Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ lớn và vô cùng quan trọng đối với người Việt Nam. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết nguồn gốc và ý nghĩa Tết Nguyên Đán thật sự là gì. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa của ngày Tết Cổ truyền là gì? Trong bài viết hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu nguồn gốc và ý nghĩa của Tết Nguyên Đán là như thế nào nhé!
Tết Nguyên Đán là gì?
Tết Nguyên Đán còn được biết đến với nhiều tên gọi khác như là Tết Cả, Tết Âm lịch, Tết Ta, Tết Cổ truyền hay đơn giản là Tết. Đây được xem là dịp lễ đầu năm Âm lịch vô cùng quan trọng và có ý nghĩa nhất đối với người dân Việt Nam. “Tết” là cách đọc âm Hán – Việt của chữ “tiết”, “Nguyên” có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai và “Đán” là buổi sáng sớm. Vì vậy, đọc theo đúng nguyên âm cơ bản thì là “Tết Nguyên Đán”.
Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ lớn và vô cùng quan trọng đối với người Việt Nam. (Ảnh: meta.vn)
Vì tính theo Âm lịch nên Tết Nguyên Đán của Việt Nam sẽ muộn hơn Tết Dương lịch. Điều này là do quy luật 3 năm nhuận một tháng của Âm lịch. Nên ngày đầu năm của Tết Nguyên Đán sẽ không bao giờ diễn ra vào ngày 21 tháng 1 Dương lịch và sau ngày 19 tháng 2 Dương lịch. Tết Nguyên Đán hàng năm thường kéo dài từ khoảng 7 ngày cuối năm cũ và 7 ngày đầu năm mới.
Nguồn gốc Tết Nguyên Đán
Nhiều thông tin cho rằng Tết Nguyên Đán có nguồn gốc từ Trung Quốc. Và đã được du nhập về Việt Nam vào khoảng thời gian 1000 năm Bắc thuộc. Tuy nhiên, theo sự tích “Bánh chưng bánh giầy” thì người Việt đã có phong tục ăn Tết từ trước thời vua Hùng, tức là trước 1000 năm Bắc thuộc. Có thể thấy, những ngày Tết của hai quốc gia Việt Nam và Trung Quốc có ảnh hưởng lẫn nhau, nhưng mỗi nơi vẫn có những nét đặc trưng riêng.
Theo sự tích “Bánh chưng bánh giầy” thì người Việt đã có phong tục ăn Tết từ trước thời vua Hùng. (Ảnh: newsky.edu.vn)
Ý nghĩa Tết Nguyên Đán đối với người Việt Nam
Tạ ơn thần linh
Tết Nguyên Đán là biểu hiện sự giao cảm giữa con người và trời đất với thần linh. Xét ở sự liên kết giữa con người và thiên nhiên, ngày Tết sẽ thuận theo sự vận hành của vũ trụ. Biểu hiện cụ thể là ở sự chu chuyển lần lượt của các mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông. Điều này được xem là có ý nghĩa đặc biệt đối với một xã hội cũng như nền kinh tế còn dựa vào nông nghiệp làm chính.
Ý nghĩa Tết Nguyên Đán – Tết là dịp để người nông dân làm mâm cúng tưởng nhớ đến các vị thần linh. (Ảnh: cacbaivankhan.com)
Theo tín ngưỡng dân gian với quan niệm là “Ơn trời mưa nắng phải thì”, thì Tết là dịp để người nông dân tưởng nhớ đến các vị thần linh của mùa màng như thần Mưa, thần Đất, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt Trời…Bên cạnh đó, người nông dân cũng không quên ơn những loài vật và cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ trong suốt một năm vừa qua.
Sum họp gia đình
Tết Nguyên Đán có ý nghĩa gì đối với người dân Việt Nam? Dù có làm bất cứ nghề gì, ở bất cứ nơi đâu thì người Việt Nam luôn có quan niệm là phải sum họp gia đình trong những ngày Tết. Cả gia đình sẽ khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, giếng nước, ngôi mộ gia tiên, mảnh sân nhà,…và ôn lại những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ. Về quê ăn Tết có ý nghĩa như một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.
Tết Nguyên Đán là dịp để sum họp gia đình. (Ảnh: duyendangvietnam.net.vn)
Theo quan niệm của người Việt Nam, ngày Tết đầu xuân là ngày đoàn viên, mối quan hệ làng xóm sẽ được mở rộng và ràng buộc lẫn nhau, tạo thành đạo lý chung cho cả xã hội: Tình cảm gia đình, bệnh nhân với thầy thuốc, bè bạn cố tri, tình cảm thầy trò, ông mai bà mối đã từng tác thành đôi lứa,…
Nhớ ơn ông bà, tổ tiên đã khuất
Ngày Tết cũng được xem là ngày đoàn tụ với cả những người thân đã mất. Từ bữa cơm tối đêm 30 và trước giao thừa, các gia đình đều thắp hương mời ông bà và tổ tiên cũng như những người thân đã qua đời về ăn cơm ngày Tết với con cháu, thường được gọi là cúng gia tiên. Bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng trong mỗi gia đình người Việt Nam. Bàn thờ gia tiên ngày Tết luôn được chuẩn bị tươm tất để thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của con cháu đối với tổ tiên, người thân đã khuất. Mâm cỗ và mâm ngũ quả sẽ được chuẩn bị đầy đủ với nhiều món ngon hoặc các món ăn quen thuộc của người đã mất.
Bàn thờ gia tiên ngày Tết luôn được chuẩn bị tươm tất để thể hiện lòng kính trọng của con cháu đối với tổ tiên. (Ảnh: gomsuhcm.com)
Từ những ngày cuối năm cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí giao hòa của vũ trụ sẽ mang đến cho con người cảm giác gắn bó hơn với gia đình của mình.
Hy vọng với những thông tin chia sẻ trong bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về nguồn gốc cũng như ý nghĩa Tết Nguyên Đán. Từ đó có thể chuẩn bị một năm mới Tết đến ấm áp và hạnh phúc bên gia đình bạn nhé.