Học vẽ Sketchnote – Phương pháp ghi chép bằng hình ảnh sáng tạo & hiệu quả 

Bạn đang gặp khó khăn trong việc ghi nhớ mặc dù đã đọc đi đọc lại rất nhiều, ghi chép cũng rất nhiều lần? Cách ghi chép thông thường có khiến bạn cảm thấy nhàm chán, không nhớ được những ý chính hay không? Để giải quyết những khó khăn này của nhiều người, cách ghi chép bằng Sketchnote đã ra đời. Hôm nay Shopee sẽ hướng dẫn bạn đọc cách học vẽ Sketchnote tại nhà hiệu quả.




Cùng Shopee học vẽ Sketchnote tại nhà. (ảnh: sumcumo.com)

Vẽ Sketchnote là gì?

Trước khi hướng dẫn vẽ Sketchnote cho các bạn, Shopee sẽ giúp các bạn hiểu về Sketchnote là hình thức như thế nào? Hình thức này có ưu điểm gì? 

Vẽ Sketchnote là một cách hệ thống kiến thức, ghi chép những thông tin quan trọng bằng tập hợp ký tự, hình vẽ, chữ viết được kết hợp một cách logic, dễ hiểu. Sketchnote được hình thành từ những ý tưởng, phong cách, cá tính riêng của người tạo ra chúng.

Khác với những phương pháp ghi chép thông thường, Sketchnote thường tập trung chủ yếu vào nội dung chính và ý tưởng trình bày các hình vẽ, chữ viết, bố cục thay vì tập trung vào việc thể hiện nội dung chi tiết của văn bản giống như cách mà nhiều người thường làm. 

Bài học vẽ Sketchnote

Tự học vẽ Sketchnote sẽ rất đơn giản nếu như bạn có hiểu biết về nền tảng, cơ sở để tạo nên một bản ghi đẹp mắt, dễ nhìn, dễ nhớ. Dưới đây là quy trình hoàn thiện một bài Sketchnote cũng như một số hướng dẫn cách vẽ Sketchnote đơn giản cho các bạn cùng tham khảo.


Hướng dẫn vẽ Sketchnote với 5 bước đơn giản. (Ảnh: i.bloganchoi.com)

Bước 1: Xác định nội dung

Để học vẽ Sketchnote đầu tiên và quan trọng nhất bạn cần quyết định bài Sketchnote sẽ chứa những nội dung gì? Hình thức thể hiện như thế nào?

Ở giai đoạn này, bạn cần xác định tiêu đề chính cho bài với ba tiêu chí là ngắn gọn – súc tích – dễ ghi nhớ. Sau khi bạn đã tìm được tiêu đề phù hợp, bạn cần xác định những nội dung chính trong tiêu đề đó. Để xác định được những nội dung cần có trong phần này, bạn hãy tổng hợp những câu hỏi cụ thể và rõ ràng mục tiêu:

  • Nội dung gồm bao nhiêu ý?
  • Những ý đó là những ý nào?
  • Làm sao để diễn đạt các ý đó ngắn gọn nhất? Logic nhất?

Sau khi xác định được nội dung cho bài, bạn hãy lên ý tưởng trình bày những nội dung này. Một cách vẽ Sketchnote thường dùng để nhấn mạnh tiêu đề là viết bằng chữ in đậm hoặc kiểu chữ đặc biệt do bạn sáng tạo ra. Sau đó, bạn cho phần tiêu đề này vào khung để làm nổi bật nội dung chính này. 


Hướng dẫn vẽ Sketchnote bằng cách làm nổi bật tiêu đề. (ảnh: westudy.vn)

Bước 2: Xác định mục đích 

Để có cách trình bày phù hợp với hoàn cảnh, bạn cần xác định rõ mục đích bài Sketchnote này của mình là để làm gì? Bạn sẽ thực hiện cách trình bày để thuyết trình, làm báo cáo hay đơn giản chỉ để ghi chép bình thường. Khi xác định rõ mục đích, bối cảnh trình bày, bạn sẽ lựa chọn được cách trình bày và cách vẽ Sketchnote cho nội dung hợp lý nhất.

Bước 3: Xác định bố cục bài 

Bạn có thể lựa chọn các hình vẽ Sketchnote theo các bố cục như:

Theo thứ tự ( Bố cục Put in order)

Đây là kiểu bố cục thường gặp trong khi tìm hiểu về hình vẽ Sketchnote hay tự học vẽ Sketchnote. Cách trình bày các nội dung trong bài theo thứ tự từ trên xuống dưới, từ trái sang phải. Với bố cục này, bạn sẽ không cần lo về diện tích giấy vẽ, bạn cũng có thể sắp xếp các ý theo tuần tự, trình bày như một cuốn sách. Một lưu ý nho nhỏ khi bạn lựa chọn bố cục Put in order này đó là trình bày phần tiêu đề trước tiên và làm sao cho chúng nổi bật hơn so với các nội dung khác.


Bố cục Put in order được trình bày theo trình tự: trái sang phải, trên xuống dưới. (Ảnh: hocvienvetuot.vn)

Bố cục xuyên tâm (bố cục Mindmap)

Đây là kiểu bố cục có phần tiêu đề nằm ở trung tâm và nội dung các ý trong bài sẽ tỏa ra xung quanh. Bố cục xuyên tâm giúp chúng ta liên tưởng đến mô hình của những chiếc bánh xe, với trục bánh ở giữa và các nan hoa tỏa ra. Khi sử dụng bố cục Mindmap, bài Sketchnote của bạn sẽ có thể bổ sung thông tin một cách dễ dàng. Tuy nhiên, bố cục này có một nhược điểm đó là khi bài của bạn có nhiều ý nhỏ thì rất dễ gây rối mắt, khó theo dõi. Do đó, bạn nên sử dụng bố cục này với những bài nào có ít ý nhỏ và hãy đánh số thứ tự cho các ý để dễ theo dõi.


Bố cục Mindmap sắp xếp nội dung chính ở tâm và các ý nhỏ tỏa ra xung quanh. (Ảnh: hocvienvetuot.vn)

Bố cục theo hình con đường (bố cục Path)

Nếu bạn muốn trình bày các nội dung liên quan đến một tiến trình với các cột mốc quan trọng. Bạn có thể sử dụng kiểu bố cục con đường này để tạo ra một bản vẽ xuyên suốt những thông tin đó. Với bố cục con đường, bạn sẽ thỏa sức sáng tạo theo ý thích của mình với các con đường hình chữ S, C, W, con đường lượn sóng,.. Trước khi vẽ nội dung vào bố cục bài, bạn nên liệt kê các ý, các cột mốc ra nháp trước để sắp xếp theo trình tự.


Bố cục hình con đường dùng để trình bày các nội dung theo quy trình. (ảnh: hocvienvetuot.vn)

Bố cục hình bỏng ngô (bố cục Popcorn)

Bố cục bỏng ngô thường được dùng trong khi bạn thu thập ý tưởng. Với cách trình bày theo bố cục này, bạn sẽ không cần quan tâm đến việc trình bày các ý theo thứ tự như thế nào? Viết ý này ở vị trí nào cho đúng? Ngoài ra, với bố cục này, bạn có thể thực hiện bài với các hình vẽ Sketchnote vô cùng đơn giản. Một điều bạn cần lưu ý khi chọn bố cục này là phải làm nổi bật tiêu đề của bài.


Bố cục Popcorn không theo khuôn khổ, chú trọng vào việc ghi chép thông tin hơn. (Ảnh: live.staticflickr.com)

Bước 4: Chọn hình ảnh, icon phù hợp

Bước này sẽ đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình học vẽ Sketchnote, bởi các icon sẽ giúp bạn biểu đạt ý tưởng một cách dễ dàng. Bạn hãy áp dụng những cách vẽ Sketchnote đơn giản với các nét vẽ đơn, liền mạch, sử dụng các hình khối cơ bản, sử dụng loại bút màu đen.


Một số hình vẽ dễ thương dùng trong Sketchnote. (ảnh: wowweekend.vn)

Bước 5: Hoàn thiện bản Sketchnote

Để hoàn thiện bản vẽ của mình, bạn hãy tô màu cho bài Sketchnote để chúng được sinh động, bắt mắt hơn. Để bài Sketchnote được nổi bật hơn, bạn không nên tô màu cho tất cả các phần, mà mình chỉ nên tô vào các phần làm điểm nhấn. 

Bạn có thể tìm hiểu về một số gam màu mà mình yêu thích để tô vào bài. Trong khi học vẽ Sketchnote, người ta sử dụng gam màu cam – đen, vàng – đen, xanh – vàng – đen,.. Nếu bạn chưa biết lựa chọn gam màu nào thì có thể tham khảo cách phối màu này trong bài của mình.

Như vậy, Shopee đã cùng các bạn tìm hiểu về những điều căn bản trong khi học vẽ Sketchnote. Hy vọng với những chia sẻ này, Shopee có thể giúp bạn tạo ra những bản Sketchnote sinh động, hấp dẫn thay vì sử dụng cách ghi chép truyền thống nhàm chán, khó nhớ. Chúc các bạn sớm thành công!