Nếu đã một lần đến cố đô Huế, bạn hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi những lăng mộ rộng lớn được sơn son thiếp vàng, chạm trổ tinh tế của các vị vua Nguyễn. Từ bao đời nay, người Huế luôn xem trọng phần mộ khi về cõi vĩnh hằng để gửi thác cả thể xác lẫn linh hồn. Những người Huế ở tuổi xế chiều sẽ tính đến việc tìm một phần đất, thường ở địa thế cao ráo, để con cháu cất mộ khi họ về thế giới bên kia. Và để “thưởng ngoạn” khu lăng mộ bề thế nhất ở Huế, mời bạn cùng tôi đến với làng An Bằng.Cách thành phố Huế khoảng 36 km, ven bờ biển, có một làng chài nổi tiếng nhiều năm nay thu hút nhiều du khách ghé thăm dù không phải là một địa danh du lịch. Làng An Bằng thuộc xã Vinh An, huyện Phú Vang vốn là một làng chài nay được biết đến là “thành phố lăng mộ’ hay “thành phố ma An Bằng” với những “siêu lăng”. Làng tôi giáp bên làng An Bằng nên mỗi lần theo ba về quê giỗ chạp tôi lại có dịp đi ngang khu nghĩa trang này, có lúc tôi dừng lại thật lâu ngắm nhìn những ngôi mộ nguy nga như những tòa lâu đài, tinh xảo không kém gì lăng tẩm của vua chúa. Len lỏi qua những lối đi nhỏ giữa mênh mông cõi ‘người ta’ mà tôi lại không hề có một chút cảm giác rùng rợn hay ớn lạnh gì mà thay vào đó là sự kinh ngạc và tò mò.Mục Lục1. Lạc vào ma trận2. Kiến trúc lăng mộ đa dạng3. Bạn có nghĩ đây là nơi yên nghỉ của người chết?4. Làm thế nào để đến “thành phố lăng mộ”?
1. Lạc vào ma trận
Nếu không định hướng tốt bạn cũng dễ dàng đi lạc.Khu nghĩa địa An Bằng rộng khoảng 40.000 m2 trải dài đến gần biển, đến nay có hơn cả nghìn ngôi mộ rộng từ 40 – 400 m2 có cổng cao đến 7- 8 m. Thậm chí những người thợ nề chuyên xây lăng mộ ở đây cũng không thể nhớ nổi con số chính xác là bao nhiêu. Chi phí xây dựng mỗi ngôi từ vài trăm triệu đến vài tỷ, có lên đến gần chục tỷ đồng. Có ngôi xây rồi vài năm sau lại được đập ra để xây mới to hơn, cái xây sau bề thế hơn cái xây trước. Trùng trùng điệp điệp, san sát nối đuôi nhau, các ngôi mộ đủ màu sắc hình dáng trải dài trên đồi cát bao la khiến ta như bước vào một vùng đất thâm sâu, bí hiểm.
Bên trong lăng mộ.2. Kiến trúc lăng mộ đa dạng
Nét độc đáo của làng lăng không chỉ về quy mô của những phần mộ mà còn về kiến trúc xây dựng lăng mộ đa dạng phong cách từ Phật giáo, Thiên Chúa giáo đến Nho giáo… kết hợp những nét đặc trưng kiến trúc lăng mộ ở Huế được các thợ xây sáng tạo theo ý nguyện của gia chủ.
Bánh xe luân hồi và biểu tượng Phật giáo trên một ngôi mộ.Ngôi mộ theo phong cách Thiên Chúa giáo có cả tượng Đức mẹ Maria.Một ngôi mộ khác mang phong cách hiện đại.Nếu xưa kia những họa tiết tứ linh vật như long, ly, quy, phụng chỉ dành cho các bậc đế vương, thì nay bạn có thể nhìn thấy ở rất nhiều ngôi mộ ở đây. Trên những bậc đá, những linh vật vừa uy nghi, vừa hùng dũng canh giữ những ngôi mộ. Trên những trụ biểu, rồng phượng uốn lượn nhưng đang bay lượn trên nền trời xanh thẳm.
Linh vật canh giữ các ngôi mộ.Tứ quý Mai Lan Cúc Trúc tượng trưng cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông được đắp nổi tinh xảo.Họa tiết vẽ, chạm trổ cầu kỳ.Còn có những bức tranh thủy mặc trữ tình. Dường như người sống muốn mang tặng cả thế giới cho người đã khuất. Những mảng sành sứ đủ màu sắc được cắt gọt công phu, đắp nổi để tạo hình.
3. Bạn có nghĩ đây là nơi yên nghỉ của người chết?
Cổng tam quan cao vút, vọng lâu ngắm cảnh, khuôn viên thoáng đãng, hòn non bộ làm bức bình phong án ngữ… không khác gì biệt phủ. Các ngôi mộ san sát bên nhà dân nhiều lúc khó biệt đâu là mộ đâu là đền miếu.
Đường vào lăng.Hòn non bộ bên trong lăng.Trụ biểu hệt như lăng tẩm vua chúa.Ngoài khu mộ độc đáo này, An Bằng còn sở hữu vô số các nhà thờ họ khang trang. Dọc các con đường bê tông len lõi vào từng xóm nhỏ, đâu đâu cũng dễ dàng bắt gặp các nhà thờ họ kín cổng cao tường và chỉ mở cửa khi đến dịp kỵ giỗ, hương khói.
Một nhà thờ họ trong làng.So với làng của tôi, làng An Bằng nhìn chung khá giả hơn dẫu vẫn còn một số ngôi nhà còn lụp xụp. Các ngôi mộ ở đây và nhà cửa được xây dựng nhờ vào tiền của người thân ở nước ngoài gửi về, chủ yếu là từ Mỹ, như là một cách họ báo hiếu với ông bà tổ tiên và hướng về quê cha đất tổ.
Và ngày ngày, thêm nhiều ngôi mộ mới tiếp tục được xây cất.4. Làm thế nào để đến “thành phố lăng mộ”?
Từ thành phố Huế, có hai hướng để di chuyến đến làng An Bằng:Đi hướng quốc lộ 49: từ Huế men theo quốc lộ 49 về biển Thuận An, rồi tiếp tục theo dọc tuyến đường ven biển chừng 30 km đến xã Vinh An. Đến đây bạn có thể hỏi người dân đường để ra khu lăng mộ.Đi hướng Đà Nẵng: từ thành phố Huế đi theo hướng Đà Nẵng tầm 16 km sẽ đến địa phận xã Thủy Phù. Tại giao lộ đường tránh Huế, rẽ trái theo hướng cầu Trường Hà, qua khỏi cầu Trường Hà rẽ phải đến địa phận xã Vinh An. Từ đây bạn có thể hỏi ngươi dân đường ra khu lăng mộ.Tổng 2 hai đoạn đường gần tương nhau.Huế là một kho tàng những điều đặc sắc, càng tìm hiểu bạn sẽ càng khám phá nó. Đến Huế, thử một lần ghé làng An Bàng để hiểu thêm về mảnh đất Cố đô nhé.Tác giả: Đỗ Thị Thúy Hằng
*Bài viết tham gia chương trình Traveloka Golocal. Nguồn : Traveloka