Thương vụ mua hạt đậu nành giữa hai công ty cùng thuộc tập đoàn Cargill với chứng thư bảo lãnh do HSBC cấp không có gì đặc biệt so với các giao dịch mua bán hàng hóa ngoại thương khác, ngoại trừ một khác biệt duy nhất: Chứng thư bảo lãnh của HSBC được cấp trên nền tảng blockchain.
Vivek Ramachandran, trưởng bộ phận tăng trưởng và đổi mới toàn cầu của ngân hàng HSBC - Ảnh: HSBC cung cấp.
Cuối cùng, ứng dụng đầu tiên không phải tiền mã hóa của blockchain trong thế giới thực đã xuất hiện. Hoạt động tài trợ thương mại của ngân hàng cho các công ty xuất nhập khẩu thông qua việc cấp chứng thư bảo lãnh (L/C) đã được HSBC lần đầu thực hiện với blockchain.
Ngân hàng lớn nhất nước Anh HSBC, trong thông cáo báo chí phát đi ngày 14.5, cho biết đã phối hợp cùng ngân hàng ING cùng thực hiện thành công thoả thuận mua bán hạt đậu nành từ Argentina đến Malaysia cho hai đơn vị thuộc Cargill, tập đoàn cung ứng lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Điều đặc biệt của giao dịch này nằm ở chỗ đây là giao dịch tài trợ thương mại đầu tiên trên thế giới thực hiện trên nền tảng blockchain.
Để thanh toán cho hoạt động thương mại của khách hàng tập đoàn Cargill, ngân hàng HSBC phát hành một chứng thư bảo lãnh (L/C). "Thông thường hoạt động trao đổi và kiểm tra giấy tờ liên quan đến L/C cần đến 5-10 ngày mới hoàn tất. Tuy nhiên, giao dịch thông qua nền tảng blockchain được hoàn tất chỉ trong vòng 24 giờ," HSBC thông báo về kết quả giao dịch.
Khi có một hợp đồng giao dịch, để đảm bảo việc thanh toán chắc chắn diễn ra cho bên bán sau khi giao hàng, cũng như bên mua có thể yên tâm rằng chắc chắn sẽ nhận được hàng, ngân hàng đứng ra đảm bảo với bên bán sẽ chịu trách nhiệm thanh toán thay bên mua nếu có trục trặc gì xảy ra. Đảm bảo này được đưa ra dưới hình thức một chứng thư bảo lãnh (L/C) cấp cho bên mua hàng. Chứng thư bảo lãnh là một nghiệp vụ quen thuộc đã góp không nhỏ cho việc thúc đẩy các giao dịch ngoại thương diễn ra mạnh mẽ.
Blockchain giúp thay đổi hoàn toàn trải nghiệm của khách hàng trong lĩnh vực tài trợ thương mại. Thay vì chờ đợi trao đổi chứng từ trực tiếp giống như ở trong "hố đen", mọi hoạt động thông qua nền tảng blockchain được thực hiện hoàn toàn trực tuyến, giảm tối đa gian lận giấy tờ, cũng như các bước thực hiện, qua đó giúp tiết kiệm thời gian thực hiện giao dịch, ông Vivek Ramachandran, trưởng bộ phận tăng trưởng và đổi mới toàn cầu của ngân hàng HSBC, trả lời phỏng vấn Forbes Việt Nam.
Vivek Ramachandran và nhóm do ông lãnh đạo chính là những người tham gia hoàn tất giao dịch lịch sử trên.
"Việc so chiếu giấy tờ không còn cần thiết nữa bởi tất cả các bên tham gia trong giao dịch đều được kết nối thông qua nền tảng (platform) và cập nhật ngay lập tức," ông Ramachandran cho biết.
Ông Ramachandran khẳng định khách hàng chính là người hưởng lợi nhiều nhất, bởi ứng dụng blockchain giúp thanh toán bằng L/C diễn ra đơn giản hơn và nhanh chóng hơn.
HSBC giải thích ngắn gọn về cơ chế hoạt động của giao dịch được tiến hành trên nền tảng blockchain so với cách làm truyền thống - Nguồn: HSBCTài trợ thương mại hiện đang được thống lĩnh bởi một số ngân hàng lớn trên thế giới như BNP Paribas, Citigroup, HSBC, JPMorgan Chase, and Mitsubishi UFJ Financial. Trong ba tháng đầu năm 2018, hoạt động này mang về 5,7 tỉ đô la Mỹ doanh thu cho HSBC, chỉ đứng sau JPMorgan Chase với gần 6 tỉ đô la Mỹ doanh thu, theo số liệu từ báo cáo tài trợ thương mại quý I.2018 do Euromoney Institutional Investor thực hiện.Giao dịch được HSBC và các đối tác cùng thực hiện trên nền tảng (platform) có tên gọi Corda, thành quả hơn hai năm nghiên cứu và phát triển của công ty phần mềm R3 tại New York. Để tạo nên Corda, R3 đã hợp tác với mạng lưới gồm hơn 200 ngân hàng và tổ chức tài chính, nhà quản lý, hiệp hội thương mại và các công ty dịch vụ chuyên nghiệp.HSBC đã bắt đầu hợp tác cùng R3 trong dự án blockchain ứng dụng cho tài trợ thương mại từ cuối năm 2015 và cho ra mắt "proof-of-concept" (chứng minh khả năng của ứng dụng) vào khoảng giữa năm 2016, trước khi chính thức áp dụng giao dịch chính thức lần này.Ứng dụng blockchain vào một hoạt động ngân hàng không hề dễ dàng. "Chúng tôi đã phải đối mặt với nhiều thách thức bởi công nghệ blockchain còn tương đối mới. Chúng tôi phát triển công nghệ trên trong vòng một năm rưỡi qua, phải mất sáu tháng để giải thích và thuyết phục cho các đối tác (ngân hàng hợp tác và khách hàng) về ứng dụng này," ông Ramachandran cho biết.Trong số các định chế tài chính lớn toàn cầu, HSBC là một trong những ngân hàng đầu tư mạnh nhất cho blockchain cũng như công nghệ sổ cái phân tán.
HSBC chính là một trong 10 ngân hàng tạo ra đồng tiền mã hoá mới (USC) với mục tiêu giúp cho hoạt động thanh toán giữa các ngân hàng được thực hiện nhanh chóng, tiết kiệm và an toàn hơn. HSBC cũng thử nghiệm công nghệ sổ cái phân tán trong dịch vụ chứng khoán, nhằm tạo thuận lợi cho việc bổ phiếu thông qua uỷ quyền đối với các nhà đầu tư tổ chức.
Đặt cược vào công nghệ là một trong những nhân tố chính giúp HSBC đạt được thành công, hãng tư vấn toàn cầu Boston Consulting Group chỉ ra trong báo cáo mang tên "The Comeback Kids" (những đứa trẻ trở lại). Trong giai đoạn 2015-2020, tổng đầu tư dự kiến của HSBC cho công nghệ lên tới 2,1 tỉ đô la Mỹ, theo nghiên cứu của Boston Consulting Group.
"Chúng tôi muốn tiếp tục thực hiện các giao dịch tương tự thông qua nền tảng blockchain. Để làm được điều đó, cần phải thuyết phục các ngân hàng đối tác cũng như các khách hàng. Điều mà khách hàng quan tâm không hẳn là công nghệ nào đằng sau, mà là họ sẽ mất bao nhiêu phí cho giao dịch và có hiệu quả hay không," ông Ramachandran nói với Forbes Việt Nam về tương lai của ứng dụng blockchain cho các hoạt động của hệ thống ngân hàng.