Trong tiềm thức của người dân Việt Nam, báo ân, báo hiếu ông bà, cha mẹ là một trong những nghĩa vụ, là lời cảm ơn sâu sắc nhất trong đời sống tinh thần của mỗi người. Ngày lễ Vu Lan báo hiếu của Phật giáo đã trở thành một trong những nét đẹp văn hóa, biểu trưng cho đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” từ ngàn đời của dân tộc ta. Để hiểu hơn về nguồn gốc, ý nghĩa lễ Vu Lan, các bạn hãy cùng tham khảo bài viết dưới đây mà Shopee tổng hợp nhé!
Nguồn gốc lễ Vu Lan báo hiếu theo đạo Phật
Nguồn gốc lễ Vu Lan được bắt nguồn từ bản kinh ngắn của Phật giáo Đại Thừa “Phật Thuyết Kinh Vu Lan Bồn” do ngài Trúc Pháp Hộ dịch từ tiếng Phạn sang tiếng Hán vào đời Tây Tấn và sau đó truyền từ Trung Hoa sang Việt Nam. Chữ “Vu Lan” trong tiếng Hán dịch: “giải đảo huyền”, có nghĩa là “cứu nạn treo ngược”. Xuất phát từ sự tích Bồ Tát Mục Kiền Liên đại hiếu cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ, vì thế lễ Vu Lan được tổ chức vào ngày rằm tháng bảy âm lịch hàng năm để hồi tưởng sự tích nhân văn này và đề cao lòng hiếu đạo của con người. Theo phong tục của người Á Đông, ngày này còn trùng với ngày Xá tội vong nhân. Do đó, ngày rằm tháng bảy hàng năm đã trở thành một ngày lễ lớn, không thể bỏ qua của người Việt.
Sự tích lễ Vu Lan bắt nguồn từ câu chuyện cứu mẹ khỏi kiếp quỷ đói của Mục Kiền Liên (là một trong hai đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni).
Theo Kinh Phật, mẹ của Mục Kiền Liên đã bị đày thành Ngạ quỷ vì những việc làm ác ý trong kiếp luân hồi. Mục Kiền Liên khi đã tu luyện thành công và đã sử dụng phép thần thông của mình để đi tìm mẹ khắp nơi. Khi chứng kiến mẹ bị đày khổ cực, ông đã hóa thành thức ăn cho mẹ nhưng tất cả lại biến thành lửa.
Khi ấy, ông đã cầu cứu Phật Tổ và được gợi ý cách giúp mẹ giải thoát, giảm nghiệp quả bằng lòng thành tâm, sắm sửa lễ cúng khấn vái các vị chư tăng mười phương vào ngày Rằm tháng bảy. Đức Phật cũng đã có lời răn dạy đến chúng sinh: Ai muốn báo hiếu cha mẹ, ông bà tổ tiên thì cũng làm theo cách này. Nhờ được Phật Tổ chỉ bảo, Mục Kiền Liên đã cứu được mẹ mình khỏi kiếp quỷ đói và từ đó trong dân gian lan truyền ngày lễ Vu Lan báo hiếu vào Rằm tháng bảy.
Ý nghĩa lễ Vu Lan báo hiếu
Bên cạnh những ngày lễ lớn như: Phật Đản, ngày phóng sanh,… lễ Vu Lan báo hiếu là một trong những ngày lễ lớn của Phật giáo nhằm tưởng nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của ông bà, cha mẹ. Với ý nghĩa nhân văn sâu sắc, ngày nay, lễ Vu Lan không chỉ là ngày lễ lớn trong đạo Phật mà đã trở thành ngày báo hiếu của tất cả người dân Việt.
Ý nghĩa lễ Vu Lan ở nước ta còn được thể hiện qua hình ảnh bông hồng cài áo. Hồng được mệnh danh là nữ vương của các loài hoa, mang trong mình hương thơm cao quý, là biểu tượng của tình yêu thương. Do đó, bông hồng được lựa chọn cài lên ngực áo để thể hiện tình cảm yêu thương, thiêng liêng nhất của người con dành cho đấng sinh thành.
Trong lễ Vu Lan, người nào may mắn còn đủ cả cha và mẹ sẽ cài lên ngực áo bông hoa hồng màu đỏ. Những ai không may mất cha hoặc mẹ hay cả cha lẫn mẹ thì cài lên mình bông hồng màu trắng. Bông hồng màu vàng sẽ dành cho các vị tu sĩ mượn thân cha mẹ để phù hộ chúng sinh.
Ý nghĩa lễ Vu Lan còn giúp con người bộc lộ được lòng nhân ái, lòng hiếu thảo với bậc cha mẹ. Không những thế, do trùng với ngày Xá tội vong nhân nên ngày Rằm tháng bảy còn là cơ hội để con người nuôi dưỡng đạo đức, tâm hồn mình để phát huy tư tưởng nhân văn, nhân đạo, tình yêu thương với vạn vật chúng sinh.
Những việc nên làm để tỏ lòng hiếu kính song thân trong ngày lễ Vu Lan
Cuộc sống hiện đại dễ khiến con người bận rộn với công việc, cuộc sống riêng nên có rất ít thời gian dành cho cha mẹ. Nhân dịp lễ Vu Lan báo hiếu, bạn có thể dành tặng cho cha mẹ mình những món quà ý nghĩa, những hành động thiết thực như:
- Sum họp gia đình chính là món quà hẳn bố mẹ nào cũng mong muốn khi con cái trưởng thành. Cả gia đình cùng ăn uống, chuyện trò vui vẻ sẽ giúp bố mẹ cảm nhận được phần nào tình cảm của các con, cháu dành cho mình. Lễ Vu Lan cũng chính là cơ hội để các bạn thổ lộ những điều chưa dám nói với bố mẹ mình. Hãy nói những lời yêu thương, trao cho cha mẹ những cái ôm ấm áp nhé!
- Lễ Vu Lan là một trong những ngày đại lễ của Phật giáo. Việc chuẩn bị một bộ đồ phật tử và một lễ nhỏ lên chùa cầu bình an cho cha mẹ là việc làm hết sức ý nghĩa. Nếu bạn nào không may không còn cha mẹ thì có thể đến chùa cầu cho cha mẹ sớm được siêu thoát, được an nghỉ nơi chín suối.
- Tặng quà cho cha mẹ trong ngày lễ Vu Lan cũng là một hành động thiết thực để bày tỏ tình cảm, tấm lòng của mình với cha mẹ. Bạn hãy xem xét hoàn cảnh, kinh tế của mình để lựa chọn món quà phù hợp với cha mẹ. Hầu hết cha mẹ đều không mong mỏi, đòi hỏi nhiều ở con cháu, nên bạn cũng không cần chọn quà quá quý giá, đắt đỏ. Một món quà chân thành, phù hợp với hoàn cảnh như: thuốc bổ, sữa cho người già, một bó hoa hay đơn giản là một lá thư tay đều vô cùng ý nghĩa.
Như vậy, Shopee đã cùng các bạn tìm hiểu về nguồn gốc, ý nghĩa lễ Vu Lan và một số việc nên làm để bày tỏ tấm lòng dành cho cha mẹ. Hy vọng, với những chia sẻ trên đây, Shopee có thể giúp ích cho các bạn trong quá trình tìm hiểu về các nét đẹp văn hóa của người Việt Nam nói chung và lễ Vu Lan báo hiếu – ngày đại lễ trong Phật giáo nói riêng. Trong đạo Phật có câu: “Đi khắp thế gian không ai tốt bằng mẹ/ Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng cha”. Các bạn hãy bộc lộ tình cảm, sự yêu thương với cha mẹ mình khi còn có thể nhé!
> Xem thêm: Những món quà tinh tế, chân thành dành tặng Mùa Vu Lan báo hiếu mẹ cha