FPT chi 30 triệu đô la Mỹ mua lại một công ty tư vấn công nghệ Mỹ

FPT vừa ký thoả thuận mua 90% cổ phần của Intellinet - công ty tư vấn công nghệ Mỹ vào ngày 12.6.2018. Lễ ký kết diễn ra song song tại Mỹ và Việt Nam.

FPT chi 30 triệu đô la Mỹ mua lại một công ty tư vấn công nghệ Mỹ

Lãnh đạo FPT tại buổi lễ ký kết phía Việt Nam (Ảnh: Minh Thư)

Ông Nguyễn Thế Phương - phó tổng giám đốc FPT cho biết công ty đã chi khoảng 30 triệu đô la Mỹ cho thương vụ này. Ông Phương cho rằng định giá của Intellinet có thể đạt từ 40 - 50 triệu đô la Mỹ, tương đương 90% cổ phần có giá trị từ 36 - 45 triệu đô la Mỹ. Số tiền còn thiếu, ông Phương cho biết FPT có thể bổ sung trong tương lai sau một thời gian vận hành và quan sát.

Intellinet là công ty tư vấn công nghệ thành lập từ năm 1993, có trụ sở tại Atlanta, Mỹ. Đây là một doanh nghiệp tư nhân với tổng số lao động khoảng 150 người. Doanh thu năm 2017 của Intellinet đạt 30 triệu đô la Mỹ, FPT cho biết trong thông cáo báo chí.

Intellinet có khoảng 200 khách hàng, trong đó gần 20 khách hàng thuộc nhóm 500 doanh nghiệp lớn nhất thế giới. FPT kỳ vọng sẽ tận dụng được nhóm khách hàng mới này từ Intellinet.

Trước đây, các hợp đồng tư vấn công nghệ của Intellinet do nhiều công ty công nghệ cung cấp sản phẩm, dịch vụ. Việc hợp tác giữa hai bên giúp FPT trở thành nhà cung cấp sản phẩm dịch vụ duy nhất cho các hợp đồng tư vấn công nghệ của Intellinet, ông Trương Gia Bình, chủ tịch hội đồng quản trị FPT giải thích hình thức hợp tác giữa FPT và Intellinet. “Với mỗi hợp đồng cung ứng sản phẩm dịch vụ công nghệ, việc cung ứng trọn gói giúp tiết kiệm giá thành và có lợi hơn cho khách hàng” - ông Bình nhận định.

Sự kết hợp này đã mang đến cho FPT và Intellinet hai khách hàng lớn đầu tiên tại Mỹ, ông Bình chia sẻ bên lề buổi ký kết.

Ông Trương Gia Bình - chủ tịch hội đồng quản trị FPT (Ảnh: Minh Thư)

FPT kỳ vọng việc hợp tác với Intellinet giúp công ty có được đội ngũ chuyên gia tư vấn giàu kinh nghiệm, lên đến hàng chục năm, với các lĩnh vực chuyên môn sâu như ngân hàng, tài chính, viễn thông… để cung cấp các giải pháp công nghệ trọn gói cho các doanh nghiệp lớn trên toàn cầu và ở Việt Nam.

“Chúng ta có 600 nghìn lập trình viên và rất nhiều công ty công nghệ. Gần một nửa trong số đó có thể phục vụ thị trường thế giới. Nếu ngày xưa chúng ta chấp nhận làm các dịch vụ giá trị thấp, thì hiện tại chúng ta hoàn toàn có thể làm dịch vụ đỉnh cao là chuyển đổi số cho cả thế giới” - ông Bình nhận định, và chia sẻ FPT đang tiếp tục tìm kiếm các doanh nghiệp tiềm năng khác trên thế giới để thâu tóm và sáp nhập.

Xuất khẩu phần mềm đang là động lực tăng trưởng chính của FPT, có mức tăng trưởng doanh thu bình quân khoảng 30% mỗi năm. 5 tháng đầu năm 2018, mảng hoạt động này mang lại cho FPT gần 2.900 tỉ đồng doanh thu, tăng 27% so với cùng kỳ và chiếm khoảng 34% tổng doanh thu công ty. FPT dự kiến tăng tỷ lệ đóng góp mảng xuất khẩu phần mềm lên mức 50% trong vài năm tới.

Về mặt tài chính, với việc hợp nhất kết quả kinh doanh của Intellinet vào kết quả kinh doanh của FPT, chỉ cần giữ nguyên doanh thu Intellinet, mỗi năm FPT có thể tăng trưởng doanh thu chuyển đổi số ít nhất 30 triệu đô la Mỹ.

Với việc thâu tóm này, “chúng tôi kỳ vọng doanh thu chuyển đổi số của FPT sẽ tăng gấp rưỡi trong vòng một năm tới” - ông Phương phát biểu. Năm 2017, doanh thu lĩnh vực này của FPT đạt 50 triệu đô la Mỹ.