Rác thải “bủa vây” sông Nhuệ

Phản ánh đến Đường dây nóng, người dân xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) cho biết, dòng sông Nhuệ chảy qua địa bàn xã nhiều năm nay bị ô nhiễm trầm trọng...


Rác thải “bủa vây” sông Nhuệ

Dòng sông Nhuệ đoạn qua xã Tiền Phong (huyện Thường Tín) đầy rác thải.

Có mặt tại xã Tiền Phong, phóng viên nhận thấy, phản ánh của người dân là đúng. Dọc hai bên bờ sông, tràn ngập các loại rác thải từ làng nghề, rác thải sinh hoạt. Mùi khét từ các đống đốt phế thải của làng nghề sản xuất chăn, ga, gối, đệm Trát Cầu cộng với mùi hôi từ dòng sông bốc lên khiến bầu không khí trở nên ngột ngạt, khó chịu.

Chị Nguyễn Thị Liên, người dân nơi đây cho biết: “Một số hộ sản xuất do chưa nhận thức đầy đủ tác hại của rác thải làng nghề nên đổ trộm rác ra hai bên bờ sông Nhuệ. Các bãi rác cứ dần hình thành mà không có sự can thiệp mạnh của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương. Thêm vào đó, hằng ngày người dân tùy tiện đổ cả rác thải sinh hoạt nên rác cứ tràn lan dọc bờ sông”.

Anh Nguyễn Văn Dũng, cư dân của xã cũng cho hay: “Chưa cần phải xét nghiệm, chỉ bằng cảm quan mắt thường đã thấy dòng sông đen kịt và mùi hôi bốc nồng nặc khiến ai cũng phải đeo khẩu trang khi qua đoạn đường này. Phế thải làng nghề được các hộ dân đổ chủ yếu vào ban đêm và người dân tự đốt. Mặc dù chúng tôi đóng cửa suốt ngày, nhưng do khói bốc cao nên tro bụi cuốn theo gió lọt qua khe cửa bay vào trong nhà”.

Nguồn nước sông Nhuệ trước kia người dân thường dùng để sinh hoạt và dùng để tưới cây nhưng nay tốc độ đô thị hóa và kinh tế phát triển mạnh nên lượng rác và nước thải quá lớn, gây ô nhiễm trầm trọng cho dòng sông.

Chị Nguyễn Thị Nhàn, nhân viên vệ sinh môi trường chia sẻ: “Do lượng rác thải của địa phương quá lớn và người dân lại đổ tràn lan nên không dọn xuể. Tuy chính quyền xã có treo biển cấm đổ rác và có xử phạt hành chính nhưng cũng không đủ sức răn đe và ô nhiễm vẫn không được cải thiện”.

Trao đổi với chúng tôi về thực trạng rác thải của địa phương, ông Nguyễn Văn Chung, Bí thư Đảng ủy xã Tiền Phong cho biết: “Thực trạng này đã tồn tại từ lâu, dù biết rất nguy hại cho sức khỏe, ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân, nhưng địa phương không đủ nguồn kinh phí để xử lý. Do quỹ đất của xã có hạn nên không thể xây dựng hố chôn lấp, dùng hóa chất xử lý tại chỗ. Trong khi đó, muốn đưa rác thải đi xử lý thì tốn rất nhiều kinh phí nên xã không có khả năng...”.

Từ nhiều năm qua, thành phố và nhiều cơ quan chức năng đã quan tâm tìm giải pháp giảm ô nhiễm môi trường cho dòng sông Nhuệ. UBND huyện Thường Tín đưa nội dung giảm ô nhiễm môi trường cho làng nghề bên dòng sông Nhuệ vào nghị quyết với một số biện pháp làm sạch môi trường tại khu dân cư, tuyên truyền giáo dục người dân không vứt rác thải xuống sông, nạo vét một số đoạn sông…

Tuy nhiên, tình trạng ô nhiễm môi trường sông Nhuệ vẫn chưa được cải thiện nhiều. Do vậy, người dân sinh sống hai bên bờ sông Nhuệ tại xã Tiền Phong vẫn mong mỏi, chờ đợi một giải pháp thực sự hiệu quả để chấm dứt cảnh sống chung với rác.