Từng được coi là một trong những làng chài đẹp nhất thế giới, cách đây vài năm, cư dân làng chài Vung Viêng, nằm trong vùng lõi vịnh Hạ Long, được di dời lên bờ, nhằm bảo vệ cảnh quan, môi trường di sản và thuận lợi hơn cho các thế hệ cư dân của làng, nhất là con trẻ được học hành, chăm sóc sức khỏe..., để lại những tiếc nuối nhất định trong lòng du khách về một làng chài đầy sắc màu văn hóa. Hôm nay đến đây, du khách vẫn tìm thấy phần nào những không gian văn hóa đó, với những hoạt động nuôi trồng thủy sản nhưng khoa học, không ảnh hưởng đến môi trường vịnh. Ngư dân vừa là những người chèo đò, HDV đưa du khách đi vãn cảnh, vừa là những nhà bảo vệ môi trường.
Nằm cách bờ khoảng 20 phút đi xuồng cao tốc, làng chài Vung Viêng được bao bọc bởi những đảo đá. Vì thế, quanh năm, mặt nước biển trong khuôn viên làng chài chỉ gợn lăn tăn như mặt nước hồ thu. Mùa nào cũng vậy, nhất là từ tháng 9 năm nay tới tháng 4 năm sau, ngày ngày cũng vậy, từng đoàn thuyền nan nối đuôi nhau đưa du khách, chủ yếu là khách Âu, Mỹ... dạo quanh làng.
Biển ở đây trong vắt, không một cọng rác bởi ngư dân cũng chính là những nhà bảo vệ môi trường - một bức tranh hoàn toàn đối lập với cách đây vài năm khi còn hơn 60 hộ, với 260 nhân khẩu quần cư ở đây từ bao đời nay.
Ông Vũ Văn Quyên - một ngư dân kỳ cựu với nhiều thế hệ trong gia đình sinh ra và lớn lên ở làng chài - tâm sự: Ngày xưa làng vui lắm, giờ cứ chiều tối làng chỉ còn vài người ở lại trông coi, bảo vệ. Nhưng rồi ông cũng thừa nhận, nếu không di dân lên bờ sớm thì làng sẽ phình ra kinh khủng và một lớp học kia rồi ngày nào sẽ thành trường học, với tốc độ gia tăng dân số.
Năm 2014, Vung Viêng cùng một số làng chài khác, với tổng cộng hơn 300 hộ, đã được di dời lên bờ, vào phường Hà Phong, TP. Hạ Long. Vung Viêng kém quyến rũ hơn những vẫn là điểm không thể bỏ qua đối với khách quốc tế.
Những ngư dân Vung Viêng vẫn gắn bó với làng, nhưng trong vai của những người làm du lịch. Sáng sớm, họ được tàu chở từ đất liền ra làng chài và chiều tối lại lên tàu trở về bờ.
Theo ông Tăng Văn Phiến - Giám đốc HTX Vạn Chài, được vị quản lý, khai thác điểm du lịch Vung Viêng - hiện có khoảng 115 ngư dân tham gia làm du lịch, chủ yếu chèo thuyền nan đưa khách đi du ngoạn, với mức thu nhập bình quân từ 3 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Từ năm 2016, UBND TP. Hạ Long đồng ý cho một hộ ngư dân được nuôi hải sản trong làng nhưng theo quy trình, lựa chọn hết sức kỹ càng...
Ông Hồ Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND TP. Hạ Long - cho biết: Phải là dân làng chài cũ, có kinh nghiệm; mỗi hộ chỉ được cấp 300m2 mặt nước, nhưng chỉ được làm lồng bè rộng 180m2 bằng các phao composite thân thiện với môi trường, có đề án bảo vệ môi trường và kế hoạch nuôi trồng...
Theo quy hoạch, sẽ có 27 lồng bè và đến nay đã có 20 lồng bè của các hộ dân bắt đầu nuôi cá.
Theo ông Phiến, để hợp tác cùng ngư dân, HTX Vạn Chài đã tự bỏ kinh phí làm các lồng bè, trị giá khoảng 210 triệu đồng/lồng bè. “3 năm đầu, các hộ dân được sử dụng nhà, lồng bè miễn phí. Sau đó trở đi, chúng tôi sẽ thu phí, nhưng cũng chỉ là tượng trưng thôi - vài ba triệu/năm/lồng bè. Nếu hộ nào muốn mua lại, có thể chỉ phải trả khoảng 45% giá trị đầu tư ban đầu” - ông Phiến cho biết.
Đến nay, đã có một số hộ bán được khá nhiều cá và không đủ đáp ứng nhu cầu. Tuy nhiên, theo ông Phiến, việc nuôi cá ở đây phục vụ du lịch là chính, nên không được phép mở rộng diện tích nuôi trồng và phải áp dụng các kỹ thuật chăn nuôi khoa học nhằm bảo vệ môi trường.
Được biết, vào mùa cao điểm, mỗi ngày làng chài đón khoảng 600 khách du lịch đến trải nghiệm. Những lúc đó, 60 thuyền nan, 115 thuyền kayak của ngư dân hoạt động hết công suất.