Khác với ý nghĩa quan trọng của ngày Tết Trung thu, nhiều phụ nữ Hàn Quốc chia sẻ rằng đây là dịp mà họ cảm thấy ấm ức nhất khi không được đối xử công bằng như nam giới. Một khảo sát gần đây cho thấy, chỉ 19% người được hỏi có dự định về quê hoặc đi du lịch vào 5 ngày nghỉ của kỳ nghỉ lễ Chuseok (Tết Trung thu tại Hàn Quốc).
Những người còn lại quyết định ở thành phố vì những lo ngại liên quan đến dịch bệnh. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, xu hướng lựa chọn này cũng ảnh hưởng bởi nỗi lo sợ, khi phải cặm cụi ở bếp trong suốt kỳ nghỉ lễ của phụ nữ Hàn Quốc.
Với những người phụ nữ đã làm vợ, làm mẹ tại xứ sở kim chi,Tết Trung thu không chỉ là ngày đoàn viên mà còn là mùa thịnh nộ bởi sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ. Hàn Quốc là một đất nước vẫn chịu ảnh hưởng bởi tư tưởng "trọng nam khinh nữ", điều này được thể hiện rõ ràng nhất vào những ngày lễ Tết.
Việc này không chỉ diễn ra với những người bình thường, người nổi tiếng cũng chịu những áp lực tương tự. Nữ diễn viên Hwang Eun Jeong từng chia sẻ trải nghiệm Tết Trung thu tại nhà chồng: "Tôi phải dậy sớm từ 3h để nấu nướng và chuẩn bị. Tôi đã tự hỏi bản thân rằng, mình là vợ hay là nhân viên làm thuê tại một nhà hàng".
Phụ nữ nấu nướng, đàn ông nghỉ ngơi vào Tết Trung thu
Vào mỗi dịp lễ, người phụ nữ Hàn Quốc, đặc biệt là vợ của con trai trưởng, luôn tất bật cả ngày để chuẩn bị mâm cúng thịnh soạn, tiếp đãi họ hàng và lau dọn nhà cửa sau khi khách khứa ra về, điều này đã được thể hiện rất rõ qua các bộ phim của xứ sở Kim Chi.
Ngược lại, những người đàn ông trong gia đình có thể thoải mái nghỉ ngơi, ăn uống và chúc tụng, mà chẳng cần động tay vào việc nhà. Dù vô cùng vất vả, nhưng công sức của người phụ nữ trong những ngày Tết Trung thu thường không được coi trọng. Vì thế, họ mang theo mình một nỗi ấm ức và phẫn nộ, nhưng vẫn phải kìm nén điều này.
Trên thực tế, dù mệt mỏi cỡ nào, những người vợ cũng không dám nhờ chồng mình giúp đỡ, hoặc từ chối việc nhà. Vì họ sợ những ánh nhìn dò xét từ người lớn trong gia đình, đặc biệt là mẹ chồng. Điều này có thể thấy, ở một đất nước hiện đại như Hàn Quốc, sự phân biệt đối xử giữa nam và nữ vẫn tồn tại và ăn sâu vào ý thức của nhiều thế hệ.
"Bệnh phẫn nộ" của phụ nữ Hàn Quốc trong dịp Tết Trung thu
Ở Hàn Quốc, "bệnh phẫn nộ" là tên gọi của một triệu chứng tâm lý. Những người mắc bệnh này thường thường kìm nén sự giận dữ và phẫn uất trong một khoảng thời gian dài. Điều này dẫn tới những triệu chứng như: Khó thở, tim đập nhanh, lo âu và trầm cảm.
Trạng thái tâm lý này gây ảnh hưởng tới 10.000 người mỗi năm, đặc biệt là trong hoặc sau dịp Tết Trung thu. Phụ nữ là đối tượng dễ bị mắc "bệnh phẫn nộ" nhất. Bên cạnh đó, tỷ lệ ly hôn vào dịp Tết Trung thu có xu hướng tăng nhanh do xung đột và mâu thuẫn giữa vợ chồng thường xuyên xảy ra.
Chính phủ cũng không khuyến khích các cuộc gặp gia đình trên 8 người vào dịp lễ này vì lo ngại Covid-19. Nhưng đây lại trở thành niềm vui cho những người mẹ và người vợ Hàn Quốc.
Ngày nay, có rất nhiều mẹ chồng đã bớt xét nét và khắt khe với con dâu. Bởi họ không muốn lặp lại những tổn thương của mình cho người khác. Bên cạnh đó, những phụ nữ có trình độ học vấn cao, khả năng tự chủ tài chính, cũng nhận thức rõ về sự phân biệt giới tính và sẵn sàng đấu tranh cho quyền lợi của mình.
Bài liên quan Tết Trung thu Hà Nội xưa như thế nào? Tết Trung thu ở Việt Nam và các nước Châu Á khác nhau thế nào? Tại sao Rằm tháng 8 là ngày Tết thiếu nhi?