Tập đoàn Nhật Bản chi 91 triệu đô la Mỹ thâu tóm nhà sản xuất giấy tiêu dùng số một Việt Nam

Các nhà sản xuất giấy công suất lớn tại Việt Nam đang dần thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.

Tập đoàn Nhật Bản chi 91 triệu đô la Mỹ thâu tóm nhà sản xuất giấy tiêu dùng số một Việt Nam

Khách hàng lựa chọn khăn giấy tại siêu thị Coopmart quận 1, TP.HCM - Ảnh: Bích Dâng

Sojitz, tập đoàn đa ngành Nhật Bản đã mua lại 95,24% cổ phần của Giấy Sài Gòn, công ty dẫn đầu về sản xuất và kinh doanh giấy tiêu dùng tại Việt Nam, theo thông cáo báo chí ngày 26.06 của tập đoàn.

Tổng giá trị của thương vụ mua lại trên đạt 91,2 triệu đô la Mỹ, ông Cao Tiến Vị, cựu tổng giám đốc và nhà sáng lập của Giấy Sài Gòn xác nhận với Forbes Việt Nam. Tuy nhiên, đó là tổng chi phí mua lại, tức không chỉ bao gồm giá trị cổ phần chuyển nhượng, mà còn kèm theo nhiều chi phí khác, đại diện tập đoàn Sojitz giải thích thêm với Forbes Việt Nam.

Các nhà sản xuất giấy quy mô lớn tại Việt Nam đang dần do các doanh nghiệp nước ngoài làm chủ. Vina Kraft, nhà sản xuất giấy bao bì hàng đầu là liên doanh giữa công ty liên doanh giữa tập đoàn SCG của Thái Lan và Rengo của Nhật Bản. Chang Yuen, một nhà sản xuất bìa carton, bao bì khác cũng là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài. Đối thủ của Giấy Sài Gòn trong ngành giấy tiêu dùng, JP Corelex là doanh nghiệp có 100% vốn đầu tư của Nhật Bản.

Ông Vị, đồng thời là cổ đông lớn nhất của Giấy Sài Gòn, cho biết đã chuyển nhượng trên 50% cổ phần nắm giữ tại công ty trong đợt bán vốn lần này cho đối tác Nhật Bản. Cổ đông lớn thứ hai, ông Mai Hữu Tín xác nhận Mai & CO, công ty do ông làm Chủ tịch đã thoái toàn bộ hơn 40% cổ phần tại Giấy Sài Gòn, vì thấy đây là thời điểm phù hợp để tập trung cho Gỗ Trường Thành. Ông Mai Hữu Tín hiện đang giữ vị trí Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc tại Gỗ Trường Thành, doanh nghiệp đang trong quá trình tái cơ cấu và vừa bắt đầu báo lãi trở lại trong năm ngoái.

Tăng trưởng thu nhập trên đầu người kéo theo sự gia tăng nhu cầu về các sản phẩm giấy cao cấp là nguyên nhân chính khiến Sojitz quyết định tham gia vào ngành sản xuất giấy Việt Nam, tập đoàn cho biết trong thông cáo báo chí. Sau khi mua lại Giấy Sài Gòn, Sojitz sẽ tận dụng lợi thế về cơ sở hạ tầng để phát triển ngành sản xuất giấy tiêu dùng tại Việt Nam, thị trường có quy mô 128 triệu đô la Mỹ năm 2014, theo số liệu của Hiệp hội Giấy và Bột giấy Việt Nam (VPPA).

Giấy Sài Gòn sản xuất 40 nghìn tấn giấy tiêu dùng mỗi năm, đồng thời sở hữu mạng lưới phân phối tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc và xuất khẩu ra khoảng 23 nước. Bên cạnh mảng giấy tiêu dùng, công ty còn sản xuất kinh doanh giấy công nghiệp. Doanh thu cả hai mảng của công ty năm 2017 đạt khoảng 2.700 tỉ đồng.

Thị trường giấy tiêu dùng phát triển dựa theo tốc độ đô thị hóa của Việt Nam, VPPA nhận định trong một báo cáo. Mức độ đô thị hóa càng gia tăng sẽ tăng nhu cầu sử dụng các tiện nghi vệ sinh và cơ sở hạ tầng về vệ sinh cũng được cải thiện.

“Thị trường giấy tiêu dùng vẫn sẽ phát triển tốt ít nhất trong năm năm tới,” ông Vị, nhà sáng lập công ty sản xuất giấy hơn 20 năm tuổi cho biết.

Bình luận bài viết
Bài viết liên quan