Khu kinh tế cửa khẩu (KTCK) Đồng Đăng - Lạng Sơn là một trong các khu KTCK của tỉnh Lạng Sơn và là một trong chín khu kinh tế cửa khẩu trong nước, hoạt động từ tháng 10-2008, gồm hai khu phi thuế quan và thuế quan, rộng 394 km2.
Sau 10 năm đi vào hoạt động, cơ sở hạ tầng khu KTCK đã được đầu tư xây dựng khang trang, góp phần thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại. Tuy mở ra nhiều triển vọng, song các khu KTCK của Lạng Sơn vẫn còn nhiều thách thức cần được quan tâm tháo gỡ để phát triển bền vững.
Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng
Tháng 6 này, đến với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Đồng Đăng), nơi có tuyến quốc lộ 1 huyết mạch xuyên Việt và tuyến đường sắt xuyên Á, chúng tôi cảm nhận có sự thay đổi rõ nét. Sau hơn hai năm, con đường dẫn ra cửa khẩu đã được mở rộng thênh thang với bốn làn xe, không còn cảnh xe tải chở hàng và nhận hàng xuất nhập khẩu (XNK) dừng đỗ bừa bãi dọc hai ven đường. Cả khu vực cửa khẩu không còn cảnh ngổn ngang, người và hàng hóa chen chúc nhau qua cửa khẩu, bến xe tập kết hàng hóa và bến xe khách đã được xây dựng khang trang, rộng rãi.
Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị Trần Bằng Toàn phấn khởi cho biết: Do có vị trí quan trọng trong việc giao lưu kinh tế, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã huy động mọi nguồn lực để đầu tư hạ tầng ở khu vực cửa khẩu này. Đến nay, các hạng mục, công trình phục vụ hoạt động XNK, hệ thống bến bãi,... đã được đầu tư cơ bản hoàn thiện. Đặc biệt, cuối năm 2017, công trình tòa nhà cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị, tuyến đường chuyên dụng XNK hàng hóa qua mốc 1119 - 1120 đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, xuất nhập cảnh, XNK hàng hóa tăng lên rõ rệt. Quý I vừa qua, tổng kim ngạch XNK qua cửa khẩu đạt hơn 121 triệu USD, tăng 20% so cùng kỳ,…
Trước năm 2018, hàng xuất qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị chủ yếu là đồ gỗ, tinh bột và một số ít hàng nông sản, bình quân mỗi ngày chỉ làm thủ tục thông quan cho khoảng 100 phương tiện. Nhưng từ đầu năm 2018 đến nay, phía Trung Quốc đã thực hiện nhập hàng nông sản (chủ yếu là hoa quả) từ Việt Nam tại khu vực này, cho nên hàng nông sản xuất khẩu tăng đột biến. Cao điểm mùa thu hoạch nông sản từ tháng 3 đến tháng 4, mỗi ngày cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị tiếp nhận, làm thủ tục xuất khẩu từ 250 đến 350 xe hàng, tăng gấp ba lần so những năm trước.
Trước đây, khi vào vụ thu hoạch các mặt hàng nông sản như dưa hấu, thanh long, vải thiều,... Khu KTCK Tân Thanh (huyện Văn Lãng) luôn trong tình trạng quá tải, gây ùn ứ, ách tắc giao thông, hàng hóa bị “ngâm lâu”, làm giảm chất lượng,... Nguyên nhân do bến bãi khu vực cửa khẩu này rất hạn chế, chỉ có sức chứa hơn 300 xe qua cửa khẩu mỗi ngày. Cuối năm 2017, tỉnh đã quyết định đầu tư mở mới công trình đường nối cửa khẩu Tân Thanh với Khu kiểm soát Khả Phòng (Pò Chài, Quảng Tây, Trung Quốc) phục vụ XNK. Tuyến đường có chiều dài hơn 4 km, thiết kế mặt đường bê-tông nhựa rộng 15 m, tổng mức đầu tư hơn 200 tỷ đồng.
Phó Giám đốc Trung tâm quản lý cửa khẩu Tân Thanh Nông Hải Thăng cho biết: Công trình theo kế hoạch đầu tư trung hạn, dự kiến thi công đến năm 2020 mới hoàn thành. Song do yêu cầu nhiệm vụ chính trị, giải tỏa hàng hóa, tỉnh đang ráo riết chỉ đạo nhà thầu thi công, phải hoàn thành trong năm 2018. Khi tuyến đường đưa vào khai thác, sẽ chấm dứt tình trạng ùn ứ hàng nông sản ở cửa khẩu Tân Thanh.
Triển vọng và thách thức
Với lợi thế đường biên dài, có hai cửa khẩu quốc tế, hai cửa khẩu chính và bảy cửa khẩu phụ, để phát triển KTCK, những năm qua, Lạng Sơn tập trung xây dựng nhiều chính sách ưu đãi kêu gọi đầu tư vào các khu KTCK. Trưởng Ban quản lý Khu KTCK Đồng Đăng - Lạng Sơn Phan Hồng Tiến cho biết: Bên cạnh việc mở rộng, thiết lập các lối mở và cửa khẩu phụ nhằm khai thông hoạt động thương mại giữa cư dân biên giới hai nước, UBND tỉnh Lạng Sơn còn thực hiện nhiều chính sách “mở”; nhờ đó các cửa khẩu của Lạng Sơn ngày càng phát huy hiệu quả tiềm năng, vị thế của mình. Đặc biệt, thông qua cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư kết hợp với nguồn vốn do ngân sách cấp phát, đến nay kết cấu hạ tầng của các khu KTCK đã có những thay đổi rõ nét, góp phần tích cực vào việc phát triển kinh tế đối ngoại, hội nhập khu vực và thế giới.
Hiện nay, tại các khu vực cửa khẩu trên tuyến biên giới của tỉnh đã có 26 doanh nghiệp đầu tư 35 dự án kinh doanh bến, bãi, kho hàng. Qua đó, góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại biên giới, hằng năm thu hút khoảng 2.700 doanh nghiệp XNK hàng hóa qua địa bàn. Năm 2017, tổng kim ngạch XNK của tỉnh đạt 5,2 tỷ USD, tăng 27,1% so với năm 2016 và quý I - 2018, tổng kim ngạch XNK đạt 928,3 triệu USD, tăng 35,8% so cùng kỳ năm 2017,...
Tuy vậy, vẫn phải nhìn nhận, Khu KTCK Ðồng Ðăng - Lạng Sơn triển khai 10 năm nay, đã có những bước chuyển căn bản, song vẫn còn bộc lộ nhiều bất cập, kìm hãm tốc độ phát triển. Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Lăng Văn Thạu nói: Là một tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách hạn hẹp, mỗi năm tỉnh được Trung ương bố trí từ nguồn vốn hỗ trợ theo mục tiêu đầu tư khu KTCK hơn 60 tỷ đồng, chỉ đủ đáp ứng các dự án quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng,... Với mức đầu tư nhỏ giọt thế này, cơ sở hạ tầng ở các khu KTCK lẽ ra phải “đi trước mở đường” nhưng lại thành đi sau, công tác giải phóng mặt bằng do khó khăn về nguồn vốn nên triển khai cũng rất chậm,... Điển hình như dự án đường Hữu Nghị - Bảo Lâm (Cao Lộc) ra cửa khẩu Pò Nhùng tiến độ thi công rất chậm chạp. Công trình có chiều dài chưa đầy 10 km, được khởi công từ năm 2013 nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động XNK qua địa bàn.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Công Trưởng, hầu hết các dự án đầu tư vào các khu KTCK ở Lạng Sơn là lĩnh vực thương mại, dịch vụ, chưa có các dự án lớn về công nghiệp, chế biến nông sản, kho dự trữ, bảo quản,... Trong khi đó kết cấu hạ tầng thiếu đồng bộ, không đủ năng lực đáp ứng nhu cầu xuất khẩu hàng hóa, nhất là hệ thống giao thông. Các dự án đầu tư hạ tầng, bến bãi, khu trung chuyển hàng hóa,... còn thiếu nguồn lực nên triển khai rất chậm; việc kết nối thương nhân Việt Nam - Trung Quốc còn hạn chế, thiếu thông tin thị trường; sản xuất nông nghiệp mang tính tự phát cho nên thường xảy ra tình trạng cung vượt quá cầu.
Ngoài những thách thức nêu trên, các khu KTCK còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, vấn đề phức tạp, nhất là việc di dân tái định cư đối với người dân nằm trong vùng quy hoạch dự án khu kinh tế. Đời sống, việc làm của những hộ dân thuộc diện giải tỏa vẫn bị “bỏ ngỏ”, trong khi người dân ở vùng biên giới vốn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, Lạng Sơn luôn phải đối mặt với nạn buôn lậu, gian lận thương mại, các loại tội phạm mua bán, vận chuyển hàng cấm, tiền giả, ma túy; mua bán phụ nữ, trẻ em...
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Ngọc Thưởng: Dù còn nhiều khó khăn, song thời gian qua, cả hệ thống chính trị của tỉnh đã tập trung dồn lực đầu tư phát triển khu KTCK, mang lại hiệu quả bước đầu hết sức tích cực. Tổng kim ngạch XNK hàng hóa và số thu thuế từ hoạt động XNK tại các cửa khẩu năm sau luôn cao hơn năm trước. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn một số hạn chế, khiến hiệu quả của khu KTCK chưa đạt được như yêu cầu. Việc triển khai các cơ chế, chính sách đối với khu KTCK còn bị cản trở do nguồn lực đầu tư hạn chế; hệ thống cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ; việc xây dựng các khu chức năng trong khu KTCK chưa hoàn thiện; công tác quản lý tại khu vực cửa khẩu có sự trùng lặp, chồng chéo giữa các lực lượng,...
Để khắc phục khiếm khuyết, thúc đẩy hoạt động XNK qua địa bàn hiệu quả hơn nữa, UBND tỉnh Lạng Sơn đã đề xuất, kiến nghị một số vấn đề như có cơ chế hỗ trợ trở lại từ 20% đến 30% số thu thuế XNK và thuế VAT hàng nhập khẩu cho các tỉnh miền núi biên giới vẫn còn nhận hỗ trợ từ Trung ương để xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là khu vực cửa khẩu. Đồng thời, cho phép các tỉnh biên giới được sử dụng toàn bộ phí thu được từ việc sử dụng hạ tầng, dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu để đầu tư cho khu vực biên giới,...
Hùng Tráng/Nhandan