Đảo Sumba Indonesia - nơi những chiếc cây biết 'nhảy múa'

Đảo Sumba Indonesia

Đảo Sumba Indonesia nằm trong khu vực quần đảo Nusa Tenggara, nằm cách Bali khoảng một giờ đồng hồ trên máy bay. Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ, tĩnh lặng, nơi đây được mệnh danh như một viên ngọc của đất nước Indonesia.

Không những vậy, đảo Sumba còn mang đến những trải nghiệm khác lạ, với khung cảnh đồng cỏ mênh mang, những đồi đá vôi thấp, cuốn hút. Tất cả mang đến cho khách du lịch tự túc một cảm giác thư giãn, hưởng thụ giữa thiên nhiên bao la và hùng vĩ.

Đảo Sumba Indonesia - nơi những chiếc cây biết 'nhảy múa'

Độc đáo những chiếc cây "nhảy múa" tại đảo Sumba Indonesia

Bên cạnh đó, điểm thu hút nhất khiến du khách muôn đặt chân đến đảo Sumba Indonesia chính là để khám phá rừng cây ngập mặn có hình dáng độc đáo trải dọc bãi biển, được mệnh danh là "cây nhảy múa". Sở dĩ có tên gọi như vậy không phải vì những chiếc cây này chuyển động mà bởi chúng có hình dáng uốn lượn nhẹ nhàng giống như các vũ công đang múa.

Khi ánh chiều tà buông xuống mỗi ngày, cũng là lúc nước biển rút xuống, để lộ rễ của những cây đước lùn. Người dân bản địa gọi đây là khoảnh khắc điều kì diệu xảy ra.

Bãi biển Walakiri trở thành điểm đến được các tay săn ảnh yêu thích. Bởi ai nấy đều mong muốn thực hiện một bức ảnh đẹp nhất, hoàn hảo nhất về rừng ngập mặn độc đáo, ấn tượng chưa từng có này.

Các nhà thực vật học đưa ra lý giải rằng, các loài cây sinh sống ở rừng ngập mặn hoặc những nơi được bảo phủ bởi nước, thường phát triển theo hình dạng kỳ quái, không theo bất kỳ một quy tắc nào.

Điều này có thể do ảnh hưởng từ mặt nước, phản chiếu lại ánh sáng mặt trời ở nhiều góc độ khác nhau, khiến các nhánh cây phát triển không đồng đều. Đây được gọi là hiện tượng cây cối "hướng quang" do ảnh hưởng bởi hoocmon thực vật auxin, và chúng sẽ phát triển hướng về ánh sáng ngay từ lúc bắt đầu vòng đời của mình.

Ngoài ra, rừng ngập mặn vốn là môi trường sinh thái chuyển tiếp giữa biển và đất liền. Chính vì vậy, sự tồn tại phân bổ, cách phát triển và cấu thành loài của rừng ngập mặn, chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố sinh thái như khí hậu, thủy văn, độ mặn, thể nền... mà cho đến nay vẫn chưa có những đánh giá hay khẳng định về mức độ quan trọng, cũng như sự ảnh hưởng của chúng đến sự phát triển của cây.

Tác dụng chính của cây nhảy múa cũng giống như các rừng ngập mặn khác, đó là giảm xói lở và bảo vệ đất ở vùng ven biển, trước ảnh hưởng của sóng. Ngoài ra, chúng cũng giúp lọc bỏ các chất phú dưỡng, trầm tích và ô nhiễm ra khỏi đại dương và sông ngòi. Từ đó giúp lọc sạch nước cho những hệ thống sinh thái xung quanh.


Đối với nhiều du khách, bãi biển Walakiri cũng như đảo Sumba, luôn là "thiên đường nhiệt đới" hoàn hảo để tận hưởng, thư giãn. Đặc biệt, khoảnh khắc chìm đắm trong ánh hoàng hôn, cùng những chiếc cây biết "nhảy múa" sẽ tạo một kỉ niệm khó quên trong chuyến hành trình của mỗi du khách. Hầu hết, ai nấy đều hi vọng, người dân địa phương bảo vệ nơi này hoặc tạo ra một khu bảo tồn, vườn quốc gia giữ nguyên vẻ hoang sơ, hùng vĩ nhưng mê đắm lòng người này.

Bài liên quan
Indonesia khởi động lại du lịch Bali giữa mùa dịch Covid-19
Núi lửa có ánh sáng xanh kỳ lạ tại Indonesia
Thác nước Tumpak Sewu, 'tuyệt tác' hùng vĩ từ Indonesia
Bình luận bài viết
Bài viết liên quan