15 dự án chưa quy hoạch bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội
Theo báo cáo của Sở Xây dựng, hiện nay trên địa bàn thành phố có 384 dự án đã được giao đất để thực hiện đầu tư xây dựng. Trong đó, 299 dự án đang triển khai, đặc biệt là có 15 dự án đầu tư xây dựng chưa quy hoạch bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội (nhà trẻ, trường học) so với tiến độ xây dựng nhà ở trong dự án.
Không chỉ vậy, qua khảo sát mới đây của Ban Văn hóa - Xã hội, HĐND TP Hà Nội về các công trình hạ tầng xã hội tại các khu đô thị cho thấy, trong 78 dự án khu đô thị mới đã đưa vào sử dụng, chỉ có 36 dự án được đầu tư xây dựng bảo đảm đồng bộ các công trình nhà trẻ, trường học với việc xây dựng nhà ở theo quy hoạch; còn lại các dự án có quy hoạch hạ tầng xã hội, nhưng chậm triển khai.
Cần có những quy định ràng buộc trách nhiệm
Không chỉ thiếu hạ tầng xã hội, chủ đầu tư còn chậm bàn giao các công trình hạ tầng kỹ thuật hoặc chưa khớp nối đồng bộ hạ tầng, dẫn đến việc quản lý các khu dân cư của chính quyền địa phương còn bất cập. Đơn cử như, khu đô thị KV - KL (quận Hoàng Mai) thường xuyên bị ngập úng khi mưa, ùn tắc giao thông, đường xuống cấp do chưa kết nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật vì các tuyến đường ngoài phạm vi khu đô thị chưa được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch.
Theo Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố Trần Thế Cương, do quyết định phê duyệt đầu tư chưa xác định rõ vai trò, trách nhiệm của chủ đầu tư trong việc thực hiện các công trình hạ tầng xã hội, dẫn đến một số chủ đầu tư bỏ hoang đất hoặc có thực hiện, nhưng tiến độ chậm.
Việc đầu tư vào các công trình hạ tầng xã hội lợi nhuận thấp; các cơ chế, chính sách khuyến khích xã hội hóa trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục còn chậm, chưa cụ thể... là lý do khiến các chủ đầu tư không mặn mà. Chưa kể tình trạng người mua nhà để kinh doanh, không sử dụng ngay dẫn đến khi xây dựng xong nhà trẻ, trường học không đủ học sinh... Đây cũng là cái cớ để chủ doanh nghiệp đầu tư xây dựng một cách cầm chừng.
Trước thực trạng trên, Ban Văn hóa - Xã hội HĐND thành phố kiến nghị UBND thành phố, khi phê duyệt quy hoạch và quyết định đầu tư cần có những quy định ràng buộc rõ ràng về trách nhiệm của chủ đầu tư đối với việc bảo đảm tiến độ, chất lượng xây dựng các công trình hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ dân sinh và bàn giao cho chính quyền địa phương quản lý khi hoàn thành.
Đối với các dự án xây dựng trường học chủ đầu tư chậm triển khai, UBND thành phố cần thu hồi và giao cho UBND quận, huyện, thị xã lập dự án đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách hoặc kêu gọi đầu tư xã hội hóa. Các sở, ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, chủ động đề xuất với UBND thành phố phương án xử lý đối với công trình hạ tầng xã hội không triển khai hoặc chậm tiến độ nhằm bảo đảm tính đồng bộ giữa hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật trong các khu đô thị, khu nhà ở cao tầng.
Hiện nay, Sở Xây dựng đang rà soát các khu đô thị, chỉ rõ khu đô thị nào đã xây dựng hạ tầng xã hội, khu đô thị nào chưa, đồng thời đề xuất giải pháp xử lý đối với những khu đô thị đã đi vào hoạt động, nhưng chưa bố trí xây dựng trường học và các công trình hạ tầng xã hội khác như, vườn hoa, cây xanh, nhà văn hóa, nhà sinh hoạt cộng đồng.
MuaBanNhaDat theo Thời Báo Kinh Doanh