Những người đàn ông chủ động chụp hình selfie, quấn khăn theo kiểu Ả Rập cho SaRu rồi đòi tiền.
Cô gái Việt ức phát khóc vì bị vòi tiền ở Thung lũng các vị vua Ai CậpSaRu (tên thật là Nguyễn Lan Uyên, từ TP HCM) đặt chân đến Ai Cập hồi tháng 4 và thành phố Aswan là điểm đến ngay sau Cairo và Sahara. Bên cạnh những ấn tượng về văn hóa, lịch sử, cô cũng không ít lần gặp tình huống bực mình vì nạn chèo kéo, vòi tiền:
Thung lũng các vị vua là chốn yên nghỉ của các vị pharaoh dưới thời Vua Mới – một triều đại cực thịnh từng trị vì Ai Cập suốt thời kỳ dài. Đây cũng là nơi tôi liên tục bị vòi tiền trong lúc tham quan.
SaRu check-in ở Thung lũng các vị vua.
Khi vào một hầm mộ, tôi thấy bảng chỉ dẫn bên ngoài là cấm chụp hình. Nhưng vào bên trong rất nhiều du khách cầm máy chụp, ngay bên cạnh là một người đàn ông đứng gác mà không hề nhắc nhở. Khách chụp hình xong vẫn đi lại bình thường.
Thấy vậy tôi cũng lấy máy ra, cẩn thận trước khi chụp còn quay lại nhìn người đứng gác, nhưng ông vẫn chỉ nhìn tôi và cười. Sau đó, tôi đi vào sâu bên trong, bất ngờ người này đuổi theo và bảo tôi mở điện thoại cho xem. Ông giật điện thoại từ tay tôi và bảo “400 EGP” (520.000 đồng).
Lúc này, tôi nói sẽ xóa hình vì mới chụp một tấm, nhưng ông vẫn liên tục đòi tiền và dọa dẫn tôi lên cảnh sát, rồi cầm điện thoại của tôi bỏ đi. Khi thấy tôi quyết cùng đi lên cảnh sát chứ không đưa tiền, ông liền quay ngoắt lại trả tôi điện thoại và bảo xóa hình đi.
Đi vào một lăng mộ khác, tôi thấy vài bô lão ngồi trước cửa. Một người đàn ông vịn tôi lại, gỡ chiếc khăn choàng trên cổ tôi ra để quấn lại trên đầu theo kiểu Ả Rập. Trong khi tôi thích thú rối rít cám ơn thì ông đòi 50 EGP (65.000 đồng) tiền tip. Tôi chưng hửng, cảm thấy hơi bực vì kiểu vòi tiền như vậy nên tháo khăn ra bỏ đi trong tiếng la sau lưng.
Tại làng nghề làm đá, tạc tượng, chúng tôi bị hét giá ‘trên trời’ với những món đồ được bán tại đây.
Khi khách tham quan xong một số lăng mộ trong Thung lũng các vị vua, sẽ có chiếc xe tàu kéo chở du khách ra ngoài. Người lái xe vẫy tôi lại và yêu cầu ngồi chung với anh ta ngay khoang lái với một nụ cười rất tươi. Anh hỏi chuyện tôi rất nhiều, còn bảo tôi cầm vô lăng lái xe, rồi lấy điện thoại ra selfie cùng.
Nhưng sau đó, anh ra hiệu cho tôi phải bỏ tiền tip vào một cái lỗ nhỏ trên đầu xe. Đến lúc này tôi cảm thấy bực vì cảm giác mình đang bị lừa, lợi dụng. Tôi nhét vào lỗ 20 EGP (gần 30.000 đồng) rồi nhảy xuống xe, nhưng anh ta vẫn kéo lại và bảo bỏ thêm 50 EGP nữa.
Lúc này, tôi hết chịu nổi, tôi bỏ đi một mạch ra xe. Ba lần bị vòi tiền trong một thời gian ngắn cũng chỉ vì tin họ thực sự tử tế với mình, tôi tức đến nỗi nước mắt suýt rơi ra. Cái nắng nóng vẫn hầm hập trên đầu như đốt thêm trong lòng tôi những đốm lửa.
Sông Nile dường như biết tôi đang giận dữ, từng đợt sóng to dồn dập cuộn trào, những xoáy nước ngầm hung tợn như cuốn phăng chiếc thuyền felucca mà tôi đang ngồi trên. Con thuyền rẽ sóng đưa tôi đến đảo Elephantine – nơi cộng đồng người dân tộc thiểu số Nubian đang sinh sống bên bờ sông Nile.
Từ xa, tôi thấy một chú bé nằm dài trên miếng mút trắng lênh đênh trên mặt nước. Tôi còn chưa kịp hiểu ra chuyện gì thì chú bé vội vàng dùng tay chèo mạnh, lao nhanh về phía chiếc thuyền tôi đang băng băng lướt đến. Tôi hoảng hồn la lớn nhưng dường như nó đang cố tình đâm vào thuyền tôi. Nhìn vẻ mặt đau thương của chú bé, lúc này, tôi nhận ra rằng nó đang xin tiền.
Tôi nghĩ ngợi một hồi, thấy tội, tính móc tiền ra cho, nhưng đã bỏ ý định đó. Hành động của chú bé quá nguy hiểm, có thể ảnh hưởng đến cả tính mạng. Nếu tôi cho, nó vẫn sẽ tiếp tục làm điều đó như một “nghề” kiếm sống. Rồi tương lai nó sẽ lại trở thành những con người mà tôi đã gặp tại Thung lũng các vị vua. Nghĩ vậy, tôi quyết định nói “không”.
Màu sắc sặc sỡ ở làng Nubian.
Làng Nubian hiện ra như một bức tranh đầy sắc màu giữa những ngày Ai Cập đầy gió và cát. Họ có màu da đen sẫm, với văn hóa, ngành nghề và ngôn ngữ riêng. Tôi ghé vào một ngôi nhà đặc trưng của người Nubian, thấy họ nuôi cá sấu như một loại “thú cưng”. Chúng bị buộc mõm và cho ăn trong một cái lồng ngay giữa nhà. Họ coi cá sấu sông Nile như người bảo vệ cho ngôi nhà mình, là con vật nuôi thân thiết gắn bó. Khi đến một lứa tuổi và độ lớn nhất định, cá sấu được thả lại sông Nile và người ta lại tìm cá thể sấu khác về nuôi.
Bốn ngày ở Aswan trôi qua chậm rãi, tôi đến rất nhiều đền đài mang giá trị lịch sử vĩ đại của Ai Cập. Nhưng điều làm tôi ấn tượng hơn hết là người dân ở đây.
Từ tháng 4, chính phủ Ai Cập đã thông qua chính sách phạt đến 10.000 EGP (gần 13 triệu đồng) cho bất cứ ai bị phát hiện kỳ kèo làm phiền du khách. Tình trạng này đáng báo động khi hầu như tất cả du khách đều phàn nàn về vấn nạn trên. Trong khi đó, Ai Cập gần như chỉ trông chờ vào nguồn thu từ các nhà đầu tư nước ngoài, và du lịch.
Theo SaRu/Vnexpress