Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Indonesia chi tiết từ A - Z

Indonesia là quốc gia có trên 17.000 hòn đảo lớn nhỏ, 6 tôn giáo chính thức và hơn 230 triệu dân. Cảnh sắc thiên nhiên tuyệt vời, bề sâu văn hóa đáng nể, chừng đó đủ để biến Indonesia thành địa chỉ vàng trong sổ tay dịch chuyển. Cập nhật ngay kinh nghiệm du lịch Indonesia để “quẩy tới bến” cùng hội bạn thôi!

1. Kinh nghiệm du lịch Indonesia: Nên đi vào thời gian nào trong năm?

Khí hậu tại Indonesia có 2 mùa là mùa mưa và mùa khô. Từ tháng 9 tới tháng 2 năm sau là mùa mưa, hãy cân nhắc khi du lịch Indonesia thời gian này nhé! Với sự đa dạng văn hóa và tôn giáo, ở Indonesia, tháng nào cũng có cái để xem.


Bỏ túi kinh nghiệm du lịch Indonesia chi tiết từ A - Z
Đây là Galeri Nasional, Jakarta các bạn nhé!

+ Tháng 1: Tiệc Reba của người Bena ở Đông Tenggara

Lễ hội này được tổ chức từ 27/12 năm trước cho tới giữa tháng 1 năm sau.

+ Tháng 2: Lễ hội Bau Nyale, Kuta, Lombok

Nghĩa đen của “Bau Nyale” là bắt sâu đen, nghe lạ tai đúng không nào? Dịp lễ này được người dân địa phương tổ chức vào thời điểm các loài sâu này xuất hiện trên mặt nước. Đây không chỉ là các loài sâu “bình thường” đâu mà nó có thể đem đến sự thịnh vượng.

+ Tháng 3: “Ngày im lặng” và Tết Hindu ở Bali.

Bali là nơi có cộng đồng Hindu giáo lớn nhất Indonesia. Đến Bali vào tháng 3, bạn sẽ được tham gia “Ngày im lặng” cũng như đón năm mới của những người theo Ấn Độ giáo tại đây đấy!


+ Tháng 4: Lễ hội Tidore, Bắc Maluku

Tidore là lễ hội tổ chức nhân dịp thành lập thành phố Tidore, nơi có lịch sử hơn 900 năm.

+ Tháng 5: Lễ hội hóa trang Semarang Night

Semarang là thành phố cách không quá xa Jakarta nhưng có chiều sâu văn hóa vượt hơn hẳn thủ đô. Điểm nhấn của lễ hội này là người tham gia sẽ mang tới nhiều vật trang trí như đèn lồng hoặc đèn trời.

+ Tháng 6: Lễ hội Danau Sentani tại Papua

Đây là sự kiện du lịch diễn ra trong vòng 5 ngày với sự tham gia của 16 tộc người ở Papua, vốn được coi là khu vực hoang sơ, có nhiều thổ dân.

+ Tháng 7: Nghi lễ Tengger tại Yadnya Kasada, núi Bromo.

Núi lửa Bromo, Đông Java hẳn không quá xa lạ đối với dân mê xê dịch. Đến lễ hội này, chúng mình sẽ được… ném đồ thờ cúng xuống miệng núi lửa đấy!


Người ta tin rằng thả hoa này xuống miệng núi lửa Bromo sẽ gặp may mắn

+ Tháng 8: Lễ hội văn hóa Lembah Baliem, Papua

Lễ hội tái hiện lại các cuộc tranh đấu của thổ dân tại các khu vực đồi núi trung tâm Papua.

+ Tháng 9: Lễ Tabuik, Pariaman

Lễ nghi của Tabuik được tổ chức để tưởng nhớ sự ra đi của Iman Hussein vào ngày 10 Muharram theo lịch Hồi giáo.

+ Tháng 10: Lễ hội Reog Ponorogo

Reog Ponorogo vốn là tên điệu nhảy truyền thống Indonesia ở Tây Java. Lễ hội này nhằm kỷ niệm năm mới theo lịch Hồi giáo.

+ Tháng 11: Lễ hội Mahakam

Có tới 30 hoạt động liên quan tới nước được bao gồm trong lễ hội này cơ đấy!

+ Tháng 12: Lễ hội Kora-kora

Lễ hội này đem đến nhiều nét đặc sắc trong văn hóa vùng Bắc Maluku.


2. Kinh nghiệm du lịch Indonesia: Phương tiện di chuyển ra sao?

Từ Việt Nam tới Indonesia

Nếu xuất phát từ Hà Nội, bạn sẽ phải trung chuyển ở sân bay Kuala Lumpur (Malaysia) hoặc Changi (Singapore). Ở thành phố Hồ Chí Minh, hiện tại đã có đường bay thẳng tới Jakarta của Vietnam Airlines. Có rất nhiều hãng hàng không cho bạn lựa chọn như AirAsia, Thai Lions, Thai Airways, Tiger Air… Mức giá vé máy bay khứ hồi trung bình khoảng 7tr/người, đã bao gồm hành lý.


Nào mình cùng đi!

Tại Indonesia

Ứng dụng đặt vé vé phổ biến nhất tại Indonesia là Traveloka. Nếu muốn di chuyển tới các địa điểm du lịch có khoảng cách xa nhau như Jakarta, Yogyakarta, Bromo hay Bali, bạn nên check lịch trình và book vé trên traveloka trước ít nhất là 1 tháng rưỡi.


Tàu hỏa cũng là phương tiện phổ biến được nhiều người lựa chọn. Tuy nhiên, mức giá tàu hỏa so với máy bay không quá chênh lệch nhưng lại tốn thời gian di chuyển rất nhiều.


Một góc Jakarta

Tại thủ đô Jakarta, bạn có thể sử dụng nhiều loại phương tiện công cộng: tàu điện (commuter line), xe buýt Transjakarta hay angkot. Tàu điện và xe buýt đều sử dụng thẻ, đừng ngại hỏi các nhân viên quầy vé để được hướng dẫn nhé!


Thẻ lên tàu điện



Angkot là phương tiện di chuyển phổ biến ở Indonesia nhưng bạn phải thật "cứng" để tránh bị bắt chẹt

3. Kinh nghiệm du lịch Indonesia: Nên ghé thăm những địa điểm nào?

Bandung

Là nơi "đi trốn" lý tưởng cho người dân Jakarta vào dịp cuối tuần, Bandung có khí hậu mát mẻ được xem như nơi có không khí trong lành nhất Indonesia. Đến Bandung, bạn sẽ được mãn nhãn với núi lửa Tangkuban Prahu, hồ kiến tạo từ núi lửa Kawah Putih với màu xanh ngọc bích cực lạ mắt, chợ nổi Lembang, khu The Lodge Maribaya hay Farm House Susu Lembang.


Đến chợ nổi Lembang xem có khác chợ nổi nhà mình không nào


Phải "mua" tiền xu thế này để tiêu trong chợ nha!


Trong ảnh là chuối chiên với topping chocolate và cheese.


Fan sầu riêng đến chợ nổi Lembang là thích nhất rồi!

Lưu ý:

+ Từ Jakarta đi Bandung, tốt nhất là đi tàu hỏa bạn nhé! Đi xe khách tuy có nhiều tuyến thật đấy nhưng xác định là "khóc ròng" vì tắc đường luôn!

+ The Lodge Maribaya và Farm House Susu Lembang đều cực hợp để chụp ảnh sống ảo.


Từ The Lodge Maribaya...


... tới FarmHouse Susu Lembang đều hợp sống ảo

+ Đến Kawah Putih, nhiệt độ hạ xuống tầm 18 độ thôi nên bạn nhớ mang jacket khỏi lạnh nhé! Vì là hồ kiến tạo từ núi lửa nên đậm đặc mùi lưu huỳnh, bạn chú ý tới điều này nha!


Giây phút đầu tiên nhìn thấy hồ Kawah Putih tớ đã trầm trồ vì không tin nổi là thật


Màu xanh cực lạ luôn nhé!


Bonus một tấm núi lửa Tangkuban Prahu, "một cặp" với hồ Kawah Putih ở trên

Yogyakarta

Yogya là cố đô của Indonesia. Khác với vẻ đông đúc đến “khó thở” của Jakarta, ở Yogya đầy ắp công trình kiến trúc, văn hóa, nghệ thuật đặc sắc.


Ở Yogya, mỗi bức tường đều có thể trở thành nghệ thuật

Khó mà bỏ qua ngôi đền Phật giáo tinh xảo và lớn nhất thế giới Borobudur cách trung tâm Yogyakarta hơn 40km. Trong ngôn ngữ Indonesia, “Borobudur” có nghĩa “tháp Phật trên đồi cao”. Tháp được xây dựng bằng 3000 phiến đá núi lửa chỉ có ở đảo Java. Kiến trúc của ngôi đền có thể chia làm ba phần từ thấp tới cao, tượng trưng cho ba cảnh giới: các tầng thấp nhất là Dục giới, tiếp theo là Sắc giới và những tầng trên cùng là Vô sắc giới.


Ảnh này mình đang ở tầng cao nhất của đền Borobudur

Ngoài Borobudur, đền Prambanan cho cộng đồng Hindu giáo hay phố Maliobro ngập tràn sản phẩm batik truyền thống cũng đều làm nên điểm nhấn cho cố đô Indonesia.


Đền Prambanan của người Hindu



Rừng Pinus, một địa điểm cũng khá hay ho ở Yogya

Lưu ý

+ Nếu bạn muốn mua quần áo batik, cứ thẳng hướng Maliobro nhé. Vừa rẻ vừa nhiều vô kể, mạnh dạn trả giá nữa bạn nhé. Ở đây bạn cũng có thể tìm thấy cực nhiều đồ lưu niệm làm quà với giá yêu thương.

+ Giá vào đền Borobudur hay Prambanan chênh lệch gấp 10 lần giữa người bản địa và người nước ngoài. Ví dụ, người bản địa trả 30k IDR nhưng người nước ngoài sẽ phải trả tới 300k cơ đấy.

+ Thời điểm đẹp nhất tham quan Borobudur và Prambanan là hoàng hôn hoặc bình minh, nhưng giá vé cũng tăng đáng kể!

Bromo

Núi lửa Bromo là một trong những địa chỉ thu hút du lịch nhất ở Đông Java, Indonesia. Mặc dù ngọn núi lửa này vẫn ầm ì hoạt động, khách thập phương cả trong và ngoài nước đều kéo đến chiêm ngưỡng “nườm nượp”. Núi Bromo nằm trong quần thể Công viên Quốc gia Bromo Tengger Semeru, bao gồm các thung lũng và hẻm vực có diện tích khoảng 10km2. Bromo được xem là một trong những nơi ngắm mặt trời mọc đẹp nhất trên thế giới đấy!


Nhớ chuẩn bị áo ấm khăn choàng bạn nhé!


Không xem được mặt trời mọc vẫn phải ngầu như trái bầu!


Lên Bromo, bạn chắc chắn phải đi xe Jeep


Núi lửa này vẫn đang ầm ì hoạt động đó bạn ạ

Lưu ý:

Thời điểm tham quan Bromo quyết định thành bại của việc bạn sẽ được ngắm bình minh trên đỉnh núi lửa hay không đấy. Như mình này, đi vào lúc mùa mưa, thế là sáng đó trời mưa kèm sương mù, chẳng xem được. Bạn mình người Indo bảo thời điểm đẹp nhất để ngắm mặt trời mọc ở đây là khoảng tháng 8, mùa khô, tạm yên tâm không có "mây mù giăng lối" che mặt trời mọc.

Bali

Được mệnh danh “vùng đất của các vị thần linh”, Bali duyên dáng và huyền ảo tựa như miền cổ tích. Bali không phải chỉ xa xỉ với những resort đắt tiền đâu, mà còn sở hữu văn hóa Hindu đặc sắc và cảnh quan thiên nhiên tuyệt vời vì cái-gì-cũng-có. Nếu như nàng Liz trong bộ phim “Eat, Pray, Love” đã tìm thấy tình yêu của đời mình tại Bali, thì tại sao bạn lại không thể cơ chứ?


Món heo sữa quay, đặc sản Bali, người dân Bali theo đạo Hindu, vì thế được ăn thịt lợn

+ Đắm mình trong điệu nhảy truyền thống: Indonesia có không biết bao nhiêu điệu nhảy truyền thống cho kể, thế nhưng Bali vẫn là nơi đem đến điệu nhảy đặc trưng Kecak ở đền Uluwatu vô cùng đặc sắc. Tham gia màn trình diễn là 50 tới 70 vũ công kiêm luôn nhạc công accapella. Màn trình diễn đặc biệt này diễn ra mỗi ngày khi mặt trời lặn với khung cảnh thơ mộng bên bờ biển.


Góc nhìn từ đền Uluwatu, một trong những địa điểm ngắm hoàng hôn đẹp nhất Bali


Xem Kecak Dance, nhất định phải chờ lúc mặt trời lặn


Một cảnh trong màn trình diễn

+ Thử sức với những hoạt động trên biển: Đến bãi biển Kuta, bạn hãy nhớ thử ngay lướt sóng nhé. Chỉ từ 85k IDR cho 2 tiếng lướt sóng, đảm bảo bạn sẽ không thấy tiếc một tí tị nào cả.


Lướt sóng đi các cậu ơi, thích cực!

+ Chiêm ngưỡng sự kỳ diệu của tạo hóa: Cảnh sắc thiên nhiên ở Bali sẽ chiều lòng mọi “gu” du lịch, bãi biển trong veo Nusa Ceningan hay ruộng bậc thang xanh mướt mê người ở Ubud đều khiến bạn phải “nín thở” vì quá đẹp.


Tại ngôi đền Ulun Danu, biểu tượng của Bali xuất hiện trên tờ tiền mệnh giá 50k IDR


Ở Bali, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những ngôi đền của người Hindu như thế này


Bali còn có một Ubud rất xanh nữa

Medan

Nơi đây được mệnh danh là “vẻ đẹp vĩnh cửu” với hàng loạt thắng cảnh nổi tiếng và công trình kiến trúc nhuốm màu lịch sử. Đến với Medan, bạn đừng quên ghé Danau Toba – hồ nước được kiến tạo từ núi lửa lớn nhất Đông Nam Á với 30km chiều rộng và 100km chiều dài. Chưa hết đâu nhé, hồ còn có cả một hòn đảo núi lửa mang tên Pulau Samosir ở chính giữa. Toba đã từng là một ngọn núi lửa khổng lồ phun trào khoảng 73 tới 75 ngàn năm về trước.


@flora_agustina


@chika_sigiro

Một số cái tên khác đáng xem ở Medan: Vườn Quốc gia Gunung Leuser, Cung điện Maimun, di tích Batu Persidangan Siallagan, lăng mộ Makam Raja Sidabutar,…

Đảo Komodo

Rồng có thật trên đời không? Câu trả lời là có, ngay tại Indonesia chứ đâu! Tại đây, bạn có thể ngắm các “em” rồng và thậm chí là chơi với chúng nữa đấy. Đảo Komodo cũng là một trong những di sản thiên nhiên thế giới được UNESCO công nhận, rất đáng ghé thăm.


@sinohasviajado


@noramazit


@nsawaya

Tuy nhiên, bạn cần lưu ý là đến đảo Komodo, chi phí máy bay lẫn lưu trú đều khá đắt đỏ đấy nhé!

4. Một số tips hữu ích khi du lịch Indonesia

+ Nên đổi tiền Rupiah trước khi lên đường. Ở Hà Nội, bạn có thể đổi ở phố Hà Trung. Tỷ giá Rupiah/VND ~ 2,1. Ngoài ra, bạn cũng có thể mang tiền USD sang vì sẽ rất dễ dàng tìm thấy các điểm đổi tiền trong bất cứ trung tâm thương mại nào của Indonesia.

+ Tương tự như Thái Lan, ở Indonesia người dân đi bên trái đường.

+ “Thủ” sẵn trong túi một chiếc ô để đề phòng mưa nắng bất chợt bạn nhé!

+ Luôn luôn chú ý hành lý, tư trang khi đi đường đặc biệt là tại các thành phố đông dân cư như Jakarta.

+ Nếu sử dụng angkot, bạn cần phải hỏi giá thật kỹ trước khi lên xe để đề phòng tình trạng “bắt chẹt” khách nước ngoài.

+ Riêng ở Jakarta và vùng lân cận, bạn có thể sử dụng tàu điện khá dễ dàng.

+ Tại Indonesia, ứng dụng đặt xe phổ biến nhất là GoJek, kế đến là Grab và Uber.

+ Người dân Indo ăn cay đến rất cay, nếu không ham ăn cay lắm bạn nhớ dặn trước: "Tidak pedas" nhé!


Thực hiện: Thùy Dung

Nguồn : tripnow.vn