Thaco tham gia tái cơ cấu Hoàng Anh Gia Lai

Nguồn tin riêng của Forbes Việt Nam cho biết, Thaco có thể sẽ mua thêm cổ phần HNG của Hoàng Anh Gia Lai Agrico để tăng tỷ lệ nắm giữ, đồng thời đưa người vào ban lãnh đạo HAGL Agrico.

Thaco tham gia tái cơ cấu Hoàng Anh Gia Lai

Vườn thanh long của Hoàng Anh Gia Lai (Ảnh: HAGL)

Đưa người của đối tác vào ban lãnh đạo công ty là việc chưa từng có tiền lệ tại HAGL cũng như HAGL Agrico.

Thaco là đối tác được lựa chọn mua trên 2.200 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của HAGL Agrico sau khi gần như toàn bộ lượng trái phiếu này không được cổ đông hiện hữu đăng ký mua. Theo quy chế phát hành, một năm sau, Thaco sẽ nắm 20% cổ phần của HAGL Agrico ngay sau khi trái phiếu được chuyển đổi, chưa tính lượng cổ phiếu mà Thaco dự kiến sẽ mua vào.

Thaco là doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp và phân phối ô tô. Nông nghiệp, ngành kinh doanh của HAGL Agrico là ngành hoàn toàn mới mẻ đối với Thaco. Tuy nhiên, nghị quyết đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 của Thaco đã thông qua việc bổ sung ngành nghề bán buôn máy móc, thiết bị, phụ tùng máy nông nghiệp vào điều lệ của công ty. Không ngoại trừ thông qua việc điều hành HAGL Agrico, Thaco sẽ cung cấp các máy móc thiết bị nông nghiệp cho HAGL Agrico.

Tính đến cuối năm 2017, Thaco có tổng tài sản trên 60.500 tỉ đồng, quy mô doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 49.700 tỉ đồng và 5.000 tỉ đồng trong năm 2017. Quy mô tài sản, doanh thu, lợi nhuận của Thaco đều vượt xa HAGL cũng như HAGL Agrico ngay cả giai đoạn phát triển mạnh mẽ nhất của hai công ty này.

Với quy mô hàng chục nghìn héc-ta cây ăn trái, theo báo cáo của HAGL Agrico, thì cơ giới hoá là lựa chọn khó tránh. Hiện diện tích các cây ăn trái của HAGL Agrico tuy hướng tới tiêu chuẩn Global GAP, sự hiện diện của các máy móc nông nghiệp là chưa đáng kể. Việc trồng từng gốc thanh long, chuối, hay chăm sóc chanh dây, hiện đều được người lao động thực hiện trực tiếp. Các thiết bị như đèn chiếu, ròng rọc thu hoạch chuối, hay công nghệ tưới nhỏ giọt… hiện đã qúa phổ biến ngay cả với các nông hộ, vì thế không còn là lợi thế đáng kể của HAGL Agrico.

HAGL, công ty mẹ của HAGL Agrico cũng vừa công bố kế hoạch phát hành 185 triệu cổ phiếu HAG với giá 7.200 đồng/cổ phiếu cho nhà đầu tư chiến lược, thu về 1.300 tỉ đồng. Kế hoạch này cần được đại hội đồng cổ đông của công ty thông qua bằng văn bản. Khả năng thông qua gần như chắc chắn khi mức giá phát hành dự kiến cao hơn 20% so với giá bình quân 25 phiên gần nhất của cổ phiếu HAG của Hoàng Anh Gia Lai. Toàn bộ số tiền thu được sẽ được HAGL dùng để thanh toán các khoản nợ vay đến hạn. Nhà đầu tư chiến lược sau khu mua cổ phiếu phát hành thêm sẽ nắm giữ gần 17% cổ phần HAGL.

Đối tác được lựa chọn làm cổ đông chiến lược của HAGL chưa được tiết lộ.

Tổng số 3.500 tỉ đồng thu về qua hai đợt phát hành, HAGL và HAGL Agrico sẽ dùng khoảng 2.400 tỉ đồng để thanh toán các khoản nợ đến hạn, còn lại để đầu tư vào lĩnh vực cây ăn trái. Tính đến cuối năm 2017, HAGL có khoản nợ vay phải trả trong một năm là 2.528 tỉ đồng.