Máy móc đảm nhận 30% công việc đòi nợ của FE Credit

Máy móc thậm chí đảm nhận công tác gọi điện thoại và nhắn tin nhắc nợ cho các khách hàng có các khoản vay đến hạn, ông Nguyễn Đức Vinh, tổng giám đốc của VPBank cho biết trong buổi gặp gỡ các công ty chứng khoán ngày 21.5.2018.

Cho vay trả góp là môt nghiệp vụ phổ biến của FE Credit (Ảnh: FE Credit)

“Đôi khi các bạn tưởng là các cô nhân viên xinh đẹp gọi điện, nhưng thực ra là máy móc được lập trình sẵn, gọi cho bạn khi khoản nợ của bạn đến hạn”, ông Vinh giải thích. Thông tin này được xác nhận bởi một khách hàng của VPBank.

Hiện có 3,5 đến 4 triệu khoản cho vay tiêu dùng tín chấp, FE Credit là tổ chức cho vay tiêu dùng có số lượng các khoản vay lớn nhất Việt Nam. Thống kê của Stoxplus cũng cho thấy thị phần cho vay tiêu dùng của FE Credit đạt gần một nửa, giữ vững vị trí đứng đầu. Ông Vinh ví von FE Credit là một “nhà máy cung cấp tín dụng” với khoảng 30.000 khoản vay mới mỗi tháng. Việc xét duyệt cũng như thu hồi các khoản nợ vì vậy được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin.

Với đặc điểm các khoản vay tiêu dùng, phân tán lẻ ở nhiều khách hàng, khả năng “xù nợ” cao, công tác thu hồi nợ vì vậy cực kỳ quan trọng.

Thị trường cho vay tiêu dùng Việt Nam tương đối mới mẻ. Thu hồi nợ trong lĩnh vực đặc thù này vì vậy cũng là một nghề mới. Ông Vinh cho biết hiện có khoảng 2.700 người hoạt động trong lĩnh vực này, trong đó FE Credit chiếm khoảng 800 người. Quý I.2018, FE Credit thậm chí bị khủng khoảng thiếu nhân sự trong lĩnh vực này, khoảng 30% so với nhu cầu. Quý I.2018, FE Credit chỉ chiếm trên 35% kết quả lợi nhuận của VPBank, trong khi kế hoạch đặt ra đầu năm 2018 của ngân hàng này là một nửa lợi nhuận sẽ đến từ cho vay tiêu dùng.

Trong vụ việc với các khách hàng của hãng mỹ phẩm Deaura, một số khách hàng cho rằng FE Credit đã "lừa" họ ký vào hợp đồng vay tín chấp để sử dụng mỹ phẩm, và đòi nợ trái pháp luật, khủng bố tinh thần. Vụ việc liên quan trực tiếp đến công tác thu hồi nợ của FE Credit, là công việc hết sức nhạy cảm.

Ông Vinh cho rằng, cho vay khách hàng thu nhập thấp, không có khả năng thanh toán không phải là chủ trương của FE Credit, vì điều này làm tăng rủi ro cho công ty. Deaura là một trong hàng trăm đối tác thương mại của FE Credit, trong chiến dịch mở rộng thị trường, tạo một hệ sinh thái của công ty. Đối tác khác của FE Credit có thể kể đến các tên tuổi nổi tiếng như Thế giới di động, FPT Shop, Vinhomes,… 99% khách hàng của Deaura là khách hàng tốt, thanh toán nợ đúng hạn, ông Vinh cho biết.

Liên quan đến việc đòi nợ, ông Vinh cho rằng có thể trong việc giao tiếp với khách hàng thông qua máy móc, một số khách hàng không thực sự dễ chịu, và nảy sinh tâm lý ức chế. Đó là lỗi của FE Credit khi chưa tính đến các yếu tố nhạy cảm. Tuy nhiên, FE Credit khẳng định công ty không đòi nợ trái các quy định của pháp luật. Việc nhắc nhở khách hàng thông qua người thân cũng nằm trong kịch bản đòi nợ của FE Credit, ông Vinh thừa nhận.

Nhận được các phản ánh từ khách hàng, FE Credit đang rà soát lại quy trình để đảm bảo cho vay đúng người, đúng đối tượng, giảm thiểu xung đột trong công tác thu hồi nợ.

Đặc biệt, người đứng đầu VPBank cho biết trong thoả thuận riêng giữa FE Credit và Deaura, nếu khách hàng không thanh toán nợ, đến thời hạn, FE Credit sẽ tự động trừ tiền từ tài khoản của Deaura. Vì thế, không có lý do gì để FE Credit cắt hợp đồng với Deaura.

Tuy nhiên, khi hỏi đại diện FPT Shop, một đối tác khác của FE Credit, họ cho biết với FPT Shop, khi khách hàng không trả nợ, mọi rủi ro sẽ thuộc về FE Credit.

Thực tế, khi mua hàng trả góp tại hệ thống các cửa hàng FPT Shop thông qua FE Credit, người mua hàng làm các thủ tục vay tiêu dùng tín chấp với nhân viên của FE Credit làm việc tại cửa hàng của FPT Shop. Các thủ tục cung cấp các khoản vay tiêu dùng được tiến hành tương đối nhanh gọn, khoảng 15-20 phút cho mỗi khoản vay, bao gồm thời gian kê khai và kiểm định. Sau hai ngày khoản vay được phê duyệt, số tiền sẽ được FE Credit thanh toán cho FPT Shop, và sẽ thu từ khách hàng trong thời gian tiếp theo, đại diện FPT Shop chia sẻ với Forbes Việt Nam.