“Đánh thức” tiềm năng du lịch Hương Sơn


“Đánh thức” tiềm năng du lịch Hương Sơn

Không chỉ nổi tiếng với quần thể thắng cảnh, di tích lịch sử chùa Hương, xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) còn một số thắng cảnh như: Quần thể núi non tại khu vực Đồng Suối (thôn Yến Vỹ) dưới chân núi Tuyết Sơn và An Ngựa (thôn Đục Khê)... Với những tiềm năng, lợi thế do thiên nhiên ưu đãi, Hương Sơn đang đẩy mạnh các hoạt động phát triển du lịch...

Khu quần thể động Tuyết Sơn thuộc thôn Yến Vỹ (xã Hương Sơn) trước kia là vùng hoang vắng. Theo lời kể của anh Nguyễn Tuấn Anh - hướng dẫn viên Ban Quản lý khu di tích thắng cảnh Hương Sơn: Vào đời vua Lê Hy Tông niên hiệu Chính Hòa thứ 15 (1694), quận chúa Hoàng Thị Ngọc Hương về dựng chùa Bảo Đài, mở động Tuyết Sơn làm nơi thờ Phật. Trải qua nhiều thế kỷ, chùa được tu sửa nhiều lần, hiện giờ còn giữ được đường nét kiến trúc Triều Nguyễn. Những năm gần đây, khi du khách hành hương về lễ Phật tại chùa Hương, đã bắt đầu tìm đến khu di tích này…Nằm trong khung cảnh non nước hữu tình, khu động và núi An Ngựa (thôn Đục Khê) nhiều năm nay cũng trở thành điểm đến của không ít du khách. Từ thực tế công việc của mình, anh Nguyễn Văn Cường - Giám đốc Công ty Du lịch Nụ cười - đơn vị nhiều năm nay khai thác tuyến du lịch tâm linh tại Hương Sơn cho biết: Nhắc tới Hương Sơn (Mỹ Đức), mọi người đều nghĩ đến quần thể di tích chùa Hương với đền Trình, chùa Thiên Trù, động Hương Tích… Tuy nhiên, những năm gần đây, ngoài những điểm trên, du khách bắt đầu quan tâm đến nhiều điểm khác trong quần thể di tích Hương Sơn… Điều này mở ra hướng đi mới trong phát triển du lịch của địa phương.Về tiềm năng du lịch nơi này, anh Cường đánh giá, ngoài 3 tháng lễ hội chùa Hương, Hương Sơn có thể khai thác du lịch vào tháng 9, tháng 10 là mùa hoa súng, hay mùa hoa gạo tháng 3 đã đi vào thơ ca gắn với đất rừng Hương Sơn… Đây là những thế mạnh mà xã Hương Sơn cần phát huy để thu hút du khách.Phát triển du lịch và các dịch vụ đi kèm nhiều năm nay là nguồn lực kinh tế chính của Hương Sơn. Chủ tịch UBND xã Hương Sơn Nguyễn Tuấn Anh chia sẻ: Trung bình mỗi năm, Hương Sơn thu hút 1,5 triệu lượt khách tới tham quan. Hiện, du lịch đang đóng góp 65% tổng thu nhập toàn xã. Riêng 6 tháng đầu năm 2018, thu nhập từ dịch vụ du lịch và thu nhập khác đạt 509,53 tỷ đồng, tăng 69,55 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước. Nhờ phát triển du lịch và các dịch vụ đi kèm, đời sống người dân đã chuyển biến tích cực. Dự kiến, năm 2018, thu nhập đạt 40 triệu đồng/người. Du lịch cũng là một trong những nguồn lực lớn giúp Hương Sơn được công nhận xã nông thôn mới năm 2015.Để tiếp tục phát huy lợi thế từ du lịch, Hương Sơn đang thực hiện nhiều biện pháp như: Cải tạo môi trường, thu gom, xử lý rác, khơi thông và tạo dòng chảy tuần hoàn cho suối Yến… Đối với những tuyến du lịch mới, UBND xã đã tổ chức kiểm soát để không làm méo mó hoạt động tâm linh, không xảy ra hiện tượng chèo kéo khách... Đặc biệt, để nâng cao trình độ cho người dân địa phương trong hoạt động du lịch, hằng năm, xã phối hợp với đơn vị chức năng tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức về du lịch cho cộng đồng dân cư. Cụ thể, đầu năm 2018, UBND xã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội tập huấn cho người dân phương pháp, kỹ năng, giúp họ hiểu hơn về lợi ích từ du lịch; tăng sự tự tin trong giao tiếp; tạo môi trường thân thiện, chuyên nghiệp... Từ đó, người dân địa phương đồng lòng hướng tới mục tiêu gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử của cụm danh thắng Hương Sơn... và quảng bá tới đông đảo du khách trong và ngoài nước một cách hiệu quả.

Đỗ Minh/HNM