Nông dân Phạm Văn Hát (sinh năm 1972 ở xã Ngọc Kỳ, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương), dù mới chỉ học hết lớp 7 nhưng đã sáng chế ra khoảng 30 loại sản phẩm máy nông nghiệp khiến nhiều người nể phục. Trong đó, robot đặt hạt mà anh làm ra đã được xuất khẩu đi 14 quốc gia.
Cơ duyên chế tạo máy móc đến từ khi anh quyết định sang Israel để vừa lao động kiếm sống, vừa học hỏi kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp sau khi bị lỗ 4 tỉ đồng đầu tư cho sản xuất rau sạch.
Anh Phạm Văn Hát chia sẻ: "Một hôm, ông chủ Israel yêu cầu tôi đi rải phân bằng dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng trong thời tiết nắng nóng. Tôi vất vả làm được 2 ngày đầu, mỗi ngày uống hết 12 lít nước.
Đến ngày thứ 3 chịu đựng không được nữa, tôi liền đề xuất được thiết kế chiếc máy giúp thay thế nhân công nhưng do không biết ngoại ngữ nên tôi ra hiệu với ông chủ. Hiểu ý tôi, ông chủ hỏi lại: "Liệu anh có làm được chiếc máy đó không? Nó có thể thay thế được bao nhiêu người?".
Nghe ông chủ hỏi vậy, tôi gật đầu, trong đầu tôi nghĩ là chiếc máy này có thể thay thế được khoảng 15-20 người nhưng không biết tiếng nên giơ 2 bàn tay (ý nói máy thay thế được 10 người)".
Vậy là từ hôm đó, anh bắt tay vào chế tạo chiếc máy rải phân. Máy làm xong, anh đem ra cánh đồng thử nghiệm mang lại kết quả bất ngờ.
Đến năm 2012, mặc dù ông chủ trả lương cao và rất ưu ái, tạo điều kiện cho anh làm việc, tên tuổi và những sản phẩm máy nông nghiệp của anh được nhiều người ở Israel cũng như người Việt Nam sinh sống, làm việc tại đó biết đến, song anh Hát quyết định trở về quê.
Ít lâu sau đó, người của ông chủ ở Israel sang Việt Nam, tìm về quê và mời anh quay lại làm việc, nhưng anh quyết định ở lại quê hương mình.
Khi về nhà được ít ngày, thấy anh trai không thuê được người đặt hạt cho kịp thời vụ, anh Phạm Văn Hát nảy ra ý tưởng chế tạo một chiếc máy đặt hạt. Hơn một năm nghiên cứu, chiếc máy gieo hạt đầu tiên ra đời nhưng còn những khiếm khuyết và công suất chưa cao.
Sau nhiều lần quan sát, thử nghiệm trên đồng, anh tiếp tục cải tiến, hoàn thiện để máy đạt đến độ chính xác tuyệt đối như hiện nay với tên gọi robot đặt hạt.
Năm 2014, chiếc máy gieo hạt của anh lần đầu xuất hiện trên thị trường và lập tức được nhiều người tìm đến đặt mua. Rrobot đặt hạt của anh thay thế được cho 40 người làm việc.
Chiếc máy này đã có mặt không chỉ ở 63 tỉnh, thành phố trong nước, đặc biệt là còn chiếm lĩnh thị trường 14 quốc gia khác, trong đó có nhiều nước có nền khoa học kỹ thuật hiện đại như: Hoa Kỳ, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan….
Anh Hát cho biết: “Nhiều người trả 5 tỉ đồng để mua bản quyền, nhưng tôi không bán. Bởi tôi nghĩ, đó là tâm huyết của tôi. Ngoài ra, người nông dân vốn rất vất vả, mua một chiếc "Robot đặt hạt" với giá trong nước chỉ khoảng vài chục triệu đồng đã là một nỗ lực lớn. Vì thế, nếu bán bản quyền, người ta nâng giá thì đối tượng chịu thiệt thòi chính là người nông dân".
Mới đây, anh Hát cho biết đang tiếp tục nghiên cứu và giới thiệu dòng sản phẩm bán tự động thứ 2 là máy phun thuốc trừ sâu. Trong vòng một giờ đồng hồ, chiếc máy này có thể phun cho 3 ha ruộng. Giá thành chiếc máy chỉ từ 50-70 triệu đồng/máy.
BT/VGP