Một thực trạng mà hậu quả của nó đang và sẽ tiếp diễn, đang được nhìn thấy ở thị trấn Sa Pa, huyện Sa Pa, Lào Cai, nơi vẫn được ngợi ca là chốn bồng lai tiên cảnh, là thị trấn trong mây. Những đường phố mờ sương Sa Pa, nay nhiều chỗ đã mờ bụi xi-măng, bụi đường và nồng mùi khói xe. Những khoảng không gian thưa thoáng cho người ta phóng tầm mắt ra những dải núi hùng vĩ, nhiều chỗ đã bị che, bị vướng bởi các khối nhà cao tầng đồ sộ. Thậm chí những con phố nhỏ thoai thoải theo địa hình dốc núi, giờ cũng thiếu cả vòm trời do bị vây kín giữa hai bên là chuỗi nhà cao.
Thị trấn nhỏ Sa Pa đang tiếp tục là “đại công trường” của xây dựng, của tiêu thụ và dịch vụ đáp ứng các nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng, ăn, ở, đi lại… của đông đảo du khách bốn phương. Những ngày nắng nóng vừa qua, phố núi Sa Pa vốn đã gánh nặng khách sạn, nhà hàng, quán ăn, cửa hàng dịch vụ, càng thêm đông đúc người và xe cộ. Sân vận động và nhiều dãy phố được trưng dụng làm nơi tập kết các loại xe. Nhiều khách sạn đang xây dựng, đang tiếp tục nâng cao lên năm tầng, sáu tầng, bao lấy cả nhiều đoạn sườn dốc quanh thị trấn… Khu vực trung tâm thị trấn với điểm nhấn nhà thờ đá thanh mảnh cùng những hàng thông xanh tốt và các tòa nhà, biệt thự cổ, nay cũng đã bị choán bởi những khối nhà mới quy mô lớn, cực lớn, trở nên mất cân đối, biến dạng. Nét mềm mại, thanh thoát trở nên gồ ghề, góc cạnh và đồ sộ. Vẻ hoang sơ, tự nhiên đã được thay bằng không khí hiện đại, sôi nổi và đậm tính tiện nghi.
Sa Pa - “viên ngọc giữa đất trời huyền ảo”, không của riêng ai. Nét đẹp cảnh quan, khí hậu, văn hóa dân tộc, đời sống cư dân nơi này được tìm đến chiêm ngưỡng, trải nghiệm từ khắp nơi. Được hậu thuẫn thêm nhờ sự thuận lợi giao thông và tăng tiến về mức sống của khách thập phương. Tạo điều kiện để địa phương phát triển du lịch, đem lại nhiều lợi ích về kinh tế, tạo công ăn việc làm, quảng bá văn hóa… là chủ trương, chính sách đúng. Nhưng nhiều hoạt động xây dựng đang diễn ra, tưởng như một sự hưởng ứng, tận dụng chủ trương, chính sách đó, thực chất, là đi ngược lại. Địa hình biến dạng, cảnh quan tự nhiên bị xâm lấn, môi trường có nguy cơ ô nhiễm…, càng làm cho khả năng bền vững của du lịch bị lung lay, và điểm đến kỳ diệu Sa Pa, có nguy cơ biến đổi theo xu hướng mai một, thoái hóa. Khi đó, thì những gì công chúng gặp ở Sa Pa sẽ thiên về sự hào nhoáng, nặng nề và thực dụng.
Hoạt động xây dựng ở Sa Pa nên đến lúc dừng lại để chính quyền, ngành quy hoạch, kiến trúc, văn hóa - du lịch… có bước nghiên cứu, chỉnh trang về hình thức, diện mạo của “thị trấn nhỏ mộng mơ” trên những cái… đã rồi. Mặc dù đấy mới là sửa phần “vỏ”, còn phần hồn cốt, bản sắc đã có dấu hiệu mờ nhạt đi, thì còn đứng trước bao nhiêu câu hỏi!
Theo Nhandan