Sóc Trăng xúc tiến đầu tư gắn với phát động khởi nghiệp

Ban Kinh tế Trung ương cho biết, Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Sóc Trăng năm 2018 và Phát động khởi nghiệp tại Sóc Trăng dự kiến sẽ được khai mạc sáng ngày 19/6.

Hội nghị xúc tiến đầu tư 2018 với sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ là dịp để Sóc Trăng quảng bá giới thiệu tiềm năng, cơ hội đầu tư và các chính sách hỗ trợ đầu tư của tỉnh, thu hút tối đa các nguồn lực đầu tư để khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Đồng thời, cũng là dịp để các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với chính quyền và các cơ quan chức năng của tỉnh; tiếp cận các thông tin, danh mục dự án và các lĩnh vực mời gọi đầu tư của Sóc Trăng.

Theo Ban Kinh tế Trung ương, Sóc Trăng là tỉnh nằm trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là địa phương có tiềm năng lớn về phát triển nông nghiệp nhờ những điều kiện thuận lợi về thời tiết và thổ nhưỡng, thích hợp cho nhiều loại cây trồng và vật nuôi. Kinh tế nông nghiệp với những sản phẩm nông sản chủ lực đã có những đóng góp đáng kể cho nền kinh tế địa phương.Thế mạnh của Sóc Trăng là lúa, với đặc sản và lúa thơm. Tổng sản lượng lúa cả năm 2017 đạt 2,11 triệu tấn, trong đó tỉ lệ lúa đặc sản chiếm 46,07%. Tình hình liên kết tiêu thụ lúa giữa nông dân và doanh nghiệp cũng đạt được những kết quả tích cực. Nông dân trồng lúa có lãi, lợi nhuận 43,66-57,8%, đạt mức cao ở Đồng bằng sông Cửu Long.

Đối với thủy sản, tổng giá trị xuất khẩu hàng thủy sản và nuôi trồng và khai thác biển đạt 570 triệu USD. Hành tím ở Sóc Trăng cũng là một đặc sản có thương hiệu với sản lượng năm 2017 là 99.575 tấn. Sản phẩm hành tím Sóc Trăng có thị trường xuất khẩu chủ yếu ở Thái Lan, Ấn Độ, Philippines, Malaysia, Indonesia...

Đối với chăn nuôi, Sóc Trăng đang phát triển rất mạnh nghề chăn nuôi tại tất cả các huyện, thị xã, thành phố. Tổng đàn gia súc đến cuối năm 2017 có 340.790 con; trong đó đàn trâu có 2.983 con, đàn bò có 47.637 con, đàn heo có 290.170 con và đàn gia cầm có 6,89 triệu con.

Đặc biệt, Dự án phát triển chăn nuôi bò sữa trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2013-2020 được triển khai thực hiện liên tục và mở rộng ở một số huyện với tổng đàn đạt 9.720 con, sản lượng sữa hằng năm đạt 2.880 tấn. Đặc biệt bên cạnh nông nghiệp, Sóc Trăng có ưu thế vượt trội hơn so với các địa phương trong vùng đồng bằng sông Cửu Long nhờ tiềm năng về phát triển tổng hợp kinh tế biển với các ngành như năng lượng sạch, cảng biển, dịch vụ vận tải biển…

Trong đó, tiềm năng điện gió của Sóc Trăng được đánh giá là rất lớn.

Theo ông Trần Văn Chuyện – Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế của địa phương, hiện nay Sóc Trăng ưu tiên thu hút đầu tư ở ba lĩnh vực: Nông nghiệp công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, Năng lượng tái tạo và Du lịch. Bên cạnh đó, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; cảng biển, vận tải biển cũng được tỉnh quan tâm kêu gọi, tìm kiếm các nhà đầu tư.

Hiện toàn tỉnh quy hoạch 6 khu công nghiệp nằm ở các vị trí thuận lợi về giao thông; trong đó Khu công nghiệp An Nghiệp (huyện Châu Thành) đã lấp đầy trên 90% diện tích, các khu còn lại đang được tiếp tục kêu gọi đầu tư như khu công nghiệp Trần Đề, khu công nghiệp Sông Hậu, khu công nghiệp Đại Ngãi…

Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế có thể khai thác tại địa phương, các nhà đầu tư sẽ được sự hỗ trợ trong suốt quá trình từ khi tìm hiểu dự án cho đến khi hoạt động, sản xuất kinh doanh. Trong đó, thủ tục hành chính là nội dung đầu tiên mà tỉnh cam kết thực hiện một cách thông thoáng và thuận lợi cho nhà đầu tư.

Ngoài ra, tỉnh sẽ hỗ trợ tạo quỹ đất sạch để các nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận và triển khai thực hiện các dự án; đồng thời đảm bảo đầu tư đồng bộ về hạ tầng đến chân hàng rào dự án. Sóc Trăng có rất nhiều tiềm năng, lợi thế nhưng chưa được khai thác, phát huy hiệu quả đúng mức.

Qua Hội nghị lần này, với những tiềm năng, lợi thế của mình, cùng sự quyết tâm của chính quyền địa phương và thiện chí của nhà đầu tư, tỉnh Sóc Trăng kỳ vọng sẽ thu hút được nhiều dự án đầu tư khả thi, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh và cả khu vực.

Cũng trong khuôn khổ Hội nghị dự kiến sẽ diễn ra nhiều hoạt động như: Trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, văn bản cam kết đầu tư với các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, tỉnh và một số ngành ký cam kết trong việc phát triển nông nghiệp, thương mại, mạng lưới điện; tiếp nhận quỹ an sinh xã hội…

Dự kiến, tỉnh đã lập danh sách trao Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đầu tư, Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư cho 47 dự án với tổng mức vốn đầu tư khoảng 122.880 tỷ đồng, trong đó: Quyết định chủ trương đầu tư và Giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 22.646 tỷ đồng; trao văn bản cam kết đầu tư với tổng số vốn đăng ký đầu tư 100.234 tỷ đồng. Tỉnh Sóc Trăng ưu tiên kêu gọi đầu tư 83 dự án trên các lĩnh vực mà tỉnh có tiềm năng, lợi thế như: năng lượng tái tạo, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đầu tư xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp; thương mại, dịch vụ và xây dựng; du lịch; giao thông vận tải; xây dựng chợ.

Huy Thắng/VGP