Ngân hàng Commonwealth Bank ứng dụng thành công blockchain và IoT vào chuỗi cung ứng

17 tấn hạnh nhân đã được vận chuyển thành công từ Victoria (Úc) đến Hamburg (Đức) với ứng dụng kết hợp hai công nghệ blockchain và IoT. Thử nghiệm thành công của ngân hàng Commonwealth Bank đặt dấu ấn cho một mô hình platform mới, "nhanh chóng, hiệu quả và minh bạch" cho thương mại hàng hoá toàn cầu.

[media=https://www.youtube.com/watch?v=GGKjw5vR3Aw]

Công nghệ blockchain và IoT đã được ứng dụng như thế nào trong chuỗi cung ứng thương mại hàng hoá - Nguồn: Commonwealth Bank of Australia cung cấp cho Forbes Việt Nam

Ứng dụng blockchain trong chuỗi cung ứng

Thử nghiệm thành công của ngân hàng Commonwealth Bank là minh chứng cho khả năng ứng dụng thực tiễn của blockchain trong chuỗi cung ứng cho ngành thương mại toàn cầu.

“Thử nghiệm này là một bước tiến quan trọng và cung cấp nền tảng để phát triển chuỗi cung ứng trong ngành thương mại,” Chris Scougall, giám đốc điều hành công nghiệp và logistics, ngân hàng Commonwealth Bank trả lời Forbes Việt Nam qua phỏng vấn bằng email.

Blockchain cho phép cả năm đối tác trong chuỗi cung ứng có thể cùng làm việc trên một nền tảng (platform). Các bên tham gia có thể tham khảo và tải trực tiếp từ platform này tất cả các giấy tờ quan trọng như vận đơn, giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ,… Việc truyền tải thông tin được diễn ra gần như ngay lập tức. Trên cùng một platform, quá trình trao đổi thông tin và giấy tờ trở nên hoàn toàn minh bạch.

Thông qua dự án thử nghiệm này, mọi bên tham gia có thể theo dõi diễn biến của quá trình vận chuyển, giúp họ lên trước kế hoạch. Đây là điều, mà theo Commonwealth Bank, “không hề đơn giản trong chuỗi cung ứng truyền thống hiện nay.”

Ngân hàng Commonwealth Bank ứng dụng thành công blockchain và IoT vào chuỗi cung ứng

Russell Guinane, quản lý dịch vụ khách hàng xác nhận lô hàng hạnh nhân xuất phát từ cảng Melbourne - Ảnh: Commonwealth Bank of Australia cung cấp

Platform do Commonwealth Bank xây dựng có khả năng số hoá ba khâu quan trọng nhất của thương mại toàn cầu, đó là giấy tờ, vận hành và tài chính. Trong thử nghiệm này, ngân hàng đến từ Úc đã sử dụng blockchain dạng đóng (private blockchain), tức chỉ có những bên tham gia được cho phép mới có quyền truy cập vào hệ thống.

Trong một nỗ lực ứng dụng blockchain trong thương mại, hồi giữa tháng 5.2018, ngân hàng HSBC cũng thử nghiệm thành công blockchain trong khâu tài trợ thương mại, phát hành và thanh toán một hợp đồng mua bán quốc tế hạt đậu nành bằng tín dụng thư L/C.

“Các tiêu chuẩn và quy trình bắt buộc của thương mại toàn cầu đồng nghĩa với việc chúng ta phải cam kết với các cơ quan quản lý và các bên cùng tham gia, trong một chuỗi cung ứng rộng lớn hơn, để hướng tới việc đón nhận một platform hiện đại,” Chris Scougall cho biết thêm.

Platform ứng dụng công nghệ blockchain và IoT được thử nghiệm trên 17 tấn hạnh nhân, được vận chuyển Victoria (Úc) đến Hamburg (Đức) - Ảnh: Commonwealth Bank of Australia cung cấp

Blockchain kết hợp cùng IoT

"Nếu ai đó theo sát quá trình vận chuyển từ đầu đến cuối, họ sẽ phát hiện có những "hố đen", nơi thông tin bị thất lạc," Russell Guinane, quản lý dịch vụ khách hàng giải thích về khoảng trống thông tin trong chuỗi cung ứng hiện tại. Để khắc phục vấn đề này, CBA đã cho gắn các thiết bị IoT, cho phép theo dõi trực tuyến quá trình vận chuyển của hàng hoá, nhiệt độ và độ ẩm bên trong container trong suốt hành trình. Đây là điều quan trọng đối với những sản phẩm đòi hỏi kiểm soát chất lượng nghiệm ngặt, chẳng hạn như các sản phẩm nông sản (gạo, hạnh nhân, hạt đậu nành,...).

Dẫn dắt bởi "những người khổng lồ"

Tại Úc, không chỉ Commonwealth Bank, các tổ chức lớn khác như Sở giao dịch chứng khoán Úc (Australian Stock Exchange) hay Bưu điện Úc (Australia Post) đang khám phá hoặc áp dụng công nghệ sổ cái phân tán cho nhiều mục đích. Đây là nguyên nhân khiến cho các cuộc đối thoại về khả năng chấp nhận blockchain trên diện rộng đã thay đổi đáng kể tại Úc kể từ 12 tháng qua, ông Adrian Harrison, giám đốc Huobi tại Úc nói với Forbes Việt Nam.

“Có nhiều công ty lớn tại Úc đang để mắt tới các ứng dụng cụ thể của công nghệ sổ cái phân tán trong hoạt động kinh doanh của họ, nhưng không nhất thiết phải là người đi đầu,” ông Harrison nhận định.

Hầu hết các ứng dụng blockchain trong kinh doanh đang dừng ở mức thử nghiệm và được dẫn dắt bởi các công ty lớn trên thế giới như HSBC, IBM,… Trong trường hợp gần nhất của Commonwealth Bank, thử nghiệm blockchain còn có sự tham gia của năm công ty quốc tế đầu ngành trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, như Olam Orchards, OOCL,…

“Khi chúng ta nhìn vào thị trường, những kiểu ứng dụng blockchain như thế này chỉ được thực hiện bởi các công ty lớn, bởi họ sở hữu nhiều nguồn lực. Tuy nhiên, đối với các công ty vừa và nhỏ (SME), họ vẫn tìm kiếm những trường hợp ứng dụng thành công kiểu mẫu, được thực hiện bởi doanh nghiệp có cùng quy mô hoặc một số công ty trung gian nào đó, có thể giúp họ ứng dụng công nghệ blockchain vào thực tiễn kinh doanh,” ông Terry Chan, chủ tịch hiệp hội chuỗi cung ứng thương mại điện tử Hong Kong, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong ngành, chia sẻ với Forbes Việt Nam qua phỏng vấn bằng email.