Bêu tên các dự án chậm tiến độ tại Hà Nội
Trong phần báo cáo giám sát, HĐND TP. Hà Nội chỉ ra nhiều dự án chậm triển khai trong nhiều năm, của nhiều chủ đầu tư lớn, với diện tích đất hàng nghìn ha.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, toàn thành phố có 161 dự án có dấu hiệu vi phạm Luật Đất đai, trong đó có 76 dự án chậm triển khai từ 5-10 năm.
Tuy nhiên, đoàn giám sát của HĐND TP. Hà Nội cho rằng con số 161 là chưa đủ và dẫn ra số liệu có tới 283 dự án chậm triển khai.
HĐND Hà Nội cho rằng nhiều chủ đầu tư xí phần nhận đất nhưng chậm triển khai, khiến dân sống trong tình cảnh dở dang trong cuộc sống. Trong đó, không ít dự án chậm triển khai hơn 10 năm được HĐND TP. Hà Nội chỉ tên.
Cụ thể, Khu đô thị mới Thịnh Liệt của Tổng công ty xây dựng Licogi rộng 35 ha, chậm tới 14 năm.
Dự án khu đô thị Cổ Nhuế của Tập đoàn Nam Cường rộng 17,6 ha tại phường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm) cũng đã bỏ hoang 12 năm.
Khu đô thị mới Cầu Bươu (huyện Thanh Trì) của Công ty cổ phần kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội (HANHUD) rộng 20 ha, Khu đô thị Văn La (quận Hà Đông) của Sông Đà Sudico rộng 10,6 ha chậm tiến độ 11 năm.
Một loạt dự án chậm 10 năm như Dự án Làng Việt cổ Hoài Đức ở La Phù (huyện Hoài Đức) rộng 23,4 ha, Dự án khu đô thị AIC Mê Linh tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) của Công ty CP Bất động sản AIC rộng tới 94 ha, Khu đô thị Mai Linh tại xã Song Phương và Tiên Yên, diện tích 139 ha...
Theo HĐND TP. Hà Nội, dự án AIC Mê Linh đã giải phóng mặt bằng 80%, nhưng vẫn chỉ là bãi chăn thả bò, trong khi dự án Khu đô thị Mai Linh sau 10 năm vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng và triển khai.
Trên địa bàn Hoài Đức, Thạch Thất, Hà Đông, Mê Linh, Quốc Oai... còn rất nhiều dự án bất động sản bị bỏ hoang, chậm triển khai nhiều năm
Sẽ mạnh tay xử lý vi phạm
Tại phiên giải trình, hàng loạt câu hỏi chất vấn của các đại biểu HĐND TP. Hà Nội đã được đặt ra cho Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) Hà Nội Nguyễn Trọng Đông xoay quanh việc các dự án chậm tiến độ tại Hà Nội, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn.
Giám đốc Sở TN-MT Hà Nội cho biết, các dự án trên địa bàn thành phố được giao đất, cho thuê đất cơ bản được triển khai đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn có những dự án chậm tiến độ, thậm chí vi phạm Luật Đất đai.
Đối với việc gia hạn dự án chậm tiến độ tại Hà Nội, ông Đông cho biết đến nay không nhiều dự án được gia hạn, việc xin gia hạn chủ yếu là thực hiện điều chỉnh quy hoạch sau đó điều chỉnh hướng đầu tư.
Một dự án bị bỏ hoang gần 10 năm tại huyện Mê Linh (Hà Nội).
Cũng theo ông Đông, sở gặp nhiều khó khăn trong việc thu hồi đối với Luật đất đai 2013 vì nếu không bồi thường tiền GPMB, đầu tư hạ tầng kỹ thuật, giải quyết công ăn việc làm của người lao động sẽ gặp sự chống đối quyết liệt của chủ đầu tư. Do đó, sở phải giải quyết rất thận trọng, chứ không phải là không xử lý.
“Hiện tại, những dự án chậm 5 - 10 sẽ không gia hạn nữa, bởi vì quá hạn 24 tháng. Do vậy trong thời gian tới sở sẽ xem xét, xử lý không chấp nhận gia hạn đối với những dự án 5-10 năm. Trừ những lý do bất khả kháng theo luật còn những dự án cố tình sẽ tiến hành thu hồi”, ông Đông nói.
Theo ông Đông, hiện sở đã thực hiện thanh tra, kiểm tra với 215 dự án. Qua thanh tra, đã có 64 dự án được khắc phục, 21 dự án bị kiến nghị thu hồi đất và xử lý phạt, 11 dự án vướng mắc do quy hoạch GPMB, 30 dự án thanh tra chính phủ và các ngành thanh kiểm tra, 84 dự án đang kiểm tra. Các dự án ở Hoài Đức cũng nằm trong quá trình thanh tra, kiểm tra. Hiện, sở đang tiếp tục phối hợp với thành phố xử lý vi phạm.
Đối với những đơn vị đã xử lý vi phạm và có kết luận của thanh tra, sở đã thực hiện công bố các đơn vị này trên cổng thông tin điện tử của Sở và của Bộ TNMT.
Giám đốc Sở TN-MT cho biết, Luật Đất đai năm 2013 và các quy định của Chính phủ quy định mức xử phạt cao nhất đối với một sự án là 1 tỉ đồng. Với tình hình hiện nay, mức này chưa đủ sức răn đe, nên sắp tới sở sẽ cùng các ngành nghiên cứu dự thảo quy định, báo cáo UBND TP, HĐND TP để nâng mức xử phạt theo quy định của Luật Thủ đô lên gấp đôi.
MuaBanNhaDat theo TBKD