Đất dọc kênh Nhiêu Lộc sẽ quy hoạch ra sao?
Hình thành 7 dự án nhỏ
Theo đồ án nghiên cứu, khu vực chỉnh trang khi thực hiện sẽ hình thành 7 dự án nhỏ, gồm: Khu chung cư trung tâm thương mại Lê Văn Sỹ, khu tái định cư tại khu vực Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn, khu vực nhà ga Hòa Hưng và các khu chỉnh trang đô thị ở phường 7, 9, 11, 14.
Theo đó, khu chung cư trung tâm thương mại Lê Văn Sỹ có diện tích 23.356 m2, khu chợ Nguyễn Văn Trỗi có diện tích hơn 4.000 m2. Quy mô dân số dự kiến có 6.868 người, gồm khoảng 200 căn hộ và 148 nhà riêng lẻ. Chức năng của dự án xây dựng mới kết hợp căn hộ tái định cư, khu chức năng căn hộ kinh doanh kết hợp thương mại dịch vụ, khu công viên cây xanh giao cho quận quản lý (diện tích tối thiểu là 2.600 m2).
Được biết, Ban Bồi thường giải phóng mặt bằng Quận 3 đã lập xong phương án bồi thường sơ bộ, số tiền dự kiến hơn 1.581 tỷ đồng. UBND TP.HCM chấp thuận thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu dân cư, thương mại tại khu vực chợ Nguyễn Văn Trỗi trên địa bàn theo hình thức đấu thầu nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất. Nếu được chọn, nhà đầu tư có trách nhiệm đầu tư hoàn chỉnh toàn bộ dự án xây dựng theo đúng quy định được duyệt (bao gồm cả hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh...).
Tại khu vực Xí nghiệp đầu máy Sài Gòn có diện tích 10 ha là đất sạch, sẽ cho triển khai đầu tiên, xây dựng các khu chung cư cao 30 tầng làm nhà ở xã hội để tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án. Ngoài ra, một phần đất sẽ được dùng làm viện bảo tàng của ngành đường sắt, xây dựng công viên văn hóa, văn phòng thương mại...
Tại khu nhà ga Hòa Hưng, nơi đây sẽ là khu vực nhà ga đường sắt, trạm metro, trạm xe buýt nhanh kết nối với trung tâm thành phố và sân bay Tân Sơn Nhất. Định hướng khu vực này sẽ cho xây dựng các tòa nhà cao khoảng 41 tầng làm trung tâm thương mại, không phát triển nhà ở.
Tại khu chỉnh trang đô thị các phường 7, 9, 11, 14 trải dài kênh Nhiêu Lộc sẽ hình thành các khu dân cư thấp tầng, giảm áp lực dân nhập cư và xây quỹ nhà tái định cư tại chỗ cho người dân bị ảnh hưởng. Định hướng là lấy ga Sài Gòn là đầu mối giao thông quan trọng của thành phố. Những công trình chức năng khác sẽ được bố trí dọc bờ kênh Nhiêu Lộc. Thêm vào đó, hạng mục cải tạo cảnh quan hai bên bờ kênh cũng nằm trong dự án, bổ sung các công viên tập trung, mở rộng và bảo tồn nét đặc trưng văn hóa - lịch sử từng khu vực.
Dành quỹ đất làm công viên
Ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP.HCM, cho rằng dù Quận 3 là một quận trung tâm, nhưng hiện không có công viên cây xanh. Do vậy, giai đoạn tiến hành chỉnh trang là cơ hội để xây các công viên công cộng. Ngoài ra, Quận 3 có một lợi thế lớn là con kênh Nhiêu Lộc đi dọc địa bàn quận, có thể tận dụng kênh rạch nội ô để thiết kế đô thị kết hợp du lịch. Việc chỉnh trang theo ông Nhã, không chỉ phục vụ cho Quận 3 mà còn phục vụ cho cả TP.HCM.
“Nên nén lại, tăng độ cao của công trình để thêm không gian xanh, không gian công cộng. Đồ án chạy dọc con kênh Nhiêu Lộc nên công trình kiến trúc phải hài hòa cảnh quan sông nước”, ông Nhã đưa ra ý kiến.
Ông Đỗ Thanh Tùng, Viện trưởng Viện Kiến trúc quốc gia (Bộ Xây dựng) tại TP.HCM, cho rằng rất nhiều khu đô thị đã được phát triển trên khu đất mới. Tuy nhiên, hiện nay đất chật hẹp trong khi khoảng 60% là nhà tạm bợ nên việc tái thiết rất tốt, cần thiết để dành một phần quỹ đất cho cây xanh, công cộng… Qua đó, ông nhận định TP.HCM đang chậm hơn Hà Nội về vấn đề chỉnh trang, thiết kế đô thị.
“Cách làm của Hà Nội là chỉnh trang nhưng không can thiệp sâu hay đập phá các tuyến phố mà chỉ là can thiệp về kiến trúc. Trong khi đó, đồ án của UBND Quận 3 và đơn vị tư vấn đưa ra gần như làm mới hoàn toàn. Do vậy, cần nghiên cứu thật kỹ vấn đề giải tỏa, di dời, tạm cư và tái định cư làm sao để người dân đồng thuận”, ông Tùng nói.
Vị này cũng chỉ ra thêm rằng đề án vẫn chưa có nội dung nhắc tới việc bảo vệ các công trình kiến trúc, di sản văn hóa có thể bị ảnh hưởng. Qua đó, ông chia sẻ quan điểm cần cho nhiều nhà thầu tham gia dự án để đảm bảo tính khách quan, không nên chỉ định thầu hay tập trung ưu tiên cho một nhà thầu.
MuaBanNhaDat theo TBKD