Chọn được quốc gia nào để đến, visa, hành lý này kia xong xuôi tất thảy rồi thì cũng tốn một mớ công sức. Chưa hết, lại còn phải hao thêm không ít ca-lo-ri để xem cần trang bị cái gì, xử lý mấy tìn huống bất ngờ làm sao, vân vân mây mây. Ôi, cần lắm một sự hiến kế cứu vãn! Chậc, Tripnow còn ở đây mà thì các cậu lo lắng làm gì, minh trợ thủ cho cả chục điều cho chuyến đi thêm thành công nà.
1. Tạo bản sao lưu của mọi thứ
Tức là, giữ một bản gốc của mấy giấy tờ tùy thân, visa,... ở nơi an toàn và dễ lấy nhất, sau đó photocopy thêm một bộ cất ở vali, cất ở balo nhỏ hay đeo, đưa cho bố mẹ, chụp ảnh lại, up lên Google Drive hoặc gửi ảnh cho bạn bè thân tín hay người thân để có thể hỗ trợ bạn khi một ngày “vận đen” không rủ cũng tới nha!
2. Quyển sổ!
Ghi lại tất cả những số điệm thoại của những người quan trọng, những cơ quan chức năng nước nhà và ở nước bạn, mã vùng, mã quốc gia (bắt buộc phải nhớ nha). Cái này không chỉ lưu giữ thông tin cơ bản về mấy cậu hay cứu cánh mấy cậu lỡ lúc điện thoại hư mà còn là một người bạn diễn đắc lực cho bộ ảnh thêm nghệ thuật nhen!
Lưu ý: Mua sổ có chỗ gắm bút vào cho bút đỡ đi lung tung, sổ mỏng vừa thôi nhé.
3. Túi xách, balo vừa phải
Quên cái vali đi, nó sẽ ở rất xa mấy cậu. Nhất định phải có một em túi tote (có dây kéo mới được) hay một cái balo thuận tiện mang cả ngày. Những vật này là nơi trú ngụ cho giấy tờ, đồ makeup, nước suối hay mấy vật nhỏ nhỏ và dĩ nhiên - đạo cụ sống ảo.
4. Khăn
Một chiếc khăn mềm sẽ đóng vai trò như sau: Lau mặt, băng bó vết thương nhẹ, bọc vật dụng, làm dấu, phụ kiện,... Nhỏ gọn và xinh đẹp như thế thì phải đem theo nha.
5. Túi zip du lịch
Cái này hẳn mấy cậu rõ. Túi zip giúp “nội bất xuất ngoại bất nhập”, kín đáo, nước không làm hỏng vật bên trong được nên dành để đựng giấy tờ, hình ảnh, vật điện tử, trang sức, giày,... đều rất tốt. Nhớ mua nhiều loại, nhiều kích cỡ để dành nhe, không nặng đâu. Nếu đi biển thì nhớ sắm luôn túi đeo chống nước để có thể tự bảo quản điện thoại của mình nhen.
6. Túi mỹ phẩm du lịch
Ngắn gọn là vầy, đồ lỏng như nước, nước hoa, dầu gội, kem, v.v,... đều phải dưới 100ml và tổng cộng dưới 1l mới được mang lên máy bay, cho nên, phải ra mấy cửa hàng tiện dụng hay đồng giá ấy, sắm một túi chiết mỹ phẩm xinh xinh nhen. Tầm 50k là có cả bộ luôn, vừa ngăn nắp vừa nhẹ.
Đọc thêm đầy hữu ích nè 6 tuyệt chiêu xếp hành lý du lịch cực thông minh và tiết kiệm chỗ.
7. Thuốc men
Đi du lịch mà, nhiều khi ăn uống thất thường hay do không hợp cơ địa, rồi nhức đầu vì say nắng,... Hãy bỏ thuốc vào một túi zip nhỏ và để vào túi của cậu, chỉ là mấy thứ đơn giản như thuốc cảm, băng cá nhân, bông gòn, dầu gió, thuốc chống côn trùng đốt, thuốc say xe, đau đầu hay thuốc cá nhân.
8. Đồ phòng thân
Suỵt, không phải súng gì đâu nhen! Máy bay cấm cửa những thứ được xem là hung khí như dao, kéo, v.v… cho nên khi xuống sân bay rồi thì nhớ ghé cửa hàng tiện lợi hay bách hóa sắm một cây kéo hay một cây dao nhíp nho nhỏ. Dù không có dịp đùng để tự vệ thì cũng là một món rất cần cho sinh hoạt mỗi ngày, lỡ sắm một chiếc áo mới mà về phòng muốn mặc ngay thì làm sao cắt tag tiền, nhỉ?
9. Thiết bị đổi điện thế
Nên nghiên cứu trước là chỗ mình ở, người ta xài ổ điện kiểu gì (ba chấu hay dẹt), điện thế 110V hay 220V? Cục sạc dự phòng sạc sẵn pin ở nhà, đế dùng cho nhanh. Dành cho mấy cuồng chụp ảnh nè, muốn dế yêu đừng hết pin chóng quá thì nhớ tắt mấy cái tab ẩn, chỉnh độ sáng vừa phải và để chế độ máy bay (nếu cần).
10. Để ý lỗ nhòm của phòng khách sạn
Để đảm bảo an toàn cho bản thân khỏi trộm cắp thìkhi bước vào phòng khách sạn, các cậu hãy nhìn kỹ vào chiếc lỗ này để kiểm tra xem mình có thấy được người bên ngoài và người bên ngoài có thể quan sát được bên trong không nhé.
11. Ứng dụng “sống còn”
Đừng ngần ngại vì tiếng Anh chưa mượt hay đường xá không rành, điện thoại thông minh ấy mà, chúng nó thông minh hơn bạn nghĩ với những app hữu ích sau đây đây, tải ngay vì biết đâu cần dùng nha:
- App dự báo thời tiết: thường điện thoại sẽ có sẵn app này.
- App đổi tiền: Currency
- App tìm địa điểm ăn uống: Foursquare, Local Eats...
- App tìm đường: Google map, Citymapper...
- App dịch: Google translate, Duo Lingo…
- App tìm địa điểm tham quan: Time Out, tripAdvisor...
- App tìm bạn bè địa phương: Couchsurfing…
12. Thời gian
Nên đặt điện thoại sang chế độ 24 giờ. Khi ấy xem giờ tàu chạy hoặc đặt phòng cũng trở nên dễ dàng hơn và mang tính quốc tế hơn, đôi bên đều dễ hiểu.
13. Tiền nong
Cũng như giấy tờ, mình luôn tâm đắc “Không nên để hết nhiều trứng vào một rổ”. Bên cạnh một ít tiền mặt của nước bạn, một ít dollar và một chiếc Master Card thì hãy để đâu đó trong va li (tất, đáy va li,... ) một ít dollar nữa phòng trường hợp xấu xí nhất xảy ra thì bạn vẫn có thể xoay sở được, dollar hầu như phổ biến khắp nơi.
Nhớ là một ít thôi nhé, đừng trút hết cả ⅔ ra tiền mặt nha!
14. Học cách quy đổi
Quy đổi kilômet, lít, độ C sang dặm, gallon và độ F,... Nắm được kiến thức cơ bản của những đơn vị này sẽ giúp bạn tuân thủ được tốc độ mà không phải kiểm tra thường xuyên, gọi đồ uống và ăn mặc phù hợp với thời tiết... Nhớ àm quen với tiền tệ địa phương và tỉ giá để tính toán nhanh chóng, không tiêu xài quá lố.
15. Học vài tiếng địa phương
Nghe một anh Tây ngọng nghịu “Trời ơi” hay “Cảm ơn”, tự dưng thấy gần gũi và muốn giúp đỡ hơn nhiều đúng hông? Cho nên những câu xin chào, cảm ơn, chào buổi sáng hay gì đó phổ biến và đơn giản thì nên học, người dân bản xứ sẽ cảm giác mấy bạn dễ gần và đáng tin hơn.
16. Thái độ dễ thương
Đừng tiết kiệm nụ cười bởi nó sẽ khiến bạn trông ấm áp hơn. Biết đâu người trong quán cà phê mà cậu vừa cười nhẹ một cái có thể sẽ giúp cậu tìm đường đến quán ăn chiều nay? Hơn nữa, nếu có nhờ giúp đỡ, nên nhấn mạnh rằng các cậu là người “non xanh”, mới đi đến đây lần đầu và chưa rõ về điểm này, điểm kia (dù đã nghiên cứu và rành như lòng bàn tay) để người ta có thể cảm thấy được rõ “Người này cần giúp đỡ”. Lỡ có gây ra sơ suất gì thì người dân ở đó cũng vì bạn là người mới toe mà bỏ qua, vậy đó!
Tuy nhiên, đối với người Châu Á (đặc biệt là Nhật) thì nên cúi chào nhẹ hơn là cười rạng rỡ vì văn hóa của họ là thế.
17. Dậy sớm
Như ở Việt Nam thì buổi sáng có giò cháo quẩy nóng, có hàng cà phê sữa đá, có mấy cụ tập dưỡng sinh và những tà áo trắng thấp thoáng đến trường,... thì ở Thượng Hải sầm uất, Pháp bình yên hay Thái Lan rực rỡ cũng sẽ có những khung cảnh đặc trưng của họ. Các cậu nên thức dậy sớm để ngắm nhìn được cuộc sống thường nhật và kéo dài được thêm thời gian vui chơi của mình.
18. Bình tĩnh và không được rụt rè
Lỡ tuyến xe buýt thì làm sao? Nóng giận cũng không có ích vì sẽ có chuyến tiếp theo. Lạc đường? Hỏi ngay người dân bản xứ vì họ đôi khi còn tinh thông hơn GG Map. Nhớ lưu ý về thái độ dễ thương của mình ở trên không nè? Áp dụng nha.
19. Đừng lên plan quá cụ thể
Dĩ nhiên, bạn phải tạo một cái “sườn” đã, là ngày hôm đấy sẽ đi đâu, ăn gì nhưng đừng cứng nhắc liệt chúng vào từng khung giờ nhất định. Ví dụ, chỉ cần chỉ ra hôm đó các cậu muốn đi đi Taipei 101 rồi sang Đài tưởng niệm Tưởng Giới Thạch là được, đừng gay gắt về chuyện phải đến đâu lúc mấy giờ, cứ thong dong và nhắm chừng làm sao mà có thể tham quan cả 2 nơi trong ngày là đủ.
Hành động này giúp mấy cậu có tâm lý thoải mái, tự do khám phá mà không để lỡ quá nhiều điểm hay ho của một đất nước.
20. Áo phông in chữ
Tránh xa những món đồ phô diễn tinh thần yêu nước (áo phông in slogan đề cao niềm tự tôn dân tộc, áo in hình cờ Việt Nam). Đầu tiên là chỉ có du khách mới ăn mặc như vậy, chúng ta có thể tỏ ra thiếu kinh nghiệm chỉ khi nhờ ai đó trợ giúp chứ không nên luôn tỏ ra "ngây ngô" như thế, sẽ khiến các đối tượng xấu chú ý đến bọn mình. Hơn nữa, việc các cậu đi đến một đất nước khác đơn độc nhưng lại vận chiếc áo in hình dòng chữ "I love Viet Nam" thì sẽ hơi lúng túng và khó xử. Biết là du lịch thì phải thoải mái, nhưng vẫn luôn đề cao sự đúng lúc, đúng nơi bạn nhé!
Thế nha! Mấy cậu cứ bình tĩnh, tự tin và trên hết là cẩn thận - cẩn thận rồi thì cái gì cũng sẽ chu toàn, vào khuôn khổ hơn. Những việc này dẫu là nhỏ nhặt thôi nhưng mình tin chúng sẽ đóng góp rất nhiều cho chuyến oanh tạc xứ người lần đầu tiên đấy! Chúc các xê dịch-er của mình nhiều may mắn và thượng lộ bình an nhé!
Thực hiện: Mẫn Quỳnh
Nguồn : tripnow.vn