Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp đoàn Bờ Biển Ngà khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển giáo dục tại Việt Nam

GD&TĐ - Sáng 25/3, tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có buổi tiếp đoàn công tác của Bờ Biển Ngà do ông Bolamo Koffi Georges, Chánh Văn phòng Tổng thống dẫn đầu đang có chuyến khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển giáo dục tại Việt Nam. Đây là hoạt động nằm trong chương trình trao đổi tri thức do Ngân hàng Thế giới (WB) triển khai.

Vui mừng được đón tiếp đoàn công tác của Bờ Biển Ngà đến thăm, khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, đây là cơ hội để Việt Nam được chia sẻ những gì đã làm được, những kinh nghiệm trong quá trình đổi mới; đồng thời Việt Nam cũng sẽ nhận được những kinh nghiệm từ thực tế đổi mới, cải cách giáo dục của Bờ Biển Ngà.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tiếp đoàn Bờ Biển Ngà khảo sát, học tập kinh nghiệm phát triển giáo dục tại Việt Nam

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ phát biểu tại buổi tiếp

Giới thiệu về giáo dục Việt Nam, Bộ trưởng nhấn mạnh, Việt Nam là một dân tộc trọng học, tại Việt Nam giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển; sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân nên mỗi gia đình Việt Nam cũng dành sự ưu tiên và đầu tư lớn cho giáo dục. Nhờ sự quan tâm đó mà dù nền kinh tế ở mức trung bình nhưng giáo dục Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu được thế giới ghi nhận.

“Giáo dục Việt Nam trải qua nhiều giai đoạn đổi mới và hiện nay đang trong công cuộc đổi mới căn bản và toàn diện, hướng tới mục tiêu phát triển phẩm chất năng lực người học. Quá trình đó luôn có những khó khăn, mâu thuẫn cần giải quyết, đòi hỏi những người làm giáo dục phải kiên định, kiên trì đổi mới, có niềm tin về đổi mới” - Bộ trưởng cho biết.

Gợi ý một số vấn đề “mấu chốt” trong quá trình đổi mới giáo dục, Bộ trưởng cho rằng, trước hết cần có tầm nhìn dài hạn, hoạch định chiến lược 10 năm hoặc dài hơn nữa, trong tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, giáo dục phải đi trước một bước để chuẩn bị về đội ngũ, nhân lực, đón bắt xu hướng phát triển.

Bộ trưởng cũng đề cập đến chất lượng giáo dục, trong đó gắn dạy chữ với dạy người, giáo dục toàn diện “đức, trí, thể, mỹ”, chuyển đổi từ một nền giáo dục dạy cho học sinh biết gì sang làm được gì, giáo dục cho học sinh về tình yêu quê hương đất nước, gìn giữ văn hóa dân tộc; phát triển kỹ năng, phẩm chất, năng lực.

Theo Bộ trưởng, đổi mới giáo dục không thể tách rời các yếu tố đảm bảo chất lượng là đội ngũ giáo viên và cơ sở vật chất trường lớp. Thành bại của giáo dục từ đội ngũ giáo viên nên đội ngũ này cần được chuẩn hóa, kết hợp với những thay đổi trong phương pháp giảng dạy, áp dụng công nghệ mở rộng hoạt động thực hành. “Kinh nghiệm cho thấy, những lần áp dụng đổi mới được chuẩn bị kỹ về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất lần đó sẽ thành công” - Bộ trưởng chia sẻ.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tặng quà lưu niệm cho đoàn công tác Bờ Biển Ngà đang có chuyến thăm và học tập kinh nghiệm phát triển giáo dục tại Việt Nam

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cũng nhắc tới vai trò của cộng đồng, gia đình và kinh nghiệm quốc tế trong quá trình đổi mới giáo dục. “Kinh nghiệm của các nước đi trước rất có ý nghĩa, có những kinh nghiệm thành công nhưng cũng có những kinh nghiệm thất bại, phải trả giá đắt, đó là bài học quý giá và là lợi thế của người đi sau mà mỗi quốc gia cần tận dụng”.

Từ kinh nghiệm thực tiễn quá trình đổi mới của Việt Nam, Bộ trưởng mong muốn Bờ Biển Ngà sẽ dành sự quan tâm cho việc dự báo nguồn nhân lực trong tương lai, cơ cấu ngành nghề để từ đó có những hoạch định chiến lược giáo dục phù hợp; đồng thời cần tập trung cho công tác truyền thông để tạo sự đồng thuận, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội với sự nghiệp giáo dục. “Khi người dân cùng niềm tin đổi mới, đổi mới chắc chắn sẽ thành công” - Bộ trưởng chỉ ra.

Chuyến khảo sát của đoàn công tác Bờ Biển Ngà tại Việt Nam kéo dài từ 25-31/3, tại đây, đoàn sẽ được tham gia trao đổi một số chuyên đề: Câu chuyện thành công của giáo dục Việt Nam; kinh nghiệm thành công của Việt Nam về chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA); nâng cao chất lượng giảng dạy và đội ngũ giảng viên; tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong quản trị giáo dục đại học; chính sách tài chính giáo dục.

Đoàn cũng sẽ khảo sát thực tế tại Hà Nội và Ninh Bình để tìm hiểu vai trò và trách nhiệm của Sở Giáo dục và Đào tạo; phân cấp trong quản lý giáo dục; đảm bảo tính công bằng trong giáo dục; tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong trường học; phương pháp giảng dạy và đội ngũ giáo viên; môi trường học tập.

Chuyến khảo sát của Bờ Biển Ngà tại Việt Nam lần này nằm trong chương trình trao đổi tri thức do WB triển khai trên toàn cầu. Được biết, những kinh nghiệm được Bờ Biển Ngà tích lũy tại Việt Nam sẽ được trình bày tại Diễn đàn trao đổi tri thức toàn cầu được tổ chức tại Washington, Mỹ vào tháng 4 năm 2019. Đây là cơ hội để khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong quá trình trao đổi tri thức toàn cầu.

Theo Trung tâm Truyền thông Giáo dục