Tâm sự nghề môi giới nhà đất: Đừng gọi tôi là cò! (P.2)

Tâm sự nghề môi giới nhà đất: Đừng gọi tôi là cò! (P.2)

Tâm sự nghề môi giới nhà đất: Đừng gọi tôi là cò! (P.2)

Phía sau “hào quang”

Môi giới BĐS được ví như nghề “làm dâu trăm họ”, trải qua nhiều cung bậc cảm xúc: Sáng vui, trưa cười, tối lại khóc là chuyện rất bình thường với những trường hợp dở khóc, dở cười...

Chị K. là môi giới BĐS ở Nha Trang tâm sự khi nhớ lại ngày đầu tiên bước vào nghề: “Lúc đó mình mới có hai mấy tuổi, còn trẻ nên chưa có nhiều mối quan hệ để mua bán nhà đất. Suốt mấy tháng trời thử việc, mình cứ ngồi trong văn phòng, gọi hết số điện thoại này đến số điện thoại khác, hy vọng tìm được khách hàng tiềm năng.

Và rồi mình gặp những cuộc gọi làm mình đỏ cả mặt, lúc cúp máy thì nước mắt đã rưng rưng. Vì nếu hên thì bạn sẽ gặp khách lịch sự từ chối nhẹ nhàng, tệ hơn là cúp máy ngang, nhưng có trường hợp sẽ la xối xả, có khi lôi cả ba mẹ ông bà ra nói…”.

Một câu chuyện khác chia sẻ từ chị Q., người có 2 năm kinh nghiệm làm môi giới BĐS và hiện đang thử sức với ngành thiết kế: “Tan làm về đến nhà, thay vì nghỉ ngơi, chỉ cần khách hàng gọi thì mình cũng bật dậy tư vấn cả buổi tối. Mình sợ nếu để qua hôm sau, khách sẽ tìm môi giới khác. Mình còn nhớ rõ cảm giác đứng ngồi không yên khi đến thời điểm gần chốt ký hợp đồng... Chắc chắn ai đang và đã làm nghề môi giới đều trải qua cái cảm giác lo lắng, hồi hộp trước khi giao dịch”.

“Rồi có những lúc môi giới trên Đà Lạt ngay mùa mưa dai dẳng, khách hàng thì lại từ Sài Gòn lên, nên mình vẫn phải cố gắng đưa khách đi. Hy vọng sự nhiệt tình của mình sẽ khiến khách thích, an tâm mà ký hợp đồng. Hai ngày ròng rã đi khắp thành phố, lọc hết các danh sách sản phẩm để đưa khách đi xem… Nhưng rồi khách ‘biệt tích’, không nhắn lại lời nào hoặc thậm chí quát nạt khi mình gọi điện thoại hỏi thăm”.


“Nghề nào cũng là nghề, xin đừng gọi chúng tôi là cò”

Nghề nào cũng luôn có những khó khăn, vất vả. Hơn hết, ngành nghề nào chân chính, kiếm tiền từ mồ hôi công sức của bản thân rất cần được tôn trọng. Thế nhưng, không phải ai cũng hiểu điều này và xã hội vẫn mặc định những người làm nghề môi giới là “cò”. Đối với nhân viên môi giới BĐS, họ được gọi bằng “cò nhà đất”, “cò đất” hoặc “cò BĐS”…

Theo tâm sự của một chuyên gia môi giới BĐS đã hơn 20 năm trong nghề, anh cũng không hiểu vì sao môi giới lại bị gọi là “cò”.

“Cò” là cách gọi những người làm công việc không chính đáng, sử dụng mánh khóe, thủ thuật để trục lợi, bất chấp thủ đoạn hay tệ hơn là lừa đảo… “Còn chúng tôi, hàng ngày đến văn phòng làm việc đàng hoàng, tư vấn tận tình cho khách có thể lựa chọn sản phẩm nhà đất ưng ý nhất và sống với niềm đam mê nghề nghiệp của mình… Vậy, tại sao lại gọi chúng tôi là ‘cò’?”, anh nói.

Một số khách hàng mới lần đầu mua nhà đất, không hiểu về giấy tờ pháp lý, quy trình giao dịch, như: Đặt cọc thế nào? Giá bao nhiêu là phù hợp? Cách thức giao tiền, giao nhà, nhận giấy tờ, làm thủ tục sang tên đăng bộ ra sao?... Chính lúc này, người môi giới sẽ tư vấn cho khách hàng từng bước giao dịch.

Một số khách hàng cùng chủ nhà không thể thương lượng được giá, hay cách giao nhận tiền, vì chủ nhà muốn bán giá theo ý mình đưa ra, giao đủ tiền thì mới công chứng sang tên. Ngược lại, người mua lại muốn trả giá thấp hơn, hay không muốn thanh toán một lần mà chờ chủ nhà sang tên đầy đủ mới trả tiền… Những tình huống này nếu không có môi giới chuyên nghiệp thì sẽ không bao giờ giao dịch thành công.


Sự thành bại trong giao dịch mua bán BĐS phụ thuộc nhiều vào người môi giới. Môi giới chân chính chỉ nhận được mức phí cố định, hoặc một số tiền mà giữa người bán và môi giới thỏa thuận trước. Số tiền đó không phải là tiền kê hay là tiền “độn” giá, mà là tiền người bán trả cho công sức mà môi giới đã bỏ ra để tư vấn khách, sắp xếp thỏa thuận cho các bên cũng như phí đi lại, dẫn khách xem nhà.

– Bạn không thích căn nhà này hoặc vị trí của nó: Môi giới sẽ tìm cho bạn căn nhà khác phù hợp hơn.

– Bạn có ngân sách mua nhà hạn chế: Môi giới sẽ tìm cho bạn căn nào vừa rẻ vừa đẹp, giúp bạn làm thủ tục vay ngân hàng.

– Bạn bận các ngày trong tuần: Môi giới sẵn sàng hy sinh ngày nghỉ bên gia đình để dẫn bạn đi xem nhà vào thứ 7, chủ nhật.

– Bạn không hiểu rõ pháp lý: Môi giới sẽ dành cả buổi tư vấn để đảm bảo bạn nắm rõ mọi thủ tục pháp lý từ A đến Z.

– Bạn chọn nhà rẻ nhưng lại nằm trong khu vực không an toàn: Môi giới có thể bán cho bạn, nhưng họ cũng có trách nhiệm cung cấp cho bạn sự thật đó và đưa ra lời khuyên tốt nhất.

Như vậy, là người lao động chân chính, môi giới BĐS đã hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Thực tế, họ không trộm cắp hay lừa đảo hòng trục lợi trên mồ hôi nước mắt của khách hàng. “Thậm chí, ở cương vị của người cung cấp dịch vụ, tôi đã mang đến khách hàng của tôi sự lựa chọn tốt nhất. Vì thế, xin đừng gọi chúng tôi là ‘cò’ nữa!”.


MuaBanNhaDat theo TBKD