Mảng trái cây của Hoàng Anh Gia Lai dù có kết quả khả quan nhưng không thể trông cậy để giải quyết vấn đề nợ nần, ngay cả khi năm 2018 đạt mục tiêu lợi nhuận 2.100 tỉ đồng. Xây dựng những yếu tố bền vững cho mảng kinh doanh đang có lãi và giải quyết nợ là hai bài toán cần được giải song song.
Ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch hội đồng quản trị Hoàng Anh Gia Lai trao đổi bên lề cuộc họp đại hội đồng cổ đông thường niên 2018 - Ảnh: Minh Thư
Tính đến hết quý I, doanh thu mảng trái cây (tính cả ớt) của công ty đạt 582 tỉ đồng, chỉ mới tương đương 15% kế hoạch 4.000 tỉ đồng đề ra cho năm 2018 do cả ba loại cây kỳ vọng mang lại doanh thu lớn nhất là chuối, thanh long và chanh dây đều có mùa thu hoạch chính vào cuối năm.
Lợi nhuận từ mảng trái cây quý I đạt 310 tỉ đồng, trong khi chi phí lãi vay trong kỳ của Hoàng Anh Gia Lai đã lên tới 377 tỉ đồng.
Thật ra mảng trái cây của ông Đức vẫn đang có những kết quả tốt, nhưng để mở rộng được lợi nhuận thì cần xây dựng bền vững và có những bước đi chắc chắn, một chiến lược dài hơi mà theo nhiều chuyên gia kinh nghiệm trong lĩnh vực đầu tư nông nghiệp đánh giá là cần 3-5 năm.
Hai bài toán mà lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai cần có câu trả lời thuyết phục cho các cổ đông là đảm bảo mảng kinh doanh nhiều triển vọng của công ty là trái cây phát triển bền vững và tách bạch giải quyết bài toán nợ triệt để.
Tuy nhiên có thể do quá kỳ vọng vào mảng trái cây để giải quyết những vấn đề nội tại của Hoàng Anh Gia Lai mà ông Đức đã tạo ra sức ép không đáng có cho mình khi liên tục đưa ra những mục tiêu kinh doanh bất khả thi để rồi không đạt được và mang lại những hoài nghi cho cổ đông.
Trái cây, mảng kinh doanh khả quan nhất của Hoàng Anh Gia Lai, mới được bắt đầu trồng từ đầu năm 2016 với chanh dây, một khoảng thời gian quá ngắn để đảm bảo những kết quả bước đầu là bền vững và cho nhà đầu tư những dự phóng chính xác về tương lai.
Giữa năm 2017, trong chuyến thăm vườn chanh dây của Hoàng Anh Gia Lai tại Paksong (Lào), công ty giới thiệu diện tích loại cây này trên 1.000 héc ta, nhưng đến cuối năm 2017, diện tích trồng chanh dây của chỉ còn 100 héc ta, theo báo cáo thường niên của công ty.
Kế hoạch doanh thu ba loại trái cây chủ yếu của Hoàng Anh Gia Lai năm 2018 và thay đổi mạnh so với kế hoạch đề ra năm 2017 (đơn vị: tỉ đồng). Chanh dây từng được kỳ vọng tăng trưởng rất mạnh, giờ theo kế hoạch doanh thu chỉ còn hơn một nửa so với năm 2017.
Khi được hỏi lý do diện tích khai thác chanh dây năm 2018 của Hoàng Anh Gia Lai giảm sâu so với năm 2017, ông Đức giải thích trong quá trình triển khai trồng cây chanh dây, công ty phát hiện ra để năng suất cây tối ưu, sau mỗi năm thu hoạch, cây cần được chặt bỏ và trồng các loại cây khác vài năm rồi mới quay lại. Trước kia, công ty tính toán mỗi cây chanh dây sẽ được chăm sóc và thu hoạch từ hai đến ba năm.
Thay cho chanh dây, cây chuối được Hoàng Anh Gia Lai kỳ vọng mang lại doanh thu lớn nhất, khoảng 1.745 tỉ đồng. Ông Đức nói với Forbes Việt Nam, sản phẩm chuối của công ty xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc được mang thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai.
Ba tháng đầu năm 2018, ớt mang lại trên 90 tỉ đồng doanh thu cho Hoàng Anh Gia Lai. Tuy nhiên, ông Đức cho biết đây không phải loại cây trồng công ty chú trọng, vì giá hết sức bấp bênh. “Có lúc cả trăm nghìn một kg, có lúc chỉ còn vài chục nghìn” - ông Đức cho biết.
Trung Quốc vẫn được coi là thị trường tiềm năng của Hoàng Anh Gia Lai trong việc xuất khẩu trái cây. Nhu cầu trái cây của đất nước 1,4 tỉ dân đang bùng nổ mạnh mẽ với sự tăng lên đáng kể của tầng lớp trung lưu nước này. Số liệu của tổng cục hải quan Trung Quốc cho thấy năm 2017 nước này nhập khẩu 4,4 triệu tấn trái cây, với giá trị gần 5,6 tỉ đô la Mỹ.
Việt Nam đứng thứ ba trong các nước xuất khẩu trái cây sang Trung Quốc với giá trị xuất khẩu 658 triệu đô la Mỹ, sau Thái Lan và Chi Lê. Chuối và thanh long, hai trong ba loại trái cây chủ lực của Hoàng Anh Gia Lai cũng nằm trong tốp 6 loại trái cây mà Trung Quốc nhập khẩu nhiều nhất. Không phải toàn bộ trái cây của Hoàng Anh Gia Lai đều xuất khẩu từ Việt Nam. Các cánh đồng của Hoàng Anh Gia Lai đang trải rộng tại ba nước Đông Dương.
Đến nay trái cây đang là mảng kinh doanh khả quan nhất của Hoàng Anh Gia Lai với tỷ trọng tăng dần qua mỗi quý. Nhưng tính đến cuối quý I.2018, gánh nặng nợ nần của Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn đó, đặc biệt là khoản nợ vay phải trả trong vòng một năm gần 2.400 tỉ đồng, trong khi ngay cả mở rộng đầu tư trái cây cũng cần nguồn lực không nhỏ. Mỗi năm, tính cả gốc lẫn lãi, Hoàng Anh Gia Lai sẽ phải trả khoảng 3.500 tỉ đồng, theo lời ông Võ Trường Sơn, tổng giám đốc công ty.
Cùng với việc tìm kiếm khả năng bán mảng bất động sản ở Myanmar, kế hoạch phát hành hơn 2.200 tỉ đồng trái phiếu chuyển đổi của Hoàng Anh Gia Lai Agrico được kỳ vọng sẽ mang lại bức tranh tài chính khả quan hơn cho công ty, khi sau một năm, số trái phiếu này sẽ được công ty chuyển đổi thành cổ phiếu, ghi nhận vào vốn chủ sở hữu.
Vấn đề đặt ra là ai sẽ đứng ra mua số lượng trái phiếu nói trên, khi những điều khoản cơ bản khá bất lợi đối với cổ đông hiện hữu của Hoàng Anh Gia Lai Agrico: lãi suất 0%, bắt buộc chuyển đổi với mức giá cao hơn giá hiện hành của cổ phiếu công ty?
Ông Đức tuyên bố tại đại hội đồng cổ đông theo quy chế, đến 27.6 tới đây, cổ đông hiện hữu của Hoàng Anh Gia Lai Agrico sẽ phải đóng tiền mua trái phiếu, hoặc từ chối quyền mua. Ngày 24.8 là thời hạn mà công ty sẽ công bố kết quả phát hành trái phiếu cho đối tác chiến lược. Nhà đầu tư có hai tháng để chờ đợi câu chuyện được ngã ngũ.
Giới phân tích tài chính cho rằng, Hoàng Anh Gia Lai hẳn phải có kế hoạch phát hành cho nhà đầu tư chiến lược cụ thể, rồi mới đưa ra chính sách phát hành cho cổ đông hiện hữu.
Khi được hỏi tại sao công ty lựa chọn hình thức phát hành cho cổ đông hiện hữu với các điều khoản nói trên, trong khi có vẻ như nhà đầu tư chiến lược mới là đích đến trong kế hoạch phát hành 2.200 tỉ đồng trái phiếu, ông Đức cho biết công ty chủ trương ưu tiên bán trái phiếu cho cổ đông hiện hữu trước hết, vì sau chuyển đổi cổ phiếu sẽ bị pha loãng, ảnh hưởng đến tỷ lệ sở hữu của cổ đông công ty. Khi cổ đông từ chối mua trái phiếu, công ty mới phát hành cho nhà đầu tư chiến lược.
Quá trình gọi vốn đầu tư cho giai đoạn hai của dự án Myanmar, hoặc chào bán dự án cho nhà đầu tư chiến lược cũng được cổ đông Hoàng Anh Gia Lai hết sức quan tâm. Tính đến cuối năm 2017, riêng khoản tiền thuê căn hộ trung tâm thương mại và văn phòng dự án Myanmar được các khách hàng trả trước đã lên tới 235 tỉ đồng.
Dự án này theo giá trị đã được ghi nhận, đạt gần 5.000 tỉ đồng tính đến cuối năm 2017, theo báo cáo tài chính của công ty. Nếu bán thành công dự án Myanmar, gánh nặng các khoản nợ đến hạn của Hoàng Anh Gia Lai sẽ được giải phóng đáng kể.
Ông Đức từ chối tiết lộ thông tin về việc thương lượng với các đối tác trong việc chào bán trái phiếu và kêu gọi vốn cho dự án Myanmar.
Tái cấu trúc tài chính và tái cấu trúc quy trình quản lý kinh doanh bền vững cho mảng trái cây chắc chắn là hai việc mà Hoàng Anh Gia Lai cùng lúc sẽ phải làm. Hơn nữa việc tái cấu trúc tài chính sẽ không thể thành công nếu bộ máy vận hành không được làm cho hiệu quả.