UBND thành phố Hà Nội vừa phê duyệt Kế hoạch quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị Khu di tích Cổ Loa, huyện Đông Anh giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn đến năm 2030 của Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
Mục tiêu của kế hoạch nhằm bảo tồn nguyên vẹn tình trạng hiện nay của các công trình, phục hồi một số đoạn tường thành. Phạm vi kế hoạch được xác định thuộc các khu vực liên quan đến Khu di tích thành Cổ Loa và phụ cận, trên địa bàn các xã: Cổ Loa, Dục Tú, Việt Hùng, Uy Nỗ của huyện Đông Anh với quy mô 860,4ha.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch giai đoạn 2018-2020 dự tính hơn 60 tỷ đồng, trong đó nguồn ngân sách thành phố là 60,41 tỷ đồng, nguồn thu phí, lệ phí là 300 triệu đồng.
UBND thành phố giao Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội là cơ quan đầu mối điều phối chung và giám sát việc triển khai các hoạt động của Kế hoạch đúng quy định hiện hành của Nhà nước và thành phố, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Đơn vị này phải xây dựng, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng, tu bổ, trùng tu, tôn tạo di tích; quản lý các dự án đầu tư xây dựng bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo Khu di tích; chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai công tác nghiên cứu, khai quật khảo cổ học, sưu tầm, trưng bày tư liệu có liên quan tới khu di tích.
Đồng thời, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phải phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức cắm mốc giới các khu vực bảo vệ di tích và quản lý mốc giới sau khi được cắm mốc; kiểm tra, giám sát, tham gia thẩm định các dự án, đề tài, công trình nghiên cứu khoa học, các dự án tu bổ di tích, dự án đầu tư kinh doanh - dịch vụ và phát triển kinh tế - xã hội tại Khu di tích theo thẩm quyền được phân cấp.
Sở Văn hóa và Thể thao thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các hoạt động quản lý, tôn tạo, tu bổ và phát huy giá trị di tích thuộc thẩm quyền được giao; phối hợp với Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban quản lý Khu Di tích Cổ Loa và UBND các cấp quản lý các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội, cảnh quan thiên nhiên trên địa bàn khu vực di tích.
Cổ Loa được Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia từ năm 1962, đến năm 2012, Cổ Loa mới được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, có giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật và khảo cổ. Sau hai năm được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, Thủ tướng đã phê duyệt quy hoạch tổng thể Khu di tích Cổ Loa thành Công viên Lịch sử - Sinh thái - Nhân văn với tỉ lệ 1/2000.Theo thống kê, trong khu vực Cổ Loa hiện có khoảng 60 di tích (trong đó có 7 di tích cấp quốc gia), bao gồm các loại hình: Di tích kiến trúc nghệ thuật, di tích lịch sử, cách mạng, di chỉ khảo cổ học.Theo Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa, Khu di tích đang bị xâm hại nghiêm trọng, người dân canh tác nông nghiệp cả trên tường thành, nuôi cá dưới hào, những hộ dân ở sát chân Thành cổ thậm chí đã được cấp “sổ đỏ” do sinh sống nhiều đời trên khu vực này. Một số đoạn trên mặt thành biến thành đường nhựa cho xe cơ giới qua lại… Vòng Thành Nội đã gần như mất đi toàn bộ hình dáng, chỉ còn sót lại một vài ụ đất rải rác. Nhiều đoạn hào trong Thành Nội cũng bị lấp để xây nhà và làm đường.
Theo HNM