Nhưng dù mụn ở vị trí nào, bạn cũng cần có cách xử lý đúng đắn để chúng không gây phiền, khó chịu cũng như mất thẩm mỹ. Vậy đâu là vùng da cơ thể dễ nổi mụn nhất? Cùng điểm qua và tìm cách cải thiện nhé.
Mụn ở vòng 3
Khoa học đã chứng minh những nốt đỏ phía sau vùng mông thường xuất hiện do chứng viêm nang lông, không phải là mụn thật. Con gái chúng mình khi gặp vấn đề này thường không biết cách xử lý ra sao và mặc kệ chúng vì cũng chẳng ai nhìn thấy. Điều này vô tình khiến cho mụn có cơ hội tung hoành và ngày càng phát triển. Bạn càng ngồi nhiều, mặc quần áo bó sát, bí mồ hôi các nang lông càng dễ viêm. Thậm chí những nốt mụn sưng tấy, đỏ rát và đau khiến bạn cảm thấy vô cùng bất tiện.
Để phòng tránh, cải thiện tình trạng này và tự tin diện những bộ bikini nóng bỏng, bạn cần vệ sinh sạch sẽ vùng da nhạy cảm này, đặc biệt là sau khi vận động. Bạn cũng nên sử dụng các loại nước làm sạch da có chứa Benzoyl Peroxide để giúp giảm mức độ vi khuẩn trên da. Ngoài ra bạn cần chọn lựa loại quần cotton hoặc mặc váy, đồ thoáng mát cũng như hạn chế mặc quần bò, bí mồ hôi.
Mun ở khe ngực
Khi dầu và bụi bẩn bị mắc kẹt trong những nếp gấp giữa các vùng da, chúng có thể xâm nhập vào da, dẫn đến mụn. Và chỉ các phái nữ mới hiểu, nếu một buổi sáng thức dậy, mặc lên người một chiếc váy trễ cổ thì một chú mụn xấu xí, đỏ tấy nằm “hiên ngang” giữa làn da trắng mịn. Hôm đó thực là một ngày tồi tệ! Mụn ở ngực thường không nhiều, đôi khi chỉ mọc một cái hoặc nhiều mụn rất nhỏ li ti nhưng rất ngứa, đau và khó chịu.
Vì vậy, bạn cần giữ cho vùng da này luôn khô thoáng, tránh mồ hôi. Khi phải tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, đừng quên che chắn vùng da ngực cần thận hoặc thoa một lớp mỏng kem chống nắng.
Đường chân tóc
Mụn ở đường chân tóc trên da đầu sẽ thường xuất hiện vào những ngày hè nắng nóng. Đây là loại mụn lành tính nhưng nếu để lâu sẽ trở thành mụn sưng viêm khó điều trị. Cũng như những vùng da khác, nguyên nhân chính gây mụn là lỗ chân lông bị tắc nghẽn và đối với da đầu là chân tóc. Khi chân tóc bị bám bụi bẩn nhiều ngày, kết hợp với mồ hôi thì dĩ nhiên sẽ sinh ra mụn mủ. Mụn mọc trên đầu không gây nguy hiểm, nhưng lại khiến chất lượng cuộc sống của người mắc phải sụt giảm đáng kể. Và nếu để lâu không được điều trị thì những đốm mụn sẽ có xu hướng lây lan rộng và viêm nhiễm có thể gây rụng tóc, nhiễm trùng da. Do đó, cần có biện pháp điều trị cho tình trạng này càng sớm càng tốt.
Đừng lo lắng, vì bạn hoàn toàn có thể cải thiện tình trạng này tại nhà, bằng cách áp dụng các phương pháp gội đầu đúng cách, sử dụng dầu gội phù hợp và ăn uống lành mạnh. Với dầu gội, bạn nên đặc biệt chọn các loại có chứa Axit Salicylic để giảm bớt dầu thừa vào những ngày hè này.
Vùng da lưng
Ngoài mặt, lưng là vùng rất dễ bị mọc mụn. Đặc biệt là lỗ chân lông ở lưng thường to hơn ở mặt nên càng dễ bị bít và mụn mọc nhiều hơn. Theo chuyên gia, nếu không có cách trị mụn lưng đúng đắn, có thể gây viêm nang lông. Vùng lưng liên tục phải cọ xát với lớp vải áo, lại ít được chăm sóc hơn vùng da mặt nên dễ bị nhiễm trùng lan rộng, gây viêm nhiễm kéo dài.
Những nốt mụn tưởng chừng rất đơn giản nhưng lại bị căng đỏ, mưng mủ đau nhức khó chịu, nhất là khi ngủ, bạn phải đặt trọng lượng cơ thể lên lưng trong tư thế nằm ngay ngắn. Chưa hết, tình trạng viêm kéo dài có thể làm mất vẻ thẩm mỹ toàn bộ vùng lưng, vai của bạn vĩnh viễn. Bạn sẽ không thể tự tin diện áo hở lưng, áo hai dây buông lỏng hay những bộ cánh khoe trọn bờ vai, xương quai xanh gợi cảm.
Dù là vùng da nào, bạn cũng đừng quên vệ sinh sạch sẽ và thường xuyên, giữ khô thoáng, tránh mồ hôi và lớp dầu nhờn lại “bịt kín” lỗ chân lông lâu ngày. Vì vi khuẩn, bụi bẩn là tác nhân lớn nhất gây ra tình trạng mụn.