Những bất cập trong quản lý quỹ bảo trì chung cư

Trên địa bàn thành phố Hà Nội gần đây, hàng loạt vụ tranh chấp chung cư đã xảy ra, chủ yếu liên quan đến hoạt động quản lý nhà chung cư, trong đó có kinh phí bảo trì chung cư.
Những bất cập trong quản lý quỹ bảo trì chung cư
Những bất cập trong quản lý quỹ bảo trì chung cư


Tranh chấp kinh phí bảo trì chung cư giữa nhà đầu tư và cư dân

Chuyện tranh chấp, mâu thuẫn giữa cư dân và chủ đầu tư liên quan tới kinh phí bảo trì chung cư diễn ra trong nhiều tháng, thậm chí nhiều năm mà vẫn chưa được giải quyết dứt điểm. Có thể kể đến hàng loạt dự án lớn tại Hà Nội như chung cư Hateco Hoàng Mai, Star City 81 Lê Văn Lương, 310 Minh Khai, Hồ Gươm Plaza, chung cư Dolphin plaza Mỹ Đình, chung cư Mulberry lane, chung cư Victoria Văn Phú…

Tại kỳ họp lần 6 HĐND Thành phố Hà Nội (ngày 6/7) vừa qua, đại biểu Nguyễn Quân (Hoàng Mai) băn khoăn: “Toàn thành phố hiện có 137 toà chung cư xây dựng trước năm 2005, nhiều toà không có quỹ kinh phí bảo trì, gây khó khăn cho công tác duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng phục vụ cộng đồng. Ngoài ra, nhiều toà chung cư thương mại xây dựng sau năm 2005 hiện đã thành lập Ban Quản trị nhưng chủ đầu tư không chịu bàn giao kinh phí bảo trì chung cư theo quy định của pháp luật. Thực tế này dẫn đến tình trạng cư dân bức xúc kéo dài, tập trung đông người phản đối chủ đầu tư, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự".

Kinh phí bảo trì chung cư là nguồn kinh phí được sử dụng để phục vụ việc sửa chữa, bảo dưỡng chung cư. Nguồn quỹ kinh phí này được trích từ đóng góp của các hộ dân, tương đương với 2% giá trị căn hộ và được các chủ đầu tư dự án thu ngay khi bàn giao căn hộ. Theo quy định, kinh phí bảo trì chung cư sẽ phải bàn giao cho Ban quản trị tòa nhà do các hộ dân bầu ra để phục vụ cho việc vận hành tòa nhà.

Tuy nhiên, hiện nay nhiều chủ đầu tư cản trở việc thành lập ban quản trị chung cư để được giữ nguồn quỹ này. Nhưng ngay cả khi Ban quản trị chung cư đã được thành lập, nhiều chủ đầu tư cũng tìm nhiều lý do để không bàn giao quỹ.


Cơ quan chức năng thừa nhận còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức quản lý nhà chung cư

Nhiều bất cập trong giải quyết tranh chấp kinh phí bảo trì chung cư

Giải trình về vấn đề này, Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Văn Dục cho biết, trong thời gian qua vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác tổ chức quản lý nhà chung cư tại thành phố Hà Nội dẫn đến chậm trễ trong việc bàn giao quỹ.

Trước hết là tình trạng nhiều căn hộ đã được hoàn thiện, rải rác ở nhiều tòa nhà nhưng vẫn bị để trống nhiều năm nay, sử dụng chưa hiệu quả; nhiều căn hộ đã có văn bản bố trí của UBND thành phố nhưng chủ hộ chưa đến nộp tiền theo quy định, trong điều kiện quỹ nhà tái định cư rất thiếu, dù trước đây Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND đã kiến nghị nhưng đến nay việc xử lý vẫn chưa dứt điểm.

Mặt khác, nhiều tòa nhà không thuận lợi trong việc cho thuê kinh doanh mặc bằng tầng một, dẫn đến thiếu kinh phí. Với những toà nhà không có kinh phí bảo trì, không có diện tích kinh doanh chung thì người dân phải đóng góp để có kinh phí duy tu, duy trì cơ sở hạ tầng, không có giải pháp nào khác.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Hà Minh Hải thông tin thêm, căn cứ quy định Luật Nhà ở, Sở đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng khung giá dịch vụ chung cư trình UBND thành phố công bố giá dịch vụ nhà chung cư. "Tuy nhiên, do thực tế mỗi nơi một khác nên đây được xem là căn cứ để Ban Quản trị báo cáo Hội nghị nhà chung cư nhằm quyết định mức giá cụ thể", ông Hải cho biết.

Những cách giải quyết tạm thời

Trên thực tế, theo phản ánh của cư dân nhiều ý kiến cho rằng, trách nhiệm của Sở Xây dựng còn mờ và chưa rõ ràng, công tác kiểm tra rà soát cần lãnh đạo Sở trả lời rõ ràng hơn nữa.

Về vấn đề này, các chuyên gia đô thị từng đưa ra nhận định, không chỉ Hà Nội mà nhiều thành phố lớn khác trên cả nước nếu không tìm được mô hình quản lý chung cư phù hợp, thì ngoài vấn đề các công trình nhanh xuống cấp do không đảm bảo được duy tu, duy trì một cách khoa học, gây ảnh hưởng đến chất lượng dân sinh; việc này thậm chí còn ảnh hưởng tới thị trường bất động sản căn hộ, bởi khách hàng sẽ mất lòng tin về những yêu cầu cần có của phân khúc này.

Trong khi đó, đại diện Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, việc bàn giao quỹ bảo trì là trách nhiệm của chủ đầu tư, ngay khi ban quản trị được thành lập. Hiện cơ quan này đang đề nghị thành phố Hà Nội tiến hành các biện pháp cưỡng chế qua tài khoản để bàn giao lại cho cư dân.

Trước đó Bộ Xây dựng cũng đã có kiến nghị, với hành vi chiếm dụng, sử dụng quỹ bảo trì chung cư, Bộ Công an cần chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm. Thậm chí một số hồ sơ vi phạm đã được chuyển sang Bộ Công an khởi tố là một trong những biện pháp mạnh tay trong thời gian qua. Tuy nhiên, các cơ quan thẩm quyền cần phải giải quyết tận gốc vấn đề, siết quỹ 2% ngay từ khi người dân mua nhà chung cư để đảm bảo quyền của người dân được đảm bảo, tránh những tranh chấp phát sinh về sau.

MuaBanNhaDat theo TBKD