Phát triển chỉ số giáo dục không chỉ tập trung “lấp trũng” còn phải “vun cao”

Phát triển chỉ số giáo dục không chỉ tập trung “lấp trũng” còn phải “vun cao”
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ làm việc với Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt NamGD&TĐ - Chiều 14/2, tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có buổi làm việc với ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam nhằm trao đổi một số nội dung hai bên cùng quan tâm triển khai trong năm 2019 và những năm tiếp theo.Tại đây, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đã chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về Dự án nguồn vốn con người mà Ngân hàng thế giới đang triển khai - đây là dự án xem xét mối quan hệ giữa con người và lực lượng lao động nhằm thúc đẩy đầu tư nhiều hơn và hiệu quả hơn vào nguồn vốn con người trên toàn cầu.Một trong những mục tiêu chính của dự án là nhằm thúc đẩy chỉ số về vốn con người. Đây là chỉ số được Ngân hàng thế giới đưa ra và công bố lần đầu vào năm 2018. Chỉ số này là tập hợp của các thông số nêu lên khả năng tích lũy trong cả cuộc đời của một người, bao gồm tri thức, kỹ năng và tình trạng sức khỏe, những thứ cơ bản để họ có thể được coi là một thành viên có đóng góp trong xã hội.
Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione đã chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về Dự án nguồn vốn con người và chương trình trao đổi tri thứcTrong báo cáo năm 2018, Việt Nam đứng thứ 48/115 nước. Đánh giá trong khoảng thời gian 5 năm từ 2012 đến 2017, chỉ số này của Việt Nam đã tăng từ 0.64 lên 0.67, cao hơn mức trung bình của các nước trong mức thu nhập tương đương. Ngân hàng thế giới cũng chỉ ra rằng, nếu coi một người lao động có năng suất toàn diện 100% trong điều kiện phát triển lý tưởng thì Việt Nam đang đạt 67% (Singapore đứng đầu thế giới đạt 88%).Bên cạnh đó, dự án cũng hướng tới việc mở rộng các nghiên cứu trong giáo dục và y tế nhằm tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của việc đầu tư vào vốn nhân lực, tạo động lực cho hành động và đẩy mạnh nhu cầu đầu tư vào con người. Từ đó, thúc đẩy sự cam kết và tham gia của các quốc gia nhằm giải quyết các rào cản đối với sự phát triển vốn nhân lực.
Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho rằng, đầu tư cho giáo dục, cho con người là đầu tư tốt nhất cho tăng trưởngDự án nguồn vốn con người hiện có 46 quốc gia tham gia, với các điều kiện hiện tại, ông Ousmane Dione, Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam hoàn toàn có thể tham gia vào dự án này nhằm cải thiện chất lượng nguồn vốn con người. Trong đó, Bộ GD&ĐT là một mảnh ghép quan trọng về phát triển nguồn vốn con người tại Việt Nam và sẽ là đầu mối quan trọng để triển khai dự án.Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam Ousmane Dione cũng chia sẻ với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về chương trình trao đổi tri thức đang được Ngân hàng thế giới triển khai thực hiện và mong muốn sự tham gia tích cực từ phía Việt Nam nhằm trao đổi những kinh nghiệm giáo dục của Việt Nam với các trên thế giới, ngược lại các nước cũng được chia sẻ với Việt Nam kinh nghiệm phát triển giáo dục của họ.Cụ thể, hiện nay một số nước Châu Phi như Bờ Biển Ngà đang thông qua Ngân hàng thế giới kết nối đến Việt Nam học tập kinh nghiệm trên 3 lĩnh vực: Giáo dục Tiểu học; chuỗi giá trị nông nghiệp và Chính phủ điện tử. Ông Ousmane Dione mong muốn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ sẽ ủng hộ chương trình trao đổi tri thức này và tạo điều kiện để nhóm chuyên gia của Bờ Biển Ngà được đến Việt Nam nắm bắt kinh nghiệm về giáo dục Tiểu học trong tháng 3/2019.Ông Ousmane Dione cho biết thêm, những kinh nghiệm được Bờ Biển Ngà tích lũy tại Việt Nam sẽ được trình bày tại Diễn đàn trao đổi tri thức toàn cầu được tổ chức tại Washington, Mỹ vào tháng 4 năm 2019. Đây là cơ hội để khẳng định vai trò tích cực của Việt Nam trong quá trình trao đổi tri thức toàn cầu.Ấn tượng và quan tâm tới các nội dung Giám đốc Ngân hàng thế giới tại Việt Nam trao đổi, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết, cá nhân ông rất ủng hộ và quan tâm tới Dự án nguồn vốn con người, bởi đầu tư cho giáo dục, cho con người là đầu tư tốt nhất cho tăng trưởng. Dự án này sẽ thuyết minh để các Bộ, ngành, cũng như Chính phủ Việt Nam dành sự đầu tư nhiều hơn nữa cho nguồn lực con người.Về con số năng suất toàn diện của người lao động Việt Nam là 67% (bao gồm thành tố về giáo dục và sức khỏe) như Ngân hàng thế giới đưa ra, Bộ trưởng cho rằng, cần phải tách bạch rõ hơn những chỉ số thành phần để giáo dục biết mình thiếu gì, cần đầu tư thêm gì để phát triển chỉ số này.Bộ trưởng cũng chỉ ra rằng, để phát triển chỉ số giáo dục trong tổng chỉ số nguồn vốn con người không chỉ tập trung vào giáo dục “lấp trũng” ở các vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số như Ngân hàng thế giới khuyến cáo mà còn phải “vun cao” ở các vùng phát triển, có như vậy các chỉ số mới phát triển bền vững.Hiện nay, Bộ GD&ĐT đang triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu toàn ngành gắn với chỉ số phát triển con người, Bộ trưởng đề nghị Ngân hàng thế giới sẽ hỗ trợ để Bộ GD&ĐT hoàn thành cơ sở dữ liệu này. Đồng thời, hỗ trợ để Việt Nam có điều kiện đầu tư tốt hơn nữa cho giáo dục khuyết tật.Về Chương trình trao đổi tri thức và đề xuất của Bờ Biển Ngà đến Việt Nam trao đổi kinh nghiệm giáo dục Tiểu học, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ bày tỏ sự ủng hộ và đề nghị phía Ngân hàng thế giới cung cấp đầy đủ thông tin cũng như những vấn đề Bờ Biển Ngà quan tâm đối với giáo dục Tiểu học của Việt Nam để hai bên cùng thống nhất và chuẩn bị.Tại buổi làm việc, Bộ trưởng cũng đã giao đầu mối của Bộ GD&ĐT phối hợp với Ngân hàng thế giới triển khai Dự án nguồn vốn con người tại Việt Nam.Theo Bộ GD&ĐT