Hà Nội: Hàng chục tỷ đồng phí bảo trì chung cư đã đi về đâu?

Luật Nhà ở ban hành năm 2014 ghi rõ, chủ đầu tư phải trích 2% giá trị căn hộ hoặc diện tích nhà bán, cho thuê mua để lập phí bảo trì chung cư. Tuy nhiên hàng chục tỷ đồng phí bảo trì đã ngang nhiên bị chiếm dụng bởi chủ đầu tư, và thậm chí bởi ban quản lý do chính người dân bầu ra.
Hà Nội: Hàng chục tỷ đồng phí bảo trì chung cư đã đi về đâu?
Hà Nội: Hàng chục tỷ đồng phí bảo trì chung cư đã đi về đâu?


Hàng loạt chung cư vướng vào tranh chấp

Tranh chấp phí bảo trì chung cư là 1 trong 8 loại tranh chấp cơ bản của người dân do chính Bộ Xây dựng chỉ ra trong báo cáo gửi Chính phủ cách đây vài ngày. Trên thực tế, đây cũng là tranh chấp dai dẳng, khó giải quyết nhất thời gian qua, đặc biệt trong bối cảnh nhiều công trình, dự án ở Hà Nội bắt đầu xuống cấp.

Dự án Star City (81 Lê Văn Lương, Hà Nội, do Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại Vneco Hà Nội làm chủ đầu tư) được hoàn thành và bàn giao từ năm 2014). Nhưng tới nay, phần phí bảo trì chung cư mà chủ đầu tư mới bàn giao cho cư dân chỉ khoảng 2,4 tỷ đồng, trong tổng số hơn 30 tỷ đồng. Dù cư dân đã gửi đơn cho cơ quan quản lý nhưng đến nay hai bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung bởi còn phụ thuộc tình hình tài chính của chủ đầu tư.


Cư dân chung Cư Văn Phú đang tìm mọi cách để đòi lại phí bảo trì từ phía ban quản trị. Ảnh: NT

Ở chung cư Thăng Long Garden (250 Minh Khai, Hà Nội), ban quản trị được dân bầu ra cũng cho biết, từ khi được thành lập là cuối tháng 8/2016 đến giữa năm 2017, đã nhiều lần có văn bản yêu cầu chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Thăng Long bàn giao phí bảo trì chung cư mà theo ước tính của cư dân vào khoảng 14,6 tỷ đồng. Tuy nhiên, đơn vị này phớt lờ những kiến nghị đó.

Nguyên nhân phí bảo trì bị chiếm dụng

Trước tình trạng bị chiếm dụng phí bảo trì trắng trợn, nhiều cư dân đã căng băng rôn gây sức ép cho chủ đầu tư. Khi tình hình trở nên căng thẳng, một số chủ đầu tư đã đưa ra văn bản lý giải về tình trạng khó khăn của mình, đồng thời đề xuất phương án tiến hành thanh toán nhỏ giọt.

Theo đó, Công ty cổ phần May Thăng Long cho biết việc kinh doanh hiện giờ rất khó khăn, nguồn thu hạn hẹp, tiền mặt không đủ khả năng chi trả. Dù khẳng định giá trị tài sản của công ty nằm chủ yếu ở bất động sản và hoàn toàn đủ khả năng chuyển trả phí bảo trì chung cư cho ban quản trị nhưng chủ đầu tư cho biết sẽ chỉ có thể trả 10-12% phí bảo trì mỗi quý.

"Nếu ban quản trị yêu cầu thanh toán một lần thì công ty chưa thể trả ngay được”, đại diện chủ đầu tư cho hay. Đại diện May Thăng Long cũng đề xuất Ban quản trị tìm kiếm khách hàng để cho thuê khu vực dịch vụ tại tầng một tòa nhà nhằm tăng nguồn thu cho chủ đầu tư. Trước tình thế đó, Ban quản trị đã gửi văn bản đến UBND TP Hà Nội nhằm tạo áp lực để chủ đầu tư bàn giao phí bảo trì chung cư cho người dân, song việc thanh toán cũng phải tiến hành nhiều lần mới hoàn tất.

Cũng liên quan đến tranh chấp về phí bảo trì, Ban quản trị Chung cư CT1, CT3 Khu đô thị mới Trung Văn đã nhiều lần kiến nghị với chủ đầu tư là Công ty cổ phần Xây dựng số 1 Sông Hồng về việc bàn giao 6 tỷ đồng phí bảo trì. Nhưng phải đến khi Ban quản trị đệ đơn lên UBND TP Hà Nội, chủ đầu tư mới chịu thanh toán với hình thức nhỏ giọt trong vòng 2 năm.

Cũng rơi vào tình cảnh tương tự, cư dân Hồ Gươm Plaza ở Mỗ Lao (Hà Đông) do Công ty cổ phần May Hồ Gươm làm chủ đầu tư cũng phải chấp nhận để đơn vị này trả lại phí bảo trì chung cư một cách nhỏ giọt. Trước đó, cư dân ở tòa chung cư được quảng cáo là cao cấp này nhiều lần phải căng băng rôn, kiến nghị cơ quan quản lý để gây sức ép yêu cầu chủ đầu tư bàn giao gần 20 tỷ đồng tiền phí bảo trì của tòa nhà.

Tại Hà Nội, tình trạng chủ đầu tư có dấu hiệu chiếm dụng quỹ bảo trì diễn ra phổ biến, từ chung cư giá rẻ cho đến cao cấp. Là một trong những tòa căn hộ cao cấp bậc nhất, song cư dân tòa nhà Keangnam từng phải gửi đơn lên Thủ tướng để kêu cứu về việc quỹ bảo trì (giá trị khoảng 160 tỷ đồng) mà chủ đầu tư không chịu bàn giao. Sau kiến nghị này, chủ đầu tư dự án dù chấp thuận trả quỹ bảo trì nhưng cũng theo phương thức từng phần.

Đòi lại phí bảo trì - Cuộc chiến còn gian nan

Ở một số dự án chung cư, cư dân buộc phải đấu tranh để đòi phí bảo trì với chính ban quản trị do mình bầu ra. Cư dân tòa Văn Phú Victoria (Hà Đông) cho biết từ khi thành lập và được chủ đầu tư bàn giao hơn 41 tỷ đồng phí bảo trì, ban quản trị không công khai minh bạch việc quản lý, sử dụng số tiền nói trên, cũng như các nguồn thu từ việc khai thác quảng cáo, dịch vụ xung quanh tòa nhà.

Theo phản ánh của người dân, ban quản trị tòa nhà Văn Phú Victoria còn tự ý quyết về việc lựa chọn đơn vị quản lý vận hành mà không lấy ý kiến cư dân. Hiện việc chi tiêu, quản lý số tiền phí bảo trì hàng chục tỷ đồng tại đây ra sao cư dân không hay biết. Tuy nhiên, đề nghị bầu lại ban quản trị sau cả năm nay vẫn không được tiến hành do trưởng ban quản trị tìm mọi cách trì hoãn.

Hàng trăm hộ cư dân tại tòa chung cư cao cấp Sông Hồng Park View (Đống Đa) cũng cho rằng việc sử dụng quỹ bảo trì của ban quản trị còn nhiều khuất tất nên đã đấu tranh suốt nhiều năm nay. Có thời điểm, trưởng ban quản trị - người đứng tên tài khoản quỹ bảo trì trị giá 20 tỷ đồng đã không có mặt tại nhà trong nhiều ngày và điện thoại không liên lạc được nên cư dân đã gửi đơn trình báo đến cơ quan công an.

Nhiều luật sư cho rằng, một trong những nguyên nhân khiến nhiều chủ đầu tư chây ì thực hiện chuyển Quỹ bảo trì cho Ban quản trị chung cư là hiện chưa có quy định, chế tài xử phạt những chủ đầu tư vi phạm. Trong báo cáo vừa gửi Chính phủ, Bộ Xây dựng kiến nghị, với hành vi chiếm dụng, sử dụng kinh phí bảo trì, Bộ Công an cần chủ trì tổ chức điều tra, khởi tố, truy cứu trách nhiệm đối với các chủ thể vi phạm.

MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh