Nhẹ nhàng Chợ nổi trên phá Tam Giang

Phá Tam Giang mênh mông sóng nước, tại khu vực ven xóm chài Ngư Mỹ Thạnh, xã Quảng Lợi, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế.


Nhẹ nhàng Chợ nổi trên phá Tam Giang

Khi đất trời còn “ngái ngủ” đã có những chiếc thuyền nhỏ bé của ngư dân và thương lái theo ánh đèn từ tám hướng tụ tập về đây để mua, bán cá tôm. Thoáng chốc, hàng trăm chiếc thuyền đã xích lại gần nhau, những ánh đèn chụm lại tạo thành điểm sáng lớn lấp lánh trên mặt những đợt sóng gợn lăn tăn, êm đềm và hoang sơ.

Gọi là chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh, nhưng không đông đúc và đa dạng như những chợ nổi miền Tây Nam bộ. Người bán hàng ở chợ nổi này là những ngư dân hành nghề chài lưới trên phá Tam Giang. Họ giong thuyền rẽ sóng, tiến ra phía giữa mặt phá để đánh bắt từ đầu giờ tối, đến khoảng 3 giờ sáng ngày hôm sau chạy thuyền về chợ để bán những mớ cá, tôm tươi rói. Ngoài dân trong vùng, khách mua ở đây còn là tiểu thương buôn thủy sản. Những ai đến chợ cũng biết mặt nhau, biết cả tên họ, quê quán, tuổi tác của nhau nên họp chợ mà đầy ắp tiếng cười.

Thương lái nhanh tay thu mua tôm cá để kịp phiên chợ sáng ở các chợ huyện và chợ lớn ở TP Huế. Dân chài tranh thủ bán nhanh những sản phẩm tôm, cá vừa đánh bắt được để thu xếp ngư lưới cụ trở về nhà. Có tiền bán cá, í ới gọi những chiếc thuyền tạp hóa gần đó để mua gạo, dầu ăn, nước mắm, bột ngọt… phục vụ cho sinh hoạt các thành viên trong gia đình. Cuộc sống của họ quay vòng đơn giản bình dị như vậy từ ngày này sang ngày khác trên sóng nước.

Nhẹ nhàng Chợ nổi trên phá Tam Giang

Phá Tam Giang êm đềm, đẹp như bức tranh thủy mặc khi chợ nổi vừa tan.

Ngư dân cùng nhau trồng rừng ngập mặn trên phá Tam Giang để tạo môi trường sinh sản tự nhiên cho các loài cá tôm.

Ngư dân đánh bắt cá tôm lúc rạng sáng trên phá Tam Giang.

Cảnh mua bán cá tôm ở chợ nổi Ngư Mỹ Thạnh.

Tư thương phân loại cá tôm trước khi đưa đi phân phối tại các chợ ở TP Huế.

Ngư dân thu ngư cụ chuẩn bị cho chuyến đánh bắt ngày hôm sau.

Những con chữ giữa mặt phá.