Bún thịt nướng chị Tuyền hay mì Thiệu Ký không chỉ là địa chỉ ẩm thực quen thuộc của người Sài Gòn mà còn được nhiều du khách tìm đến.
5 quán ăn ở Sài Gòn nổi danh từ gánh hàng rong
Lương Gia Mỳ Ký: Đây là một quán ăn gốc Hoa, mở từ những năm 90 của thế kỷ trước, đã thay đổi địa điểm 3 lần trước khi mở tiệm tại ngã năm đường Phan Văn Hân – Huỳnh Mẫn Đạt – Nguyễn Văn Lạc và hai hẻm nhỏ khác ở khu Thị Nghè, quận Bình Thạnh. Tiệm rộng khoảng 30 m2. Những dãy bàn ghế inox được xếp kín gian nhà chỉ chừa đủ lối đi cho khách. Nếu đi một mình, đôi khi bạn sẽ phải ngồi ăn cùng người lạ. Mở cửa từ khoảng 15h, tiệm đông khách nhất vào 18h.
Mì vịt tiềm là món được nhiều khách săn đón và nhanh chóng “cháy hàng” dù tiệm mở đến tối muộn. Nhắc đến món nay, người từng thử qua đều nhớ đến bộ ba: đu đủ bào, tương ngọt và xốt mù tạt. Đây là một trong những điểm riêng của tiệm. Khách có thể gọi miếng đùi vịt riêng với giá 79.000 đồng.
Bún thịt nướng chị Tuyền: Theo lời kể của chủ quán hiện tại, quán bún thịt nướng này khởi đầu cách đây 40 năm. “Hồi đó, mẹ tôi bán bún trên gánh, ở vỉa hè quận 1. Tôi kế thừa quán được gần 20 năm nay”, chủ quán cho hay. Hiện, quán nằm ở một gian nhà nhỏ trên đường Cô Giang, quận 1.
Điểm cộng cho quán là thịt luôn được nướng mới. Ngay bước chân đầu tiên vào đây, bạn đã có thể ngửi thấy mùi thịt thơm thoang thoảng. Chả giò được cuộn thành cây lớn, quấn chặt tay và chiên vừa tới. Quán còn có thịt bò xào tạo điểm khác so với những nơi khác. Phần ăn ở đây được đánh giá là đầy đặn, giá một suất thập cẩm là 47.000 đồng.
Cháo lòng bà Út: Thoạt nhìn, quán cháo nằm trên đường Cô Giang, quận 1 không quá đặc biệt nhưng đã có thâm niên 80 năm. Theo lời kể của chủ, quán do bà nội của cô mở bán trên gánh quanh khu Cầu Muối và cầu Ông Lãnh. Sau 80 năm, quán vẫn giữ nguyên cách bán trên gánh. Khách đến ngồi ăn ở gian nhà bên trong, sạch sẽ nhưng hơi nóng.
Hạt cháo được rang qua trước khi nấu để nở bung nhưng không bị nát, khi ăn có mùi thơm. Một tô thập cẩm với đầy đủ thành phần lòng heo có giá 40.000 đồng. Nếu ngại ăn một số thành phần, bạn có thể yêu cầu bỏ qua lúc gọi món. Quán mở cửa từ sáng sớm đến khoảng 14h.
Thiệu Ký: Trong một con hẻm nhỏ trên đường Lê Đại Hành, quận 11, tiệm mì “cha truyền con nối” đã phục vụ nhiều thế hệ người Sài Gòn suốt hơn 70 năm qua. Theo lời kể, chủ đầu tiên của xe mì này là ông Tư Ky. Ông di cư sang Việt Nam lập nghiệp vào những năm 30 của thế kỷ trước. Khởi đầu là một gánh mì nhỏ bán quanh khúc giao lộ Thuận Kiều, Trần Quý, Hòa Hảo (quận 11, TP HCM). Sau khi buôn bán một thời gian và dành dụm được ít tiền, ông kiếm gỗ rồi tự đóng thành xe mì đẩy đi bán xung quanh khu vực. Tiệm này nổi tiếng với sợi mì tự làm, được nhiều thực khách đánh giá là mềm mà không bở.
Tô mì dọn ra hấp dẫn với miếng thịt xá xíu đỏ au bên trên hoặc thịt gà trắng ngần, thêm vào đó là xà lách, lá hẹ, hành phi, tóp mỡ giòn rụm. Mì của người Hoa không ăn kèm giá hay các loại rau thơm. Mỗi suất ăn có giá từ 40.000 đồng tuỳ theo lựa chọn của khách. Bạn có thể chọn phần thập cẩm, đặc biệt hoặc đồ ăn kèm theo sở thích như xá xíu, thịt gà, vằn thánh, xương…
Bún riêu cô Nga: Quán bún riêu của cô Nga nằm trên đường Nguyễn Văn Hào, quận 4, mở cửa từ năm 1988 và đã hai lần dời vị trí.
Sau khi gọi món, thực khách sẽ được phục vụ một đĩa rau trụng hoặc sống theo sở thích. Điểm nổi bật làm nên tên tuổi của tô bún quán này là phần ăn nhiều riêu cua và tôm, miếng giò heo lớn. So với những nơi khác, cà chua ở đây không xắt miếng nhỏ mà để nguyên trái. Bạn có thể vớt ra chén nhỏ và dầm với các loại đồ nêm để thưởng thức. Hiện một tô bún đầy đủ có giá 50.000 đồng kèm trà đá, khăn giấy lạnh.