Hằng năm, cứ gần đến ngày rằm tháng Bảy Âm lịch, Phật tử khắp nơi lại tất bật chuẩn bị một mùa lễ Vu Lan. Năm nay, lễ Vu Lan rơi vào ngày thứ Bảy 25/08 Dương lịch. Nhân dịp đại lễ, hãy cùng những người thân yêu nhất của mình ghé thăm 4 ngôi chùa đẹp ở Sài Gòn này nhé.Mục Lục1. Chùa Vĩnh Nghiêm2. Chùa Pháp Hoa3. Pháp Viện Minh Đăng Quang4. Chùa Ngọc Hoàng
1. Chùa Vĩnh Nghiêm
Tọa lạc ngay số 339 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, nép mình bên chân cầu Công Lý là ngôi chùa với kiến trúc Phật giáo Việt Nam tiêu biểu cho thế kỷ 20. Chùa Vĩnh Nghiêm là một trong những ngôi chùa lớn của Sài Gòn. Chào đón Phật tử khi đến viếng chùa là cổng Tam quan, một kiến trúc khá đồ sộ làm bằng đá và nặng đến 120 tấn.
Khắc trên cổng trái của chùa là từ Vĩnh Cữu và bên phải là từ Nghiêm Trang, kết hợp tạo nên chữ Vĩnh Nghiêm thể hiện sự trường tồn và uy nghiêm.Bước qua cánh cổng, bạn sẽ bắt gặp ngay tượng Quan Thế Âm Bồ tát cao 10 m được đặt giữa sân.Ngay giữa khuôn viên rộng và thoáng mát, khoảng 6.000 m2 là tòa nhà trung tâm. Đây là một công trình kiên cố, rộng lớn bao gồm một trệt và một lầu. Tầng trệt là sự kết hợp giữa nhà Tổ và các phòng học. Dẫn lên phía trên là 23 bậc thang rộng lớn. Bên trên tòa nhà trung tâm là sân thượng, Phật điện và Tháp Quan Thế Âm.
Bên trong Bái điện toát ra vẻ trang nghiêm.Bái điện là nơi thờ Phật Thích Ca. Bên trái có Bồ Tát Văn Thù, tượng trưng cho trí tuệ. Bên phải là tượng Bồ Tát Phổ Hiền, người có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sanh mà hiện thân hóa độ.Xung quanh chùa Vĩnh Nghiêm là các bảo tháp. Vừa qua cổng ở bên phải là Tháp đá Vĩnh Nghiêm. Đây được xem là ngôi tháp đá đầu tiên ở miền Nam và cũng là tòa tháp bằng đá cao nhất ở Việt Nam.
Phật điện luôn được giăng đèn lồng và cờ.Những hành lang nhìn ra phía các tòa bảo tháp.Các nghi lễ cũng đang được tập dượt kỹ càng mỗi khi có dịp lễ lớn.2. Chùa Pháp Hoa
Giữa những phồn hoa náo nhiệt của đất Sài Gòn vẫn tồn tại một chốn thanh tịnh ẩn mình sau những tán cây xanh rợp bên bờ kênh Nhiêu Lộc.
Chùa Pháp Hoa tọa lạc ở số 220A Lê Văn Sĩ, quận 3. Được thành lập vào năm 1967, đây là một trong những ngôi chùa thuộc hệ phái Bắc Tông, cũng có tam quan, sân chùa, chánh điện, và hành lang. Nhưng vì hạn chế về diện tích nên chùa Pháp Hoa không có hậu đường, thay vào đó là kiến trúc ba gian độc đáo được phân bổ hài hòa theo từng tầng. Có truyền thuyết kể rằng ẩn sâu trong ngôi chùa là một đạo đường hầm bí mật được sử dụng trong những năm tháng bom lửa cháy trời.
Chúng tôi đã thử tìm mật đạo, nhưng cuối cùng lại thấy mình lạc đi giữa không gian nơi đây.Gian chính nằm giữa bao gồm chánh điện, gian bên trái là thư viện và nhà cốt. Tầng trệt gian chính là giảng đường. Khách đến chùa sẽ vào đây hành lễ và nghe thuyết pháp. Do đó, không gian nơi đây khá thông thoáng, với các cánh của luôn được mở để chào đón khách viếng.Lên đến tầng 1 là nhà tổ, nơi thờ các vị tổ sư sáng lập chùa và những người có công với chùa. Nơi đây được bài trí với những dãy bàn ghế phù hợp cho việc hội họp quý Phật tử trong những dịp lễ Phật. Tại đây cũng là nơi thờ tượng Quan Thế Âm Bồ tát.
Nơi thờ Quan Thế Âm Bồ Tát ở tầng 1.Chánh điện ở tầng 2, nơi đặt ba bức tượng uy nghiêm. Tọa giữa là Đức Phật Thích ca với gương mặt đức độ hiền từ.Khác với những ngôi chùa đẹp ở Sài Gòn khác, chùa Pháp Hoa có nét gì đó lãng mạn, mộc mạc và vô cùng bí ẩn. Cảm giác đầu tiên khi đặt chân vào chùa là sự tĩnh mịch lạ thường. Ngôi chùa ẩn mình hẳn đi sau một góc nhỏ bên con đường Hoàng Sa. Lại gần, và có lẽ ta sẽ chẳng nhận ra nó, đôi khi còn vô tình lướt ngang qua mà chẳng mảy may đoái hoài. Nhìn từ xa và ta sẽ thật sự bị ngỡ ngàng bởi sự nguy nga của chùa.Với hàng cây xanh như thể theo thời gian đã dần hòa làm một với bảng màu đỏ và nâu tương phản từ cửa và cột chùa, người đến dâng hương tự nhiên thấy thật thanh mát, cả về thể chất lẫn tinh thần. Cứ ngỡ như ta đang lạc vào một thời đại khác và đây là một chốn dừng chân yên bình khỏi những bụi trần thế gian.
Thiết kế mở cùng vị trí tọa lạc ngay bờ kênh giúp chùa Pháp Hoa luôn thông thoáng và mát mẻ dù không có khoảng sân rộng trong chùa như bao chùa khác.Một số người thoạt đầu nhìn qua cứ nghĩ đây là chùa của Đài Loan. Tuy nhiên, kiến trúc của chùa Pháp Hoa hoàn toàn là của Việt. Các tượng Phật cũng do nghệ nhân người Việt tỉ mỉ làm ra và đến cả mái đao cũng được lấy cảm hứng từ Văn Miếu Quốc Tử Giám ở Hà Nội.
Sự tương phản màu sắc tự nhiên tưởng chừng như phải nhờ các “app” chỉnh màu mới có được.Nét hoài cổ từ lớp mái ngói và hàng đèn lồng nơi cổng Đàn Môn.Bước vào chùa, chúng tôi tự hỏi liệu mình có còn ở Sài Gòn, hay đã vô tình vượt không gian mà đến với Hội An?Không phải tuyệt nhiên mà ngôi chùa lại có tên tiếng anh là Lotus Temple. Người ta hay bảo hoa sen đẹp nhất khi ngắm vào ban đêm. Vào ban ngày, chùa Pháp Hoa như đóa sen nhẹ nhàng nép mình, để khi đêm đến nở rộ với bao sắc màu hoa lệ làm cả một khoảng trời bừng sáng.Dù bạn đến để cầu bình an hay đơn giản là chỉ muốn tìm một điểm cân bằng cho cuộc sống sau mọi hối hả ngoài kia, Pháp Hoa mặc nhiên là điểm dừng không thể thiếu.
3. Pháp Viện Minh Đăng Quang
Nếu nói chùa Pháp Hoa là đặc trưng của kiến trúc cổ điển thì Pháp viện Minh Đăng Quang là ví dụ tương phản lại với kiến trúc hiện đại.
Tọa lạc ngay tại số 505 Xa lộ Hà Nội, phường An Phú, quận 2, đây có thể coi là ngôi chùa có quy mô lớn nhất ở thành phố Hồ Chí Minh và cũng là một trong những ngôi chùa đẹp ở Sài Gòn xếp vào hàng nhất – nhì rồi.
Pháp viện Minh Đăng Quang với cánh cổng chào mừng hoành tráng.Tượng Phật Bà đồ sộ đã khiến chúng tôi phải nghiêng mình kính cẩn ngay từ khi chúng ta vừa bước vào cửa.Trước thềm gian Chính Điện là những cảnh vật vẫn còn đang hoàn thiện.Mô hình toàn cảnh pháp viện sau khi đã hoàn thiện.Pháp viện Minh Đăng Quang do Hòa thượng Thích Giác Nhiên cho xây dựng vào năm 1968. Lúc bấy giờ, pháp viện chỉ gồm một chính điện hình chữ nhật được xây tạm cùng một số am cốc dựng từ tre lá nằm lẻ loi ngay giữa mảnh đất trống đối diện là con đường xa lộ Hà Nội rộng lớn. Sau nhiều năm giữ mình khiêm tốn, pháp viện chính thức công bố khởi công xây dựng vào đầu năm 2009. Từ đó, đây trở thành địa điểm diễn ra nhiều hoạt động lớn và là cũng là nơi giao lưu với Phật giáo các nước trong giai đoạn toàn cầu hóa.
Từ một chánh điện nhỏ nhoi, pháp viện Minh Đăng Quang giờ đây đã là một quần thể kiến trúc Phật giáo tráng lệ bậc nhất Việt Nam.Pháp viện mang văn hóa kiến trúc của hệ phái Khất Sĩ. Từ phía chính điện tọa lạc giữa mảnh đất rộng hơn 37.000 m2, ta có thể thấy bốn trụ biểu trưng cho 4 chúng bao gồm 2 chúng xuất gia và 2 chúng tại gia. Không chỉ có vậy, mỗi thiết kế của chùa đều mang một ý nghĩa đặc trưng. Ví dụ như bậc tam cấp tượng trưng cho Tam Bảo (“ba ngôi báu” hay bậc giác ngộ của Phật giáo) và tháp gỗ 13 tầng ngay phía trên, thể hiện sự tiến hóa của chúng sanh.Hiện tại, pháp viện đang tiến hành xây dựng hoàn chỉnh.
Pháp viện vẫn còn nhiều tòa tháp đang được xây dựng.Những đóa hoa đăng được bố trí khắp quanh chùa tạo một cảm giác nhẹ nhàng, trang nghiêm.Tuy vậy, chùa vẫn còn đang trong giai đoạn hoàn thiện.Bầu không khí náo nức chào đón một mùa đại lễ Vu Lan lan tỏa.Một trong những lý do khác để đến chùa không chỉ là vì những ngày lễ lớn, hay là để cầu an, mà còn là những giây phút yên tĩnh khó có được ở ngoài kia. Với quy mô rộng lớn, bạn luôn có thể tìm được một góc nhỏ bình yên.
Pháp viện Minh Đăng Quang có không gian rộng lớn. Từ chính điện cao nhất có thể bắt trọn trong tầm mắt khung cảnh quận 2 sầm uất.Tuy vậy, vẫn có nhiều góc khuất để dừng chân nghỉ ngơi.Trầm mình với sự tĩnh lặng an yên hiếm có.4. Chùa Ngọc Hoàng
Nằm tại số 73 Đường Mai Thị Lựu, Đa Kao, Quận 1, chùa Ngọc Hoàng (hay còn được gọi là chùa Phước Hải) là điểm dừng chân nổi tiếng của người Sài Thành. Chùa được xây dựng vào năm 1982 bởi người Hoa. Đến năm 1994 thì được công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, như vậy thì đây nhất định phải là nơi để nhớ đến mỗi khi bạn muốn tìm một ngôi chùa đẹp ở Sài Gòn để ghé thăm rồi đấy.
Cổng chính chùa Phước Hải tấp nập người đến dâng hương.Đến nay, ngoại trừ phần sân được lót lại gạch mới cho sạch sẽ, chùa vẫn giữ nguyên được nét kiến trúc cổ xưa đặc trưng, với phần chính điện bên trong là đền thờ Ngọc Hoàng, hai bên là các vị chư tiên và thiên tướng, vẫn được bảo tồn nguyên vẹn như những ngày đầu tiên. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam có những bức tượng cổ bằng giấy bồi dựng lại khung cảnh cuộc họp mặt của các vị thần khi về chầu Ngọc Hoàng.
Kiến trúc cổ xưa đặc trưng với những trạm khắc tinh tế mang vẻ uy nghiêm nhưng cũng không kém phần tịch mịch và có chút bí ẩn.Chùa Phước Hải có một khoảng sân rộng được che mát bởi hàng bồ đề lâu năm. Từ cổng chính hướng vào ngay giữa sân chùa là ao nuôi cá, sâu bên phía cánh phải chánh điện là chiếc ao nhỏ nuôi rùa. Trên mái chùa có sự xuất hiện của đàn bồ câu, thoảng hoặc lại vỗ cánh bay. Tất cả tạo nên một khung cảnh thật yên bình, thư thái cho khách viếng thăm.
Chùa Ngọc Hoàng là nơi để đến và thả trôi những lo toan vào chiếc ao cá ngay trước chính điện.Đây cũng là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất ở Sài Gòn nên hãy đến và đặt ước nguyện của mình vào những lời cầu khấn thành tâm.Khách đến chùa cúng lễ với nhiều ước nguyện khác nhau. Người cầu bình an, người cầu tài lộc, nhưng chùa Ngọc Hoàng lại nổi tiếng cho việc cầu con cái. Ngoài Ngọc Hoàng, chùa còn thờ Kim Hoa Thánh Mẫu và 12 bà mụ tượng trưng cho sự sanh đẻ theo văn hóa người Hoa. Đã có rất nhiều trường hợp linh ứng diệu kỳ được kể lại trên các diễn đàn nội trợ. Nhưng được hay không vẫn phải nhờ cậy vào hai chữ “tùy duyên”.Kỷ niệm ngày sinh của Đức Phật hằng năm, chùa thu hút nhiều khách đến viếng. Nổi bật là sự kiện nguyên tổng thống Mỹ Obama đến thăm vào dịp lễ Phật Đản năm 2016. Hiện nay, Chùa Phước Hải cũng đang chuẩn bị cho một ngày đại lễ khác.
Sân vườn quét dọn tươm tất cùng dàn cờ đã được treo hân hoan chào mừng lễ Vu Lan.Những ngôi chùa kể trên không chỉ là chốn tâm linh cho người dân địa phương mà còn thu hút được sự chú ý, quan tâm của du khách. Khi đến với Sài Gòn ngay dịp tháng 7 âm lịch này, bạn nhất định nên ghé qua những ngôi chùa này để cảm nhận một bầu không khí đại lễ vô cùng náo nhiệt và thành kính đang lan tỏa trong khắp thành phố. Và không chỉ trong mùa Vu Lan, mà mỗi khi cần tìm một nơi yên tĩnh để giải tỏa căng thẳng hay đơn giản là chỉ muốn tìm lại bản thân sau những ồn ào ngoài kia thì những ngôi chùa đẹp ở Sài Gòn này sẽ là điểm đến tốt nhất.Tác giả: Mèo Du Ký
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal Nguồn : Traveloka