Du khách trải nghiệm xích-lô ở Huế. Ảnh: PHƯỚC QUANG
Những chiếc xích-lô vốn chẳng hề xa lạ ở những thành phố du lịch. Nhưng có lẽ, chẳng nơi nào, xích-lô trở thành một nét văn hóa xưa cũ trong dòng chảy của cuộc sống hiện đại, cũng chẳng nơi nào, những người đạp xích-lô lại phục vụ chuyên nghiệp, am hiểu về các thắng cảnh, di tích… như ở Huế.
Nẻo mưu sinh
Xích-lô đã trở thành phương tiện di chuyển quen thuộc của du khách và người dân đất cố đô. Những chiếc xe mầu xanh, mầu tím... chạy chầm chậm trên những con đường rợp bóng cây mang đến cho mảnh đất này một nét duyên dáng riêng biệt. Chúng tôi đang tản bộ trên đường, một người đạp xích-lô trung tuổi trờ xe tới mời mọc: "Anh chị khám phá Huế bằng xích-lô đi! 150 nghìn một chuyến, đi khắp thành phố". Chất giọng Huế cùng cung cách mời mọc rất lịch sự khiến chúng tôi khó lòng từ chối. Tiếng xích, tiếng bàn đạp vang đều theo những vòng quay, pha lẫn tiếng thở nhẹ, những lời giới thiệu về xứ Huế có đôi lúc bị ngắt quãng của bác tài. Xe chạy êm, chầm chậm trên những con đường xanh lá, qua những thành quách, phố xá, dòng sông. Thi thoảng là những chiếc xe lam lũ mưu sinh, có khi lại là những chiếc xích-lô sang trọng của những đám cưới, đám hỏi. Rồi bóng dáng của những tà áo dài mầu xanh, mầu tím nhẹ nhàng, tao nhã của thiếu nữ Huế lướt qua... Ngắm Huế trên xích-lô, bỗng thấy Huế vừa yêu thương, vừa gần gũi. Vì thế, nhiều người con đất cố đô hàng chục năm nay vẫn thường xuyên sử dụng xích-lô. Với họ, ngắm kinh thành xưa qua xích-lô đã trở thành thói quen tao nhã.
Bác tài bảo: "Thành phố có khoảng 5.000 chiếc. Nét riêng của Huế mà anh! Xích-lô tràn ngập mọi nẻo đường, từ hai bờ sông Hương, cầu Trường Tiền đến chợ Ðông Ba…". Từ những ngày nghèo khó, chiếc xích-lô đã xuất hiện, ăn sâu vào tiềm thức của người dân, trở thành phương tiện chuyên chở chính, nhất là với những người nghèo, không có xe riêng. Những năm 70-80 của thế kỷ trước, mỗi chiếc xích-lô khi hành nghề đều phải gắn biển số. Cuộc sống đô thị hiện đại dần len lỏi vào khắp chốn. Ban đầu là xe ôm, rồi ta-xi xuất hiện. Những tưởng xích-lô sẽ chỉ còn là quá vãng. Nhưng ngày nay, xích-lô vẫn nhộn nhịp qua lại ở đất cố đô. Thậm chí, từ khi Huế trở thành điểm đến, thu hút du khách, xích-lô có thêm "đất diễn", môi trường và điều kiện làm việc của cánh lái xe được chính quyền, các ban, ngành quan tâm giúp đỡ để phục vụ du lịch.
Người dân Huế bảo, thời điểm đẹp nhất để ngắm kinh thành bằng xích-lô là ban mai, hoặc chiều tà. Tiếng cót két của bàn đạp vang lên đều đặn. Các con phố nhuộm mầu tím biếc dần lui lại đằng sau. Những ánh đèn bật lên, ảo mờ thành phố. Tôi cũng đã đi xích-lô ở nhiều thành phố du lịch, nhưng không nơi đâu có ấn tượng như những chiếc xích-lô Huế. Bác tài bảo, một chiếc xích-lô đủ chuẩn không quá cao, để khỏi gió lật. Không quá thấp, vừa đủ tầm để du khách có thể phóng tầm mắt ngắm cảnh phố phường. Mầu xe xanh nhẹ, mầu tím hoàng hôn, hòa hợp với vẻ u hoài của đất Huế. Xe dừng lại ở bất cứ nơi đâu mà du khách muốn dừng để chụp ảnh. Thi thoảng, bác tài giới thiệu những quán ăn ngon. Nếu khách muốn dừng để nhâm nhi ở những quán chè, quán bún Huế, cánh lái xe đều dừng chờ một cách nhã nhặn.
Nhịp cầu du lịch
Trong cái nắng gắt miền trung, phút chờ khách, những bác tài xích-lô chọn bóng râm để tránh nóng. Ấy vậy mà mỗi khi có khách, họ lập tức lên đường. Mui xe được kéo lên. Bác tài dùng khăn vắt vai lau mồ hôi rịn trên trán. Họ vừa đạp xe, vừa giới thiệu cho du khách về Huế như hướng dẫn viên chuyên nghiệp. Nhiều du khách bảo, người đạp xích-lô ở Huế cứ như một cuốn từ điển sống, có thể kể những câu chuyện của chốn kinh thành thời xa xưa, cho đến cuộc sống ở Huế hôm nay với cách kể lôi cuốn và sống động. Có những câu chuyện thú vị họ vẫn truyền miệng rồi thêm chút "gia vị" kể cho du khách mà không sách báo nào có được. Rồi những điểm ăn chơi, những nơi mua quà, mua đặc sản vừa rẻ vừa ngon cũng nằm gọn trong lòng bàn tay họ. Thường xuyên phục vụ khách Tây, cho nên không có gì lạ khi bắt gặp một bác tài nói thạo cả tiếng Anh lẫn tiếng Pháp.
Từ lâu, xích-lô Huế đã xây dựng được thương hiệu, có cách phục vụ khá chuyên nghiệp. Từ nhiều năm trước, xuất hiện những chiếc "xích-lô dù", theo cách nói của họ là những người lái xích-lô tự phát, chuyên "chặt chém" khách hàng. Chính vì nhiều trường hợp khách bị "thét giá" xuất hiện nhan nhản trên các mặt báo cho nên nhiều người ái ngại với loại phương tiện di chuyển này. Hoạt động của những chiếc "xích-lô dù" không chỉ làm khách hàng đến với xích-lô ít đi, mà còn khiến hình ảnh cố đô Huế ít nhiều bị ảnh hưởng. Sau này, các nghiệp đoàn xích-lô được thành lập, được Liên đoàn Lao động TP Huế quản lý cho nên những người đạp xích-lô đều được tập huấn kỹ năng giao tiếp, nâng cao kiến thức về du lịch. Ðể đủ tiêu chuẩn vào nghiệp đoàn, người đạp xích-lô phải bảo đảm các tiêu chuẩn như: không chèo kéo khách, phục vụ chu đáo, không được lấy tiền quá mức giá cho phép… Có các nghiệp đoàn, có đồng phục, có mầu xe riêng có cách phục vụ chuyên nghiệp cho nên tình trạng "chặt chém" giảm hẳn.
Nói về nghiệp đời, bác tài Nguyễn Văn Tuấn chia sẻ: "50 năm rồi đạp riết thành quen. Muốn bỏ nghề cũng không được. Bọn tui làm một năm có hơn sáu tháng, từ ra Tết cho đến khoảng hết tháng 7 âm lịch. Sau đó mùa mưa, muốn chạy cũng không có khách. Ngồi trong nhà nhìn trời mà nóng ruột nóng gan. Thời gian nghỉ ở nhà chẳng biết làm chi. Nhiều khi chân cẳng đau nhức, lại nhớ bàn đạp. Kể cũng lạ, khi đạp xe lại thấy khỏe lên".
Cuộc sống với chiếc xích-lô nếu chăm chỉ cũng tạm gọi là no đủ, chỉ cần chăm là có đồng ra đồng vào. Theo cánh lái xe, nghề đạp xích-lô đòi hỏi phải có sức bền cùng một đôi chân dẻo dai vì bàn đạp còn dùng cho cả việc phanh xe. Ấy vậy mà những người gắn bó với nghề này lâu năm đều sống thọ. Trước những năm 1980, người đạp xích-lô Huế không chỉ là người lao động tay chân bình thường, có nhiều người được học hành đầy đủ nhưng gia cảnh sa sút, họ biết tiếng Anh - Pháp; rành văn thơ, chữ nghĩa.
Ở Huế, cũng không khó để bắt gặp những người đạp xích-lô đã ở tuổi xưa nay hiếm ngày ngày vất vả mưu sinh. Trời đã về gần tối muộn, nhưng ông Nguyễn Văn Tuân vẫn đạp xe rong ruổi khắp các ngả đường để cố gắng kiếm nốt ít hành khách cuối ngày. Ông Tuân đã gần 70 tuổi, nhưng hằng ngày vẫn bám lấy chiếc xích-lô từ tờ mờ sáng. Cái nghề này, chân thôi đạp là bụng lại đói. "Ngày nào tui cũng làm việc từ 5 giờ sáng cho đến tối mịt. Những hôm nắng đẹp thì còn có khách. Những hôm trở trời mưa gió chỉ biết nằm ở nhà thở dài. Trung bình mỗi ngày được vài chuyến cũng chỉ đủ để trang trải cho mấy miệng ăn".
Cái thú của việc đi xích-lô, rảo qua những con đường, thành quách là cách để "ôm Huế vào lòng". Ðạp xe chầm chậm đến điểm trả khách, như là món quà lúc chia tay, người lái xe chậm rãi đọc mấy câu thơ (của Phương "xích-lô", một nhà thơ, một người phu xe nổi tiếng xứ Huế) mà các bác tài ở đây ai cũng thuộc: Hạt muối hòa tan trong ly nước/ Tôi cũng hòa tan giữa cuộc đời/ Làm tên phu xe qua ngày tháng/ Chở bao tiếng khóc lẫn nụ cười/ Vắng khách đôi khi về chở gió/ Không tiền, không bạc vẫn cười vang/ Dừng lại bên cầu nghe nước chảy/ Chợt thấy mình: một giọt nước Hương Giang…
Hoàng Mộc Lan/Nhandan