Nhà sản xuất xe ô tô lớn nhất của Mỹ đang thực hiện chiến lược thoái lui trên toàn cầu và chuyển dần mô hình hoạt động từ "bigger is better" sang "more profitable".
Đại lý uỷ quyền Chevrolet của General Motors tại Phú Mỹ Hưng, TP.HCM - Ảnh: Minh Tâm
Tuần trước, General Motors (GM) công bố bán lại cho VinFast toàn bộ hoạt động hiện có ở Việt Nam, đánh dấu sự rút lui của nhà sản xuất xe ô tô hàng đầu nước Mỹ khỏi thị trường thứ tư liên tiếp (sau châu Âu, Ấn Độ và Nam Phi), chỉ tính riêng trong vỏn vẹn khoảng một năm trở lại đây.
GM tại Hàn Quốc vừa tránh khỏi kịch bản xấu nhất hồi tháng 4 sau 11 giờ đàm phán thành công, để nhận cứu trợ từ tập đoàn GM, Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc và Chính phủ nước này. Trước khi lâm vào tình cảnh này, GM Hàn Quốc đã chịu khoản lỗ ròng 1,1 tỉ đô la Mỹ trong năm ngoái. Vì vậy ngay từ đầu năm nay, công ty đã công bố kế hoạch bán và đóng cửa nhà máy tại thành phố Gunsan, do chỉ sử dụng khoảng 20% công suất thiết kế trong suốt ba năm qua.
Rộng hơn ở quy mô tập đoàn, GM và Tesla là hai nhà sản xuất xe ô tô lớn trên thế giới đang lỗ, theo báo cáo mới nhất của The Street Ratings. Trong khi Tesla, công ty khởi nghiệp trong ngành lỗ đã được hình dung từ trước. General Motors, dù trải qua nhiều sóng gió vẫn một công ty đã tồn tại hơn một thế kỷ. Thay vì hoạt động ổn định, nhà sản xuất xe lớn nhất của Mỹ đang chật vật tìm cách thoát lỗ. Theo báo cáo tài chính hợp nhất, tập đoàn bất ngờ lỗ gần 3,9 tỉ đô la Mỹ trong năm 2017, sau hai năm thiết lập lợi nhuận kỷ lục trước đó. Nguyên nhân của khoản lỗ trên, theo giải thích từ phía tập đoàn, đến từ tác động cải cách chính sách thuế ở Mỹ và chi phí của thương vụ bán lại được thực hiện trong năm 2017 với tập đoàn PSA của Pháp.
GM buộc phải trở nên tinh gọn, cắt bỏ bớt các thị trường hoạt động không hiệu quả để tạo lợi nhuận tốt hơn. Ngay từ năm 2017, BM đã bộc lộ những bước đi cho thấy sự chuyển đổi từ mô hình hoạt động quy mô càng lớn càng tốt (bigger is better) sang mô hình hiệu quả hơn về mặt tạo lợi nhuận (more profitable), tạp chí The Economist nhận xét trong một bài viết.
Bằng thoả thuận chuyển nhượng toàn bộ nhà máy và hệ thống phân phối Chevrolet tại Việt Nam, nhà sản xuất xe hơi Mỹ GM đưa ra quyết định rút khỏi thị trường, ngay cả khi năm 2017 công ty vừa thiết lập kỷ lục về doanh số bán xe kể từ khi có mặt tại Việt Nam.
Dù vậy, thị phần của "gã khồng lồ" xe hơi Mỹ ở Việt Nam chỉ vỏn vẹn 3,9% theo số liệu gần nhất tính đến tháng 5 năm nay, thấp nhất trong số các hãng xe nước ngoài khác tại Việt Nam như Toyota, Ford, Honda và các hãng xe được phân phối bởi Thaco, theo số liệu của hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam.
Không chỉ GM, kể cả Ford, một nhà sản xuất xe ô tô khác của Mỹ, dù với thị phần gấp đôi (8,1%) cũng không đủ để cạnh tranh với các thương hiệu đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc. Toyota và KIA (được phân phối bởi Thaco) chiếm thị phần lớn nhất trong nhóm dòng xe con, lần lượt đạt 21,2% và 11,3%.
Không cạnh tranh được với hãng xe nội địa Kia và Huyndai của Hàn Quốc, là nguyên nhân chính khiến GM tại Hàn Quốc đứng trước bờ vực phá sản, sau nhiều năm liên tiếp chỉ biết đến thua lỗ.
Rắc rối ập đến với GM bắt đầu từ năm ngoái, ở những thị trường vượt bên ngoài biên giới Hàn Quốc.
Năm 2017, GM đã rút khỏi châu Âu với thoả thuận bán toàn bộ hoạt động kinh doanh và cả hai thương hiệu Opel và Vauxhall tại thị trường này cho tập đoàn ô tô PSA của Pháp. GM Financial tại châu Âu, công ty phụ trách mảng tài chính của tập đoàn cũng được bán nốt cho PSA và ngân hàng BNP Paribas.
Cũng trong năm ngoái, GM phải tuyên bố ngừng sản xuất và bán thương hiệu Chevrolet tại Nam Phi cho đối thủ Isuzu, sau hơn 90 năm hoạt động. Kịch bản tương tự diễn ra tại thị trường Ấn Độ, GM tuyên bố ngừng bán xe tại thị trường này do khó cạnh tranh với các hãng xe đến từ Nhật bản và Hàn Quốc. Thậm chí, hai thương hiệu GM sẽ rút hai thương hiệu Opel và Chevrolet khỏi thị trường Nga, đồng thời đóng cửa nhà máy tại St Petersbrurg vào cuối năm nay.
Sự thoái lui trên tại các thị trường quốc tế hoạt động không hiệu quả đã manh nha từ năm 2015, với sự rút lui của GM khỏi hai thị trường Indonesia và Thái Lan.
GM giờ đây đang tạo lợi nhuận tốt ở hai thị trường chính là Bắc Mỹ và Trung Quốc. Vì vậy, nhà sản xuất tập trung nhiều hơn vào các mẫu xe lớn được ưa chuộng tại các thị trường này là SUV, Crossover và xe tải, ban lãnh đạo của GM viết trong báo cáo thường niên 2017. Đây cũng là các dòng sản phẩm mang lại biên lợi nhuận tốt hơn cho tập đoàn.
Các thương vụ bán lại hoạt động ở nhiều nơi trên toàn cầu mang lại khoản tiền lớn cho GM. Riêng tại châu Âu, giá trị thương vụ với PSA và BNP Paris là 2,5 tỉ đô la Mỹ, theo báo cáo tài chính đã kiểm toán. GM cũng tập trung đầu tư cho công nghệ, trong bối cảnh xu hướng phát triển của ngành công nghiệp ô tô đang ngày phụ thuộc vào công nghệ và dịch vụ.
Xu hướng công nghệ nổi lên ngày càng rõ nét. Hai năm trước, GM từng bỏ tiền mua lại Cruise Automation, một startup về công nghệ tự lái, trị giá 1 tỉ đô la Mỹ vào thời điểm đó. Cruise, sau khi trở thành đơn vị phụ trách công nghệ xe tự lái của GM, vừa tiếp tục vừa nhận khoản đầu tư trên 2 tỉ đô la Mỹ vào cuối tháng 5 vừa qua từ Vision Fund, quỹ đầu tư mạo hiểm chủ lực của SoftBank, tập đoàn đứng sau nhiều công ty khởi nghiệp công nghệ lớn trên thế giới như Arm, Uber, Grab, Didi, Ola,...
GM hiện tại đang trong quá trình "tái cơ cấu cần thiết". Nhìn lại lịch sử của hãng sản xuất xe ô tô có độ tuổi đã hơn một thế kỷ có thể thấy, GM đã trải qua nhiều thăng trầm, cả đỉnh cao lẫn vực sâu. Từ vị thế thống trị ngành sản xuất ô tô toàn cầu trong vòng 77 năm liên tiếp (trước khi bị lật đổ bởi Toyota năm 2008), niềm tự hào của Detroit và cả nước Mỹ đã phải đệ đơn phá sản năm 2009 và trở thành một trong ba vụ phá sản lớn nhất mà nước Mỹ từng chứng kiến. Sau vấp ngã, GM trở lại, thâu tóm chính các hãng ô tô phá sản để thâm nhập vào thị trường quốc tế. Ví dụ, tại hai thị trường Hàn Quốc và Việt Nam, GM đã mua lại hãng xe Hàn Quốc lâm vào phá sản lúc đó là Daewoo. Nhưng giờ đây, GM lại thay đổi và rút dần sự hiện diện trên toàn cầu.
Nhỏ hơn, không có nghĩa là mọi việc sẽ xấu đi. Chịu thay đổi và không gục ngã là yếu tố quyết định đầu tiên để những doanh nghiệp từng đứng bên bờ vực có thể trở lại thành công, theo nghiên cứu The Comeback Kids gần đây của BCG. Nokia là một so sánh khá tương đồng với GM. Cũng là "gã khổng lồ" hơn 100 năm tuổi như GM, Nokia từng đứng trên đỉnh cao trong ngành điện thoại di động, sau đó phá sản, nhưng giờ công ty của Thuỵ Điển đang trở lại, nhờ dám thay đổi, đơn giản hoá và tập trung đầu tư cho công nghệ.