Nghề môi giới nhà đất: góc khuất sau ánh hào quang

Thị trường bất động sản hồi phục, thậm chí là nóng sốt kéo theo hàng nghìn người trẻ khởi nghiệp bằng nghề môi giới nhà đất. Thế nhưng, đằng sau bề ngoài lịch thiệp và khoản thu nhập cao được nhiều người đồn đoán là những khó khăn không phải ai cũng biết đến.
Nghề môi giới nhà đất: góc khuất sau ánh hào quang
Nghề môi giới nhà đất: góc khuất sau ánh hào quang


Vì sao nhiều người lại đến với nghề môi giới nhà đất?

Lương cơ bản của một nhân viên môi giới chỉ từ 4 - 7 triệu đồng tùy theo công ty. Thu nhập chủ yếu đến từ lương theo doanh số, tiền thưởng và hoa hồng. Mức hoa hồng hiện được các công ty bất động sản áp dụng vào khoảng từ 1% - 1,5% giá trị bán ra và sẽ chốt sau khi kết thúc dự án. Với một căn biệt thự 10 tỷ thì môi giới sẽ nhận 100 - 150 triệu, đây là mức thu nhập vô cùng hấp dẫn mà không phải nghề nào cũng có thể có được.

Chính mức thu nhập này đã thu hút không ít người khởi nghiệp bằng nghề môi giới nhà đất. Thế nhưng, thu nhập trên chỉ có khi môi giới bán được hàng mà để bán được hàng thì không phải chỉ cần rao lên là được. Vậy, chuyện gì sẽ xảy ra nếu trải qua một thời gian mà môi giới vẫn không bán được sản phẩm nào?

Nhẹ thì môi giới mất trắng chi phí và công sức bỏ ra trong tháng đó, nặng hơn thì nảy sinh tâm lý chán nản, căng thẳng khi thấy đồng nghiệp bán giỏi hơn mình. Đến một lúc không chịu nổi áp lực doanh số thì môi giới đành bỏ cuộc, bỏ nghề.

Áp lực từ việc phải bán được hàng

Lần theo chân một nữ môi giới trẻ tuổi tên Nhật vào con hẻm nhỏ giữa TPHCM, bước vào đến nhà đã hơn 10 giờ tối, Nhật vội lấy chai nước mời khách rồi ngồi phịch xuống ghế. “Vừa đi nhậu với khách hàng về đó anh, tiềm năng lớn nên phải chăm sóc kỹ kỹ tí”, Nhật cười nói.

Là môi giới nhà đất, ai cũng phải đi gặp gỡ khách hàng, khi thì cafe, khi thì ăn trưa, ăn tối hoặc đi nhậu sau giờ làm. Nhật cho biết: “Mấy môi giới nữ có ngoại hình bị khách hàng nhắn tin tán tỉnh, gạ gẫm hay gọi đến nhà riêng hoài. Khổ lắm, phải tự bảo vệ mình thôi chứ biết làm sao?” Công việc không tên này gần như bắt buộc trong nghề, nếu môi giới không làm thì khó mà có hợp đồng, khó đạt đủ doanh số mỗi tháng.

“Tụi em thường được khen quần là áo lụa, điện thoại lúc nào cũng đời mới, nước hoa thì thơm nồng... Mà mấy ai biết là mớ đồ đó cũng phải đi vay mượn ít nhiều mới có đâu?” Nhật thở dài, chia sẻ thêm từ 4 năm lăn lộn trong nghề của mình. Cô cho biết, thu nhập ban đầu của nhân viên môi giới không cao, thậm chí là thấp.

Nguồn thu nhập chủ yếu đến từ tiền hoa hồng bán hàng và thưởng doanh số. Mà để bán được hàng thì có vô số chi phí cần trả: quảng cáo, đăng tin, làm SEO, tờ rơi, tiếp thị qua điện thoại, tiền xăng xe di chuyển, tiền trang phục, tiền tiếp đãi khách... Có tháng, số tiền này lên tới hơn chục triệu đồng.

Đã vậy, mỗi công ty bất động sản thường có áp lực doanh số rất căng thẳng. Nếu không đủ chỉ tiêu thì mất việc là chuyện “xảy ra như cơm bữa”. Cạnh tranh trong ngành rất gay gắt, không chỉ giữa các dự án, công ty với nhau mà còn giữa đồng nghiệp cùng công ty. Lượng người mua có hạn, lượng môi giới thì tăng nhanh. Muốn bán được cho khách, nhiều môi giới đành chấp nhận bớt hoa hồng lại để đưa ra giá rẻ hơn.


Áp lực từ doanh số luôn làm các môi giới căng thẳng

Khách hàng cũng rất am hiểu về công việc của môi giới. Lợi dụng việc các môi giới hay bớt hoa hồng để dễ bán, họ thường hỏi 5-6 môi giới khác nhau và lấy giá môi giới này ép môi giới khác. Môi giới nào chịu bớt hoa hồng nhiều nhất thì họ mua. Khổ nỗi, hoa hồng thấp trừ đi chi phí cao thì môi giới còn lại gì sau mỗi giao dịch?

Cuộc chiến hoa hồng

Hoa hồng là nguồn sống của môi giới nhà đất, ai cũng biết điều đó. Vậy mà chuyện nhân viên công ty môi giới kiện chính công ty của mình để đòi tiền hoa hồng lại không phải chuyện lạ. Có những khoản hoa hồng vài trăm triệu đồng mãi hoài không về tay môi giới dù đó hoàn toàn từ công sức của họ mà ra. Có đủ thứ lý do một công ty đưa ra để chậm trả hoa hồng cho môi giới: hợp đồng có sai lệch, khách hàng chưa trả tiền, chủ đầu tư và sàn giao dịch có thỏa thuận khác...

Một luật sư chuyên hoạt động trong lĩnh vực bất động sản chia sẻ: “Kiện tụng là thế, thắng kiện xong cũng chưa vội mừng”. Việc thi hành án đối với những công ty môi giới không phải ngày một ngày hai là được. Không ít công ty chây ì, mãi chẳng chịu trả tiền hoặc thậm chí là hết tiền để trả. Đến lúc đấy, công sức của môi giới nhà đất xem như đổ sông đổ bể.


Cực chẳng đã môi giới nhà đất mới phải đi kiện đòi quyền lợi

Khách hàng cũng nhiều lần làm môi giới “khốn đốn”. Sang, một môi giới chuyên nhà phố ở Hà Nội, cho biết: “Em tìm được căn nhà vừa ý vị khách kia cũng phải cả tháng mới có. Vừa thương lượng giá, vừa lo giấy tờ cho khách, xong xuôi hết cả chỉ đợi nhận hoa hồng thì bị khách “lật kèo”. Lần đó hoa hồng chỉ là thỏa thuận miệng do em tin tưởng khách. Khách bảo em có làm gì vất vả đâu mà đòi hoa hồng cao nên đưa mỗi 4 triệu và bảo thế là đủ rồi.”

Câu chuyện của Sang không phải hiếm gặp. Nhiều khách hàng hiện nay không muốn trả hoa hồng cho môi giới nhà đất. Họ vẫn nghĩ nghề môi giới chẳng có gì cực nhọc: diện áo quần bảnh bao, nói dăm ba câu thuyết phục cách là được vài chục triệu bỏ túi. Thế nhưng, được mấy khách hàng hiểu được những cái giá mà môi giới phải trả trước đó?

Cuộc thi “Nhà môi giới tài năng” do MuaBanNhaDat.vn tổ chức diễn ra từ ngày 08/06/2018 đến ngày 03/08/2018. Cuộc thi gồm 3 vòng: trắc nghiệm kiến thức, ứng xử tình huống và trình bày dự án. Tổng giá trị giải thưởng lên đến 200 triệu. “Nhà môi giới tài năng” được đồng hành bởi Nhà phát triển Bất động sản TTC Land (tiền thân là Sacomreal), Ngân hàng UOB chi nhánh TPHCM, Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Tập đoàn Địa ốc Vạn Xuân.

Xem thông tin chi tiết tại: https://duan.muabannhadat.vn/moi-gioi-nha-dat-tai-nang

MuaBanNhaDat

Tags:Nghề môi giới bất động sản