Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam vừa công bố báo cáo thị trường bất động sản Quý 2 năm 2018. Theo ghi nhận của Hội này, giá đất biển Đà Nẵng không ngừng tăng cao trong khoảng 1 năm vừa qua. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại do giá đất tăng quá cao nên giao dịch đã chững lại so với cùng kỳ năm ngoái.
Những khu vực đất biển Đà Nẵng tăng giá mạnh
Giá đất mặt tiền đường ở những trục đường lớn ven biển, đang được xem là đất vàng tại TP Đà Nẵng - nơi đang xuất hiện hàng loạt các dự án khách sạn, resort, cao ốc condotel,...từ 4-5 sao lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi m2.
Dọc trục đường ven biển khoảng từ đường Võ Nguyên Giáp (Sơn Trà) đến đường Trường Sa - Hoàng Sa (Ngũ Hành Sơn) được mệnh danh là con đường 5 sao tỷ USD tại TP. Đà Nẵng. Bởi dọc tuyến đường này là khu vực phát triển sôi động nhất các dự án BĐS 5 sao.
Theo báo cáo này, giá đất biển Đà Nẵng tăng mạnh ở khu vực mặt đường Võ Nguyên Giáp. Trong quý 2 có nơi được xác định có giá lên tới khoảng 300 triệu đồng một m2, tăng gấp đôi so với cùng kỳ 2017.
Các trục đường lớn lớp trong có mức giá khoảng 200 triệu đồng mỗi m2 và các đường nhỏ từ trên 100 triệu đồng đến 150 triệu đồng tùy vị trí, nhưng chủ yếu là mua đi bán lại và giao dịch không nhiều.
Ngoài khu vực đất biển Đà Nẵng, giá đất ở một số dự án khu đô thị mới tại khu vực ven Đà Nẵng về phía Tây hoặc phí Nam, vùng ven TP có giá bình quân dao động khoảng 10 - 15 triệu đồng một m2, tăng so với cùng kỳ 2017 khoảng trên 30%.
Có thể kể tới như khu vực dự án Hoà Hải, dự án Golden Hills thuộc quận Liên Chiểu, dự án FLC Eco Charm Đà Nẵng,...
"Đây là mức giá phù hợp trong điều kiện Đà Nẵng đã và đang đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng đô thị đồng bộ, hiện đại, và tăng trưởng kinh tế của thành phố này ở mức cao vào ổn định", báo cáo này nhận định.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng lại giảm
Không như đất biển Đà Nẵng, ở phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng, theo ghi nhận, lượng giao dịch tại Đà Nẵng trong quý II chủ yếu tập trung ở phân khúc condotel. Không có nguồn cung condotel hay biệt thự nghỉ dưỡng nào được chào bán mới ra thị trường. Lượng giao dịch biệt thự cũng chững lại, không xuất hiện thêm giao dịch nào của quý II. Chỉ có khoảng 300 căn condotel được giao dịch trong thời gian này.
Phân khúc này cũng có không ít các dự án không đủ pháp lý hoặc do chủ đầu tư không đủ năng lực thi công, nằm bất động và đang dần được mua bán lại nhờ các thương vụ M&A để chuyển giao sang cho chủ đầu tư khác có năng lực phát triển tốt hơn.
Theo ghi nhận của Hội môi giới BĐS Việt Nam, thị trường BĐS Đà Nẵng 6 tháng đầu năm 2018 khá trầm lắng, không có nhiều dự án mới, nguồn cung mới được tung ra thị trường. Nhiều dự án đã được phê duyệt những chưa triển khai do gặp vướng mắc về pháp lý. Chỉ duy đất biển Đà Nẵng có bước phát triển mạnh nhờ đầu tư hạ tầng.
Hội Môi giới cũng cho biết, các dự án quý I được bán chạy thì đến quý II vừa qua do thiếu nguồn hàng, bị môi giới đẩy giá ảo, xuất hiện bong bóng. Khi bắt đầu có các chính sách thắt chặt về mặt pháp lý, làm cho giới đầu cơ tháo chạy, khiến khối lượng giao dịch, mua bán giảm dần.
Tuy nhiên, theo đơn vị nghiên cứu, các chủ đầu tư vẫn kỳ vọng vào thị trường nên vẫn có các dự án mới chuẩn bị đầu tư. Cùng với đó, việc Đà Nẵng vừa thông qua điều chỉnh quy hoạch và thiết kế kiến trúc cho một số dự án sẽ tạo cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư mới triển khai đầu tư xây dựng để xóa dự án "treo" tồn tại nhiều năm nay ở trung tâm thành phố.
MuaBanNhaDat theo TBKD