ty tài chính tiêu dùng cung cấp các giải pháp tài chính dễ dàng, linh hoạt hơn,” ông Kalidas Ghose, phó chủ tịch kiêm tổng giám đốc công ty FE Credit nói.

Điều kiện vay đơn giản, song lãi suất cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính khá cao. Tại FE Credit lên tới 40%/năm, theo báo cáo của VPBank Securities. Theo ông Atul Dixit, tổng giám đốc công ty Tài chính Prudential Việt Nam, trong suốt hơn 10 năm qua, dư nợ cho vay tiêu dùng so với tổng dư nợ cho vay tại Việt Nam tăng mạnh từ dưới 5% lên 16,7% năm 2017. FE Credit tuyên bố họ nắm gần 50% thị phần các khoản cho vay tiêu dùng cá nhân trong năm 2017. Thống kê của Stoxplus, FE Credit bỏ xa các đối thủ trong ngành, gấp gần ba lần đối thủ xếp kế họ về thị phần. Ông Kalidas Ghose tiết lộ, đến tháng 7.2018, tổng số tài khoản đang hoạt động tại FE Credit là gần bốn triệu. Năm 2017, công ty này tạo ra 12.957 tỉ đồng tổng thu nhập hoạt động thuần (TOI), đóng góp tới 52% TOI cho VPBank, ngân hàng mẹ đã niêm yết năm ngoái, theo báo cáo thường niên VPBank. “Công ty tài chính tiêu dùng là trang sức quý,” công ty chứng khoán VPBank Securities viết vậy về FE Credit. Ông Kalidas Ghose chia sẻ, mức tăng trưởng tiếp tục được duy trì trong nửa đầu năm 2018, với khoảng 2,2 triệu tài khoản mới. “Đây là xu hướng ở các nước phát triển, đang tăng trưởng và các thị trường mới nổi,” ông Kalidas Ghose bình luận.

Công ty nắm thị phần nhiều thứ hai trên thị trường là Home Credit, công ty nước ngoài duy nhất trong tốp ba công ty tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Mảng mạnh nhất của công ty này là cho vay mua sắm hàng điện tử, điện lạnh. 65% khách hàng vay để mua các thiết bị điện tử, 20% mua xe máy, còn lại là các lĩnh vực khác. Tháng 4.2018, họ đưa ra gói vay 0% lãi suất khiến khách hàng mảng vay mua điện tử, điện lạnh của họ tăng vọt. “Hợp tác với Home Credit Việt Nam, nhiều nhãn hàng, nhà bán lẻ như Thế Giới Di Động, FPT, Samsung… tăng lượng bán hàng hằng tháng lên hơn 30%,” Home Credit Việt Nam trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam. Thực chất của khoản vay mua hàng trả góp không lãi suất này là thỏa thuận giữa Home Credit Việt Nam với nhà cung cấp sản phẩm. Nhà cung cấp, thay vì khuyến mãi phụ kiện kèm, hay giảm giá sản phẩm, hỗ trợ cho khách hàng khoản lãi vay, kèm hoa hồng cho công ty tài chính. Hiện nay, gói vay lãi suất 0% còn được áp dụng cho vay học ngoại ngữ và tập thể thao.

Theo Home Credit Việt Nam, họ giúp khoảng bốn triệu người dân Việt Nam lần đầu tiếp cận được dịch vụ tài chính. “Khách hàng của chúng tôi là người lao động, không có lịch sử tín dụng và thường bị ngân hàng từ chối cho vay,” theo Home Credit Việt Nam. Tính đến hết tháng 8.2018, họ phục vụ hơn 8,1 triệu khách hàng, cung cấp hơn 10 triệu khoản vay. Bên cạnh cho vay trực tiếp thông qua hệ thống hơn 9.400 cửa hàng bán lẻ của các đối tác kinh doanh xe gắn máy, điện thoại, điện máy, trung tâm ngoại ngữ, thể hình, cửa hàng tiện lợi… họ còn cho vay trực tuyến thông qua ứng dụng di động Home Credit Việt Nam và trang bán hàng online của Thế Giới Di Động. Theo Home Credit Việt Nam, năm 2017, lợi nhuận sau thuế của họ đạt 1.600 tỉ đồng, tăng gần 44% so với năm trước đó. Công ty dự kiến tăng trưởng doanh số trong năm 2018 vào khoảng 25 – 35%.

Đứng thứ ba về tài chính tiêu dùng cá nhân là HD Saison, do ngân hàng HD Bank nắm 51%, còn lại thuộc về tập đoàn tài chính Nhật Bản Credit Saison. Theo công ty cổ phần chứng khoán KIS Việt Nam, tốc độ tăng trưởng kép CARG trong giai đoạn 2013 – 2016 của HD Saison là 75%. KIS Việt Nam ước tính, thị phần của HD Saison khoảng 13% tại thời điểm cuối năm 2016 sau FE Credit và Home Credit Việt Nam. So với hai đối thủ FE Credit và Home Credit Việt Nam, HD Saison đang duy trì mức phí và lãi vay cao hơn nhưng họ có lợi thế cạnh tranh riêng biệt đến từ nền tảng khách hàng gần 20 triệu người của VietjetAir và sự hỗ trợ từ cổ đông chiến lược Credit Saison, tổ chức phát hành thẻ tín dụng lớn nhất Nhật Bản, giúp tiếp cận các công nghệ mới nhằm tối ưu hóa hoạt động.

Tính riêng ba công ty tài chính tiêu dùng có thị phần lớn nhất thị trường, Home Credit, 100% thuộc tập đoàn tài chính nước ngoài được cho là có NIM (hệ số thu nhập lãi biên thể hiện khả năng sinh lời) cao nhất (công ty không tiết lộ chỉ số NIM), do lợi thế từ việc huy động nguồn vốn cho vay giá rẻ so với các ngân hàng nội địa. Chỉ số NIM của ngành tài chính tiêu dùng thường cao hơn các ngành hàng khác xuất phát từ bản chất của sản phẩm cho vay: “Hầu hết các sản phẩm cho vay tiêu dùng có vòng đời ngắn và chi phí đầu tư nâng cao công nghệ liên tục dẫn đến chỉ số NIM cao,” ông Atul Dixit của công ty tài chính Prudential Việt Nam giải thích. Việc FE Credit đẩy mạnh hơn dịch vụ cho vay tiền mặt, vốn là cho vay tín chấp có lãi suất cao hơn cũng góp phần giúp NIM cao hơn. Tài chính tiêu dùng đang là con gà đẻ trứng vàng cho các ngân hàng. Theo công ty chứng khoán VPBS, thông qua các công ty tài chính là FE Credit và HD Saison, VPBank và HD Bank là hai ngân hàng có thu nhập lãi từ tín dụng tiêu dùng chiếm đến hơn 50% tổng thu nhập lãi hợp nhất. NIM của VPBank cao nhất ngành ngân hàng, theo VPBS, là nhờ công ty con FE Credit. Công ty chứng khoán VPBS giải thích, lãi suất cho vay liên tục tăng nhanh trong khi lãi suất huy động được kiểm soát ở mức ổn định hơn là nguyên nhân dẫn đến chênh lệch giữa lãi cho vay và huy động ngày một nới rộng, góp phần thúc đẩy NIM tăng trưởng. Do vậy, nhiều ngân hàng thương mại đang sở hữu công ty con hoặc công ty liên doanh, liên kết là công ty tài chính, chủ yếu cho vay tiêu dùng như Maritime Finance của Maritime Bank.

Ông Atul Dixit nhận xét: “Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam có cơ hội lớn để tăng trưởng nhờ vào dư nợ vay tiêu dùng so với tổng thu nhập quốc dân GDP chỉ mới đạt 22%. Trong khi, chỉ số này tại các thị trường phát triển trong khu vực là hơn 70%”. Các công ty tài chính tiêu dùng đang tận dụng công nghệ, dữ liệu lớn để tiếp cận, cung ứng dịch vụ phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. FE Credit tự động hóa quy trình bằng rô bốt (RPA) chuyển hóa quy trình cung cấp dịch vụ cho khách hàng. Cho dù xuất hiện thêm nhiều công ty tài chính tiêu dùng, thị trường, theo ông Atul Dixit, “đủ lớn cho tất cả các công ty.” Theo ông này, vay tiêu dùng Việt Nam sẽ tiếp tục tăng đều xấp xỉ 20% trong 5 năm tới nhờ các yếu tố như thu nhập bình quân đầu người gia tăng dẫn đến tăng tiêu thụ trong nền kinh tế. Bên cạnh mở rộng thị trường, kênh bán hàng, quản trị rủi ro là hoạt động quan trọng của doanh nghiệp tài chính tiêu dùng.

Ông Kalidas Ghose chia sẻ, FE Credit đã thiết lập bộ khung quản trị rủi ro, chính sách đánh giá tín dụng khách hàng, bảo hiểm khoản vay, cơ chế thu hồi nợ… Họ giải thích nhiều lần cho khách hàng về các quy định cho vay. “Còn điều gì nữa? Chúng tôi làm những bản đánh giá chi tiết về thu nhập trực tiếp và gián tiếp của khách hàng để hạn chế rủi ro dẫn đến nợ xấu, bảo đảm an toàn cho khách hàng cho khách hàng cũng như tổ chức. Ngoài ra, chúng tôi dành nhiều nỗ lực trong việc gia tăng nhận thức khách hàng thông qua truyền thông về quản lý tài chính vì lợi ích của họ và gia đình họ,” ông Kalidas Ghose nói. Ông Atul Dixit nhận xét: “Về cơ bản, việc phòng ngừa lúc nào cũng dễ dàng triển khai và cho hiệu quả tốt hơn thu hồi nợ”. Các giải pháp giảm thiểu rủi ro được công ty Tài chính Prudential Việt Nam áp dụng như quản lý tín dụng, ứng dụng khoa học hành vi để cải thiện thói quen thanh toán của khách hàng, xử lý nợ quá hạn với những chính sách riêng... Cũng như các ngành phát triển với tốc độ nhanh, thử thách lớn nhất mà hầu hết các công ty tài chính tiêu dùng đều phải đối mặt là thiếu hụt nguồn nhân lực giàu kinh nghiệm và kỹ năng để phục vụ phát triển thị trường, theo ông Atul Dixit.