1. Lăng Bác
Điểm đến đầu tiên khi nhắc đến quận Ba Đình đó là Lăng chủ tịch Hồ Chí Minh. Nếu một lần ghé thăm Hà Nội mà không đến thăm Lăng Bác thì quả là một sự thiếu sót đó.
Lịch mở cửa vào thăm lăng vào từng mùa cũng khác nhau, cụ thể:
- Vào mùa nóng (từ ngày 1/4 đến ngày 31/10): Thời gian tổ chức lễ viếng sẽ từ 7h30’ đến 10h30’; ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ theo qui định của Nhà nước tổ chức lễ viếng từ 7h30’ đến 11h00’.
- Vào mùa lạnh (từ ngày 01/11 đến ngày 31/3 năm sau): Thời gian tổ chức lễ viếng từ 8h00’ đến 11h00’, ngày thứ bảy, chủ nhật và các ngày lễ tổ chức lễ viếng từ 8h00’ đến 11h30’.
Ngoài ra, hàng năm, Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh nghỉ viếng từ 15/6 đến ngày 15/8 hàng năm để làm công tác bảo dưỡng định kỳ.
Lưu ý khi viếng lăng Bác
- Về trang phục: Trang phục phải lịch sự và nghiêm túc, không mặc quần áo quá ngắn hay mang tính chất phản cảm khi vào tham quan lăng.
- Về hành vi, thái độ: Văn minh, lịch sự, không gây ồn ào, mất trật tự, đi nhẹ, nói khẽ, và xếp hàng theo thứ tự.
- Nếu không thể xếp hàng viếng lăng, bạn có thể đến Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng xin giấy phép đặc cách trước ngày đi 2 – 3 ngày.
- Không cho trẻ em dưới 3 tuổi vào trong lăng.
- Không chụp hình, ghi hình ở các khu vực cấm, đặc biệt là khu vực bên trong lăng.
Phía trước lăng là quảng trường Ba Đình lịch sử, diện tích rất rộng, lộng gió lại thoáng đãng nên lúc nào cũng có rất nhiều người đi dạo. Với người dân Hà Nội thì việc dạo trước lăng vào cuối tuần hay mỗi buổi tối là một điều rất quen thuộc. Vào lúc 5h sáng có lễ thượng cờ và vào lúc 21h có lễ hạ cờ, dù nắng hay mưa, hai nghi lễ này vẫn luôn được tổ chức rất trang nghiêm.
Thông tin chi tiết:
Địa chỉ: Hùng Vương, quận Ba Đình
Giờ mở cửa: 7h – 21h
Xem thêm tại ĐÂY
2. Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh là công trình văn hóa tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với nội dung trưng bày chính về cuộc đời và sự nghiệp của Người. Bảo tàng là nơi để bạn có thể tìm hiểu chi tiết về cuộc đời và vai trò lịch sử của Người trong công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam.
Đi một vòng quanh Bảo tàng không khí dễ chịu, thoáng mát, sạch sẽ. Vào bên trong rất đẹp. Kiến trúc lạ mắt, đặc biệt trên gian trưng bày, toàn bộ tài liệu hiện vật vô cùng ý nghĩa giúp chúng mình hiểu hơn lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam được khắc họa chân thực qua từng bức tranh, bức ảnh, đoạn phim tư liệu. Bảo tàng Hồ Chí Minh nằm trong quần thể di tích lăng Bác, bởi vậy bạn có thể kết hợp tham quan lăng Bác, quảng trường Ba Đình, khu nhà sàn Bác Hồ, chùa Một Cột, vừa vãn cảnh, vừa tìm hiểu lịch sử nước nhà.
Thông tin chi tiết:
Địa chỉ: số 19 Ngọc Hà
Bảo tàng có giờ nghỉ trưa và đóng cửa vào các ngày thứ hai và thứ sáu hàng tuần. Khách nước ngoài phải mua vé vào cổng còn người dân Việt Nam được miễn phí nhé.
Giờ mở cửa: 8h - 17h
Xem thêm tại ĐÂY
3. Hoàng thành Thăng Long
Đây là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long – Hà Nội. Công trình kiến trúc đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử khác nhau và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Hoàng thành Thăng Long cũng là nơi được nhiều đoàn ghé thăm sau khi tham quan lăng Bác vì khoảng cách khá gần, đi bộ một đoạn là đến. Tại đây cũng là nơi các bạn học sinh, sinh viên thường tới để chụp ảnh tốt nghiệp, lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ.
Thông tin chi tiết:
Địa chỉ: số 19C Hoàng Diệu
Giá vé: 30k, riêng đối với học sinh, sinh viên được giảm giá còn 15k.
Giờ mở cửa: 8h AM - 6h PM
Xem thêm tại ĐÂY
4. Cột cờ Hà Nội
Kỳ đài “Cột cờ Hà Nội” nằm ngay sát Hoàng thành Thăng Long, được xây dựng năm 1812, dưới thời vua Gia Long triều Nguyễn, trên phần đất phía nam của Hoàng thành Thăng Long, nơi xây tòa thành Tam Môn của Hoàng thành Thăng Long thời Lê. Đi vào bên trong cột cờ và bước lên cầu thang xoắn bằng đá, bạn có thể dừng tại nhiều điểm trên đường lên để nhìn ra 36 ô cửa sổ hình hoa điểm xuyết dọc theo những bức tường cong dày dặn. Có ba tầng quan sát riêng biệt nhưng đài quan sát ở tầng trên cùng là nơi ngắm cảnh tốt nhất. Từ tám cửa sổ mở ra các hướng khác nhau, bạn có thể nhìn thấy xe tăng và máy bay trực thăng của bảo tàng quân sự hoặc quan sát mọi người đi dạo quanh những khu vườn và trảng cỏ xanh ở Công viên Lênin gần đó.
Đặc biệt, đứng ở đây mà check-in thì siêu mê luôn, toàn những shoot hình cực đẹp, tươi tắn, chất ngất luôn.
Thông tin chi tiết:
Địa chỉ: 28A Điện Biên Phủ
Giờ mở cửa: 9h AM - 9h PM
Xem thêm tại ĐÂY
5. Công viên Lênin
Công viên Lênin nằm ở mặt phố Hoàng Diệu, Điện Biên Phủ và Trần Phú, trong công viên có bao gồm quần thể kiến trúc tượng đài Lênin. Công viên lúc nào cũng đông người qua lại, người thì đi dạo tản mạn, hóng gió, người thì tập thể dục, các bạn trẻ thì mải mê lướt những bánh xe trượt patin, chơi các môn thể thao nhẹ, họp offline, fanclub,…
Thông tin chi tiết:
Địa chỉ: đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, đối diện Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam.
Xem thêm tại ĐÂY
6. Công viên Thủ Lệ
Đây là công viên duy nhất có vườn bách thú, hiện công viên hiện tập trung khá nhiều loại động vật quý hiếm từ các loại bò sát lưỡng cư, đến chim, thú… với gần 600 cá thể thuộc hơn 100 loài gồm: 5 loài bò sát lưỡng cư, 40 loài cá nước mặn, 35 loài thú, 50 loài chim… Đến công viên thủ lệ bạn tha hồ mãn nhãn, tham quan vườn bách thú này, đừng quên dành một chút đồ ăn đút cho các con thú ở đây nhé.
Bên trong khuôn viên còn có hồ lớn, giữa hồ là dải đất lớn có hình oval, nhìn giống giọt nước mắt.
Thông tin chi tiết:
Địa chỉ: Đường Bưởi + Kim Mã
Giờ mở cửa: 8h - 18h
Giá vé: người lớn: 10k, trẻ em: 5k.
Xem thêm tại ĐÂY
7. Công viên Indira Gandhi
Công viên nằm đối diện Trung tâm chiếu phim Quốc gia, phố Láng Hạ, trước có tên là Công viên hồ Thành Công, sau đổi thành tên một vị anh hùng giải phóng dân tộc của Ấn Độ - Indira Gandhi. Khuôn viên khá là rộng, có hồ nước để câu cá, mọi người hay lui tới đi bộ hóng gió, tập thể dục. Công viên không mất phí tham quan chỉ mất 5k tiền gửi xe thôi á.
Địa chỉ: 16 Láng Hạ
Xem thêm tại ĐÂY
8. Công viên Bách Thảo
Bước vào công viên cứ ngỡ như đang lạc vào khu rừng nguyên sinh nào giữa thủ đô chứ, lại còn có cả những loài động vật tự nhiên như sóc, bồ câu,… Đến đây, bạn sẽ cực ấn tượng với màu xanh ngắt của các cây như cau, dừa, cọ, cây cổ thụ si, đa hay những cây phong lan quý hiếm, những loài hoa cây cảnh đa sắc màu. Đi dạo ở đây tận hưởng bầu không khí thật tươi mát, trong lành, tạo cảm giác yên bình, đối lập với những ồn ào ngoài kia.
Ngoài cây xanh và các loài động vật quý hiếm, công viên Bách Thảo còn là nơi có hồ nước rộng lớn, trong xanh, tĩnh lặng. Mùa hè nóng nực được đến công viên Bách Thảo ngồi dưới tán cây và tận hưởng làn gió trong lành mát rượi của tự nhiên thì thật là sảng khoái, thư thái, thoáng đãng. Đặc biệt, nếu ghé thăm công viên Bách Thảo đừng quên tới ngọn đồi nhỏ mang tên núi Nùng. Ngọn đồi này nằm ngay cạnh hồ Vị Danh, nơi đây có ngôi miếu cũ thờ Huyền Thiên Hắc Đế.
Thông tin chi tiết:
Địa chỉ: Đường Ngọc Hà + Hoàng Hoa Thám
Giờ mở cửa: 5h - 22h
Giá vé: 5k - 15k
Xem thêm tại ĐÂY
9. The Yard
The Yard là khu ăn chơi mới, mang nét văn hóa phương Tây, là nơi tập hợp các quán ăn, cửa hàng thời trang và không gian âm nhạc sôi động dành cho giới trẻ.
Với kiến trúc cổ điển kết hợp hiện đại, khu chợ ẩm thực, thời trang đem đến sự mới lạ cho những khách đến ăn chơi. Trần nhà được thiết kế khá cao, mang lại cảm giác rộng rãi, thoáng đãng. Màu sắc các gian hàng được bài trí và phối hợp hài hòa với ánh đèn, tạo nên không gian ấm cúng.
Bên cạnh quán cafe, cửa hàng ăn uống, The Yard còn thường xuyên mở cửa các hội chợ mua sắm giá rẻ dành cho teen.
Địa chỉ: 67 Phó Đức Chính, Trúc Bạch
10. Đền Quán Thánh
Nằm cạnh hồ Tây và cửa Bắc thành Hà Nội, đền Quán Thánh là một trong “tứ trấn” của kinh thành Thăng Long xưa. Trong đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, vị thần trấn giữ phương Bắc. Trải qua các triều đại, đền Quán Thánh cũng được trùng tu nhiều lần song cơ bản vẫn giữ nguyên không có sự thay đổi nhiều về kiến trúc.
Địa chỉ: đường Thanh Niên, quận Ba Đình
11. Chùa Trấn Quốc
Chùa Trấn Quốc là một trong những ngôi chùa cổ nhất Việt Nam, nổi tiếng là chốn cửa Phật linh thiêng, là điểm thu hút rất nhiều tín đồ Phật tử, khách tham quan, du lịch trong và ngoài nước. Chùa cũng từng là trung tâm Phật giáo của kinh thành Thăng Long vào thời Lý và thời Trần.
Điều đặc biệt ở chùa Trấn Quốc là Bảo tháp lục độ đài sen có 11 tầng và cao 15m. Mỗi tầng tháp có 6 ô cửa hình vòm, trong mỗi ô đặt một pho tượng Phật A Di Đà bằng đá quý. Đỉnh tháp cũng có đài sen 9 tầng cũng bằng đá quý.
Địa chỉ: nằm trên một hòn đảo phía nam của Hồ Tây, ở gần cuối đường Thanh Niên, quận Ba Đình, Hà Nội.
Xem thêm tại ĐÂY
Đọc thêm: Đầu năm phải thăm 9 ngôi chùa thiên có tiếng, cầu gì được nấy ở Hà Nội
12. Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam
Bảo tàng được xây dựng thời Pháp thuộc, các sưu tập trong hệ thống trưng bày cố định của bảo tàng được giới thiệu theo tiến trình lịch sử, theo loại hình và chất liệu về những giá trị điển hình của kho tàng mỹ thuật các dân tộc Việt Nam, mỹ thuật dân gian, mỹ thuật ứng dụng, mỹ thuật hiện đại,… nhằm đem đến cho người xem hiểu được hơn sự phát triển của mỹ thuật Việt Nam cũng như nét độc đáo của chuyên đề mỹ thuật. Bảo tàng còn có cả phòng trưng bày chuyên đề dành cho các hoạt động triển lãm, giao lưu nghệ thuật trong và ngoài nước.
Thông tin chi tiết:
Địa chỉ: Số 66, Nguyễn Thái Học
Giờ mở cửa: 8h -12h, 13h30 – 17h, T2 – CN
Giá vé: 30k
Xem thêm tại ĐÂY
13. Làng hoa Ngọc Hà
Nhắc đến nơi trồng hoa và cung cấp hoa cho Hà Nội thì phải nói đến làng hoa Ngọc Hà – làng hoa lớn nhất Hà Nội. Bước đến Ngọc Hà là lạc vô xứ hoa với vô vàn loài hoa khoe sắc, từ những loại hoa quen thuộc như hồng, cúc, lan, nhài,… tới những loại hiếm và lạ như făngxê, layơn, viôlét, loa kèn, cẩm chướng… đâu đâu cũng thấy sắc hoa tươi thắm kể cả con đường trục hoặc các nhánh đường xương cá của làng cũng có những cây hoa xinh.
14. Rạp Ngọc Khánh
Cuối tuần hay khi rảnh rỗi, kéo nhau đến rạp Ngọc Khánh coi những bộ phim hay cũng là sự lựa chọn hay đó.
Địa chỉ: 523 Kim Mã
15. Chợ Long Biên
Chợ Long Biên là chợ đầu mối, là điểm hẹn quen thuộc của nhiều thương lái đổ về bán buôn. Chợ được mọi người gọi với cái tên chợ "không ngủ" bởi chợ luôn đông đúc, nhộn nhịp từ 10h tối cho tới khi tờ mờ sáng. Khi trời sáng mọi âm thanh ồn ào lúc trước sẽ dần dần lắng xuống.
Đó cũng là lúc chợ đi vào yên tĩnh, mọi người lại trở về với cuộc sống buôn bán của mình. Nhịp sống của chợ Long Biên lúc nào cũng trái ngược với cuộc sống bên ngoài. Nó luôn hối hả, nhộn nhịp khi thành phố chìm vào giấc ngủ và lại trở về tĩnh lặng khi con phố đông đúc và tấp nập hơn. Đây là một điểm đặc biệt tạo nên một chợ đêm “không ngủ” của thành phố Hà Nội.
Có lẽ vậy mà bạn nên tham quan chợ vào buổi đêm hay đứng từ một góc trên cầu Long Biên lặng nghe những âm thanh ồn ào, tấp nập buôn bán, cảm nhận nhịp sống hổi hả về đêm nơi chợ đầu mối sẽ rất thú vị đó.
Địa chỉ: số 189 Hồng Hà, Phúc Xá, Ba Đình
Những điểm vui chơi ở quận Ba Đình, bạn đã đi hết chưa? Lưu lại những điểm đó để có những trải nghiệm mới mé nhé!
Đinh Quỳnh tổng hợp
Nguồn : tripnow.vn